Những ngân hàng nào nợ xấu "khủng" nhất?

Điểm qua khối các ngân hàng trong báo cáo 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu ở mức khủng thuộc về Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGBank) với 9.1%. Kế đến là SHB cuối quý 2/2013 là 9,04%, tương đương gần 5.300 tỷ đồng.

Không những tỷ lệ nợ xấu gia tăng mạnh mà nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của hầu hết các ngân hàng cũng có xu hướng tăng đáng kể. Tổng nợ xấu của các ngân hàng trên gần 47.000 tỷ, trong đó, nợ nhóm 5 chiếm gần 20.300 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu ở mức khủng thuộc về Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGBank) với 9.1%. Trong khi cho vay tại PGBank chỉ đạt 13,155 tỷ đồng thì nợ xấu đã chiếm 1.197 tỷ, trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 137 tỷ đồng.

Những ngân hàng nào nợ xấu "khủng" nhất? - 1

Tỷ lệ nợ xấu ở mức khủng thuộc về Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PGBank) với 9.1%.

Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất có lẽ là nợ xấu của Techcombank tăng vọt từ ngưỡng cho phép 2.7% lên 5.28%, nợ xấu cao gấp đôi cuối năm 2012 lên gần 3,700 tỷ đồng với nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 47% lên 1,300 tỷ đồng. Chất lượng nợ của ngân hàng này cũng giảm sút rõ rệt khi nợ đủ tiêu chuẩn giảm 4%, còn nợ cần chú ý (nhóm 2) cao gấp đôi và nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) cao gấp 14 lần so với đầu năm.

Nợ xấu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB) đến cuối quý 2/2013 là 9,04%, tương đương gần 5.300 tỷ đồng. Số nợ này cũng gắn liền với khoản cho vay và phát hành trái phiếu của Vinashin. Tuy nhiên, trong một lần trả lời báo chí gần đây, đại diện của SHB khẳng định tỷ lệ nợ xấu này chỉ tăng nhẹ so với đầu năm. Đây cũng là một trong những ngân hàng có nhân sự về đầu quân cho VAMC.

Ngân hàng TMCP Nam Việt (HNX: NVB) cũng chưa cải thiện được nợ xấu của chính mình. Chưa biết lộ trình tự tái cơ cấu sẽ đưa NVB về đâu nhưng trước mắt nợ xấu của ngân hàng này vẫn gia tăng đáng kể lên 6.1% với nợ có khả năng mất vốn gần 500 tỷ đồng.

Theo số liệu từ chính các ngân hàng công bố thì hiện có ít nhất 5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% bao gồm PGBank, SHB, NVB, PVF và Techcombank, sẽ phải bắt buộc bán nợ xấu cho VAMC bởi tổ chức này quy định ngưỡng cho phép là 3%.

Một ngân hàng khác cũng từng đánh tiếng sẽ bán nợ xấu cho VAMC là Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) khi tỷ lệ nợ xấu đã mấp mé ở ngưỡng 2,99%. Bên cạnh đó, nợ có khả năng mất vốn của ACB cũng tăng đên 55% lên 1.782 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của VCB cũng cách ngưỡng 3% không xa. Trong khi đó nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 53% lên hơn 2.200 tỷ đồng.

BIDV (BID) mặc dù khống chế tỷ lệ nợ xấu được ở mức 2,58% nhưng khoản này chiếm đến gần 9.400 tỷ, trong đó nợ có khả năng mất vốn gần 2.700 tỷ đồng.

Tăng trưởng cho vay âm

Tăng trưởng cho vay tại một số ngân hàng tính đến 30/06/2013 vẫn đang bị âm. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi hoạt động cho vay giảm sút thì nợ xấu tại các ngân hàng này vẫn tăng đều đều.

“Ông lớn” Vietcombank (HOSE: VCB) bị âm tăng trưởng cho vay gần 1,5% trong khi tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,4 lên 2.8%. Tương tự như VCB, tỷ lệ nợ xấu của PVF từ 4,77% lên 5,56% nhưng tăng trưởng cho vay âm đến 8%.

