Những sự kiện kinh tế nổi bật năm 2014
Lạm phát thấp nhất trong 13 năm, GDP tăng vượt dự kiến, giá dầu giảm sâu kéo xăng 19 lần giảm giá, nhiều ý kiến trái chiều quanh dự án sân bay Long Thành, dịch vụ taxi Uber gây nhiều tranh cãi... là một số dấu ấn kinh tế nổi bật năm qua.
1. Lạm phát thấp nhất 13 năm, GDP tăng vượt dự kiến
Lạm phát của Việt Nam năm nay thấp nhất trong 10 năm gần đây, ở mức 4,09%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là 7%.
Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân lạm phát thấp là do sự sụt giảm trong tổng cầu của nền kinh tế và đây không thể là một kết quả tích cực được mong đợi. Việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát chắc chắn sẽ không phải là bài toán dễ tìm đáp số, mặc dù trong năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cao thứ 2 thế giới, với mức đạt 5,9%, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra (5,8%) và cao hơn năm 2013 (5,42%).
2. Giá dầu hạ thấp nhất trong nhiều năm kéo xăng 19 lần giảm giá
Thời điểm đầu tháng 12.2014, giá dầu thô trên thế giới đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ quan trọng về mặt tâm lý khi rớt xuống dưới 60 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 7.2009 trước lo ngại về nguồn cung quá dồi dào. Đà sụt giảm chóng mặt của giá dầu khiến đa số giới đầu tư trên thế giới hoang mang.
Riêng đối với Việt Nam, việc giá dầu giảm mạnh một mặt có tác động tích cực, tuy cũng dấy lên lo ngại hụt nguồn thu ngân sách từ việc xuất khẩu dầu thô. Cụ thể, tạo cơ hội để giá xăng dầu trong nước giảm tổng cộng 19 lần/24 lần điều chỉnh với mức giảm tổng cộng hơn 7.000 đồng/lít. Nhưng theo dự tính của Chính phủ, nếu giá dầu giảm 1 USD/ thùng thì ngân sách thất thu 1000 tỷ đồng. Năm 2015, nếu giá dầu ở mức 80 USD/thùng thì ngân sách thất thu 20.000 tỷ đồng.
Tuynhiên, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Năm 2007, giá dầu thế giới ở mức 60 USD/thùng thì giá xăng ở mức 12.700 đồng /lít, khi giá dầu tăng lên 150 USD/ thùng thì giá xăng tăng lên 25.000 đồng/lít, nay khi giá dầu giảm về xấp xỉ 60 USD/thùng nhưng giá xăng cũng chỉ giảm về xấp xỉ 18.000 đồng/lít (?)
3. Nợ công được quan tâm
Theo quy định của chiến lược nợ công, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25%, nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay thì hiện nợ công vào khoảng 26,2%. Tại diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “nợ công vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép”. Tuy nhiên, trong năm qua vấn đề nợ công thu hút rất nhiều sự quan tâm, đặc biệt là dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế bởi nợ công khá ổn định ở mức 55% GDP từ năm 2010, nhưng tỷ lệ này dự kiến tăng lên mức 60,3% GDP vào cuối năm nay.
Các chuyên gia lo ngại về khả năng trả nợ, cả lãi vay lẫn nợ gốc trong bối cảnh bội chi ngân sách lớn, giá dầu trong xu hướng hạ, nợ công sẽ ngày càng nặng thêm, mà khó có khả năng giảm đi.
4. Dự án sân bay quốc tế Long Thành gây nhiều ý kiến trái chiều
Dự án đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành với kinh phí dự kiến ngốn hết 18,7 tỷ USD được đưa ra bàn thảo trong bối cảnh nợ công tăng nhanh khiến dự án này vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều và sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và người dân cả nước.
Trong khi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định bên lề kỳ họp Quốc hội tháng 11 vừa qua, dự án xây dựng sân bay Long Thành là một dự án lớn, cần thiết phải triển khai để giảm quá tải cho các cảng hàng không khác. Ý kiến các nhà khoa học lại băn khoăn về sự cần thiết của dự án bởi các số liệu thực tế nêu ra thiếu thuyết phục, đồng thời ảnh hưởng đến ngân sách và đầu tư công.
Dự kiến “số phận” của dự án này sẽ được đưa ra quyết định tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 tới đây.
5. Thị trường bất động sản chưa tan băng
Có không ít ý kiến cho rằng 2014 chính là năm đáy của thị trường bất động sản (BĐS), dù cho thống kê của Bộ xây dựng cho biết lượng BĐS tồn thời gian qua đã giảm 14,7% so với năm 2013.
Không thiếu những từ ngữ được dùng để mô tả tình trạng của thị trường BĐS như “đóng băng”, “ảm đạm”, “đứng im”, “tê liệt”…
Gói hỗ trợ thị trường BĐS trị giá 30.000 tỷ đồng được Chính phủ đưa ra từ 2013, tuy nhiên hết cả năm 2014, hầu như chưa có nhiều khách hàng vay được tiền từ gói hỗ trợ này. Để bán được nhanh, nhiều chủ nhà đang phải thu hút khách hàng bằng những “món” hoa hồng hàng trăm triệu đồng, chủ dự án rao trúng thưởng cả xe siêu sang... nhưng cả dân môi giới lẫn khách hàng đều không mặn mà.
6. Bước đầu hỗ trợ ngư dân bám biển
Trước những khó khăn của nghề khai thác thủy sản trên biển, để từng bước nâng cao đời sống ngư dân, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về phát triển thủy sản, trong đó quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ ngư dân trong việc mua tàu mới để đánh bắt thủy hải sản…
Tuy nhiên, dù được coi là “cánh cửa” rộng mở để ngư dân vươn khơi nhưng sau nhiều tháng đi vào triển khai, theo phản ánh của nhiều địa phương, “dòng vốn vẫn chưa tới được với nhiều ngư dân” do nhiều rào cản về tiêu chuẩn, mẫu tàu, bảo hiểm...
7. Bùng nổ dịch vụ taxi Uber gây nhiều tranh cãi
Xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 2.2014, Uber là một dịch vụ trung gian hoạt động thông qua ứng dụng trên smartphone, làm nhiệm vụ gắn kết người cần đi xe với người sở hữu xe. Với mức giá thấp hơn khoảng 20% so với taxi truyền thống, loại hình dịch vụ taxi Uber - “vẫy taxi bằng smartphone” bùng nổ tại TP.HCM ngay lập tức được nhiều người dân lựa chọn và ngay sau đó nhiều mô hình tương tự như Easytaxi, Grabtaxi cũng tiếp tục "làm mưa, làm gió" tại Hà Nội.
Uber sau đó đã gặp phải phản ứng của một số ngành chức năng và các hãng taxi truyền thống khi cho rằng dịch vụ này trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh và hoạt động trái pháp luật tại Việt Nam. Tuy nhiên tính đến thời điểm này, cơ quan quản lý vẫn còn lúng túng để tìm ra phương án quản lý và đưa dịch vụ này chính thức được hợp pháp hóa ở Việt Nam.
Nhưng đến ngày 18.12, với sự xuất hiện một cách chính thức của Livetaxi - một ứng dụng mới của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thì thị trường vận chuyển công cộng bằng taxi được kỳ vọng sẽ có nhiều sự cạnh tranh mang lại lợi ích tối đa cho người tiêu dùng.