Những nút thắt trong tiếp cận vốn
Theo TS. Nguyễn Đại Lai, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng: Cả nền kinh tế đang trong trạng thái tổng quát là “thừa vốn, thừa hàng và thiếu tiền”, vấn đề tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, giải quyết tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra” trong việc tiếp cận nguồn vốn cuối năm là một trong những mấu chốt.
Bối cảnh nền kinh tế
Theo số liệu về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012 được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 cho thấy, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh lên tới 26.324 doanh nghiệp, chiếm khoảng 5,3% tổng doanh nghiệp đang hoạt động và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, đáng chú ý nhất là số doanh nghiệp giải thể tăng tới 35,4%. Riêng tháng 6 có 4.100 doanh nghiệp phá sản, bằng 15,6% so với con số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 6 tháng. Tình hình kinh tế khó khăn cũng được phản ánh khá rõ nét qua việc số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 6 tháng giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo cũng cho biết, trong số 31,7% doanh nghiệp được khảo sát dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh, 13% giảm quy mô lao động, 10% cắt giảm vốn và có tới 25,5% lường trước giảm doanh thu, 27,9% giảm lợi nhuận.
“Với mức tăng trưởng như hiện nay, để đạt mục tiêu tăng GDP từ 6 - 6,5% cho cả năm 2012, thì trong những tháng còn lại của năm 2012, GDP phải tăng từ 7,28 - 8,18%. Đây là khả năng không thể thực hiện được, bởi năng lực hấp thụ vốn thực của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất đã rất kém, vốn cũ chưa trả hết, vốn mới không đủ điều kiện tiếp cận, nhiều doanh nghiệp không có thị trường đầu ra để tiếp tục tăng kho hàng hóa vốn dĩ đã ứ thừa (nhất là hàng bất động sản) ”, TS. Nguyễn Đại Lai cho biết.
TS. Nguyễn Đại Lai: Cả nền kinh tế đang trong trạng thái “thừa vốn, thừa hàng, thiếu tiền.
“Điểm nút” cần tháo gỡ
Trong những vừa năm qua, lạm phát đã làm cho tiền buộc phải “chui” vào hàng hoá, đơn giản chỉ để làm phương tiện thanh toán (do giá tăng) thay vì “chảy” vào ngân hàng để đi ra sản xuất. Điều n tạo ra hiện tượng “tiền nhiều vốn ít”, làm cho thanh khoản trong các ngân hàng luôn căng thẳng, kèm với tăng lạm phát thì nợ xấu cũng đã không ngừng tăng lên. Điều đó cho thấy, muốn có vốn hoạt động, nền kinh tế đã phải đi qua đồng thời cả 3 hoặc một trong 3 kênh là: giảm lạm phát (tức là phải tăng giá vốn), tăng tiền gửi và tăng tái cấp vốn (MB).
Từ đó có thể thấy, lạm phát đã là nguyên nhân rất lớn gây nên tình trạng tăng lãi suất. Khi lãi suất tăng, là hòn đá tảng cho sự tiếp cận của doanh nghiệp với ngân hàng. “Tình trạng này nếu không được nhận dạng và có giải pháp thỏa đáng bằng các chính sách tác động vào tổng cung, tổng cầu để dẫn dắt và tôn trọng qui luật thị trường. Điều này sẽ sẽ dẫn đến một trong hai thái cực rất nguy hiểm: hoặc là “vung tay” nới lỏng tiền tệ quá mức để lạm phát siêu mã dùng “tiền đè hàng” mà đẻ ra hàng thì luôn luôn khó hơn đẻ ra tiền; hoặc là tiếp tục thắt chặt gây ra giảm phát làm cho nền kinh tế không tạo ra được giá trị mới, sản phẩm dở dang và tồn kho lớn do thu nhập thấp, sức mua yếu, người lao động không có tiền, thất nghiệp cao…”, TS Nguyễn Đại Lai cảnh báo.
Một trong những điểm nút cần tháo gỡ trong những tháng cuối năm 2012 chính là tắc nghẽn trong lưu chuyển tiền tệ. Tính đến cuối tháng 6/2012, tổng phương tiện thanh toán (M2), đã tăng gần 7% so với cuối năm 2011, nhưng lượng tiền thật được đưa vào nền kinh tế chỉ vài phần trăm trong số này, số còn lại đang kẹt đâu đó trong các ngân hàng, tổ chức tài chính. Thực tế đến 20/8/2012, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng có mức tăng khá mạnh, tới 10,26%, dư nợ tín dụng tính đến cùng thời điểm chỉ nhích thêm 1,4% so với cuối năm 2011. Rõ ràng cần phải xem lại luồng tiền đi vào tín dụng bao nhiêu, vào đầu tư tài sản tài chính bao nhiêu và đặc biệt là “khoản phải thu khác” là bao nhiêu? Ngoài ra, với lượng tiền chảy vào sản xuất nhỏ nhoi ấy lại đang bị thao túng bởi các quan hệ sở hữu chéo vô cùng chằng chịt như hiện nay.