Đạt tỷ lệ tăng trưởng cho vay khách hàng cao nhất là Sacombank (HOSE: STB) với hơn 13%, huy động tại ngân hàng này cũng tăng ấn tượng 16%.

NVB cũng là ngân hàng có cho vay và huy động tăng trưởng tốt nhưng có lẽ chưa tương xứng với kết quả đạt được và tỷ lệ nợ xấu mà ngân hàng “dính” phải.

Nhìn chung, chỉ có 3 ngân hàng có tỷ lệ cho vay/huy động vượt 100% là PVF, CTG và BIDV. Trong đó, khoản cho vay của PVF vượt gần 34% so với số tiền huy động được từ khách hàng. Tỷ lệ này ở Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB) chỉ ở mức 60%.

Tổng tài sản của hầu hết các ngân hàng giảm đáng kể so với đầu năm chủ yếu do hoạt động liên ngân hàng và phát hành giấy tờ có giá sụt giảm. Trong đó, giảm nhiều nhất là Eximbank (HOSE: EIB) hơn 13,800 tỷ đồng, Techcombank cũng giảm gần 8.500 tỷ đồng. Đặc biệt là ACB chịu ảnh hưởng rõ nét từ hoạt động liên ngân hàng khi khoản tiền gửi tại các TCTD và cho vay các TCTD khác giảm hơn 9.000 tỷ, tiền gửi và vay các TCTD khác cũng giảm hơn 6.600 tỷ đồng. 

Liên quan đến lĩnh vực liên ngân hàng, ACB cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ vụ án lừa đảo Huỳnh Thị Huyền Như khi việc đòi lại khoản tiền hơn 700 tỷ đồng được ACB ủy thác cho các nhân viên đem gửi tại ngân hàng khác hoàn toàn không dễ dàng. Giải trình về kết quả hoạt động giảm sút trong quý 2 vừa qua, ACB cũng thừa nhận hoạt động liên ngân hàng đã tác động rất mạnh đến kết quả này.

Ở phía ngược lại, có 7 ngân hàng tăng tài sản, chủ yếu nhờ tiền gửi của khách hàng.

Bán nợ cho nước ngoài: Chẳng dễ "xơi"

Trong lúc việc mua bán nợ xấu trong nước còn "chưa thông" thì thông tin một số nhà đầu tư ngoại "nhòm ngó" và sẵn sàng mua nợ xấu của Việt Nam đang làm thị trường mua bán nợ "nóng" lên.

Về việc này TS. Hiếu bày tỏ, "sẽ không dễ dàng như vậy". Theo ông, điều này chưa hề có tiền lệ, chưa kể với số nợ được đảm bảo bằng tài sản bất động sản, mua xong rồi sẽ xử lý ra sao? khi kéo theo nó là hàng loạt vấn đề rắc rối về pháp lý.

"Nếu các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới nợ xấu và muốn mua số nợ này chắc chắn Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý và giá"- TS. Hiếu bình luận.

Ngoài ra cũng phải chấp nhận "đánh đổi" khi phải tăng quyền sở hữu cổ phần cho đối tác nước ngoài, sở hữu đất đai... Với những điều kiện "gia tăng" này, chắc chắn các DN trong nước trong lúc đang "ốm yếu" sẽ chẳng vui vẻ gì, vì họ sẽ phải thêm gánh nặng cạnh tranh trước đối tác ngoại.

Chia sẻ thêm với Infonet, nguyên Phó tổng giám đốc một NHTM tại Hà Nội đánh giá bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là một phương án tốt khi nguồn lực trong nước hạn chế. Tuy nhiên, vị này băn khoăn, nếu có mua chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ "nhắm" tới những khoản nợ có khả năng thu hồi – nợ nhóm 3 – trong khi với những món nợ này Việt Nam hoàn toàn có thể giải quyết được bằng nội lực của mình.

"Dẫu biết phải xử lý nợ xấu càng nhanh càng tốt để tránh lây lan ra toàn hệ thống, nhưng phương thức bán nợ xấu cho nhà đầu tư ngoại cũng không "dễ xơi"- ông nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đan Thanh - Hoài Thu (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN