Những ngân hàng lợi nhuận vạn tỷ và tỷ phú USD Hồ Hùng Anh

Năm 2019 được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ là năm bứt phá của hệ thống ngân hàng sau 8 năm tái cơ cấu. Hàng loạt chính sách mới được ban hành nhằm tạo nền tảng để những ngân hàng như Vietcombank, Techcombank... bứt phá với con số lợi nhuận vạn tỷ và danh sách tỷ phú USD của Forbes cũng sẽ xuất hiện thêm những cái tên như Hồ Hùng Anh, Ngô Chí Dũng...

'Mưa' Thông tư mới từ Ngân hàng Nhà nước

Hàng loạt Thông tư, quy định mới được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong năm 2018 và có hiệu lực trong năm 2019 nhằm siết lại hoạt động của các ngân hàng. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng thương mại (NHTM) bứt phá trong năm 2019. Bao gồm: Thông tư 33 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2013/TT-NHNN ngày 05.12.2013 của NHNN ban hành Biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN có hiệu lực từ ngày 1.1.2019.

Thông tư 35 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-NHNN ngày 29.12.2016 của Thống đốc NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet, có hiệu lực từ ngày 1.7.2019

Thông tư 36 quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do NHNN ban hành, có hiệu lực từ 15.2.2019.

Thông tư số 37 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39 năm 2013 quy định về xác định, trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của NHNN, có hiệu lực từ 15.2.2019.

Thông tư 38 quy định về nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của NHNN có hiệu lực từ 8.2.2019.

Thông tư 40 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 13 năm 2018 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh NHNN, có hiệu lực từ 12.2.2019.

Thông tư 41 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 19 năm 2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, có hiệu lực từ 18.2.2019

Thông tư 42 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 24 năm 2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú hiệu lực từ 1.1.2019.

Những ngân hàng lợi nhuận vạn tỷ và tỷ phú USD Hồ Hùng Anh - 1

Trong đó, những quy đinh mới tại Thông tư 41, Thông tư 42 và Thông tư 36 sẽ có tác động lớn không chỉ đối với khách hàng vay vốn mà có tác động trực tiếp tới hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Đơn cử, quy định về hoạt động cho vay bằng ngoại tệ tại Thông tư 42 có một số điểm khác so với Dự thảo mà NHNN từng công bố trước đó. Cơ quan quản lý chỉ tập trung sửa Điều 3 liên quan đến các nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ thay vì sửa đổi cả Điều 5 về Đồng tiền trả nợ.

Theo Thông tư này, hoạt động cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết 31.3.2019. Cho vay trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay thực hiện đến hết 30.9.2019.

Những ngân hàng lợi nhuận vạn tỷ và tỷ phú USD Hồ Hùng Anh - 2

Cũng liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, Thông tư 36 quy định mức cho vay tối đa của tổ chức tín dụng không vượt quá 70% vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng.

Còn liên quan đến hoạt động thẻ ngân hàng, Thông tư 41 đã bổ sung quy định về lộ trình đổi thẻ, cụ thể lộ trình chuyển đổi phía tổ chức thanh toán thẻ đến 31.12.2020 và lộ trình chuyển đổi phía tổ chức phát hành thẻ đến 31.12.2021.

Dọn đường cho ngân hàng bứt phá trong năm 2019

Theo đánh giá của chuyên gia, những quy định được ban hành trong các Thông tư mới có hiệu lực trong năm 2019 là bước đi thận trọng của nhà điều hành chính sách, nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp để hệ thống ngân hàng có những bước phát triển ổn định và bền vững. Từ đó tạo sức “bật” cho mỗi thành viên trong hệ thống ngân hàng.

Đặc biệt, những quy định này còn thể hiện sự linh hoạt trong điều hành chính sách của cơ quan quản lý nhằm hướng tới những mục tiêu chung như kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế song vẫn tạo điều kiện phát triển cho ngân hàng và doanh nghiệp. 

Nhìn lại năm 2018, ngành ngân hàng đã thực sự tạo dấu ấn với những kết quả kinh doanh khởi sắc. 26 NHTM công bố báo cáo tài chính quý III.2018, ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 67 nghìn tỷ, tăng 41% so với cùng kỳ, trong đó 16/26 ngân hàng trưởng trên 41%.

Những ngân hàng lợi nhuận vạn tỷ và tỷ phú USD Hồ Hùng Anh - 3

Lợi nhuận của các ngân hàng tính đến hết quý III.2018

Danh sách ngân hàng có lợi nhuận nghìn tỷ có sự góp mặt của 4 cái tên mới là OCB, VIB, Eximbank, TPBank. Cả 4 ngân hàng này đều có tăng trưởng hơn 2 lần, đạt lần lượt 133%, 176%, 149%, 100%. 

Vietcombank, một trường hợp điển hình cho sự bứt phá khi là ngân hàng đầu tiên đạt lợi nhuận vạn tỷ khi năm 2017 báo lãi hơn 11.000 tỷ đồng và dự kiến năm 2018 đạt lợi nhuận 16.000 tỷ đồng. Với những điều chỉnh linh hoạt của chính sách như nới quy định cho vay ngoại tệ được đề cập trong Thông tư 42 hay quy định mức cho vay tối đa không vượt quá 70% vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng nhằm giảm bớt rủi ro cho tổ chức tín dụng, đồng thời chứng minh năng lực thu xếp tài chính của khách hàng, nhiều khả năng Vietcombank sẽ tiếp tục “bứt phá” trong năm 2019.

Hay như VPBank, hiện tại công ty tài chính tiêu dùng Fe Credit của ngân hàng này đang chiếm thị phần lớn nhất về cho vay tiêu dùng và luôn đóng góp trên 30% vào tổng lợi nhuận của VPBank. Nếu như với quyết tâm cả hệ thống ngân hàng vào cuộc đẩy lùi tín dụng đen như thông điệp được NHNN đưa ra vào những ngày tháng cuối cùng của năm 2018 thì cơ hội để “gà đẻ trứng vàng” của VPBank gia tăng thị phần là điều hoàn toàn có thể đat được trong năm 2019.

Những ngân hàng lợi nhuận vạn tỷ và tỷ phú USD Hồ Hùng Anh - 4

Thúc đẩy cho vay tiêu dùng là đích ngắm của các ngân hàng

Đây cũng không chỉ là cơ hội của riêng VPBank mà cũng là đích ngắm của tất cả các tổ chức tín dụng từ các ngân hàng tầm trung tới các ngân hàng lớn như Vietinbank, Techcombank, OCB, AnBinhBank ... Hiện tại, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đang là xu hướng tất yếu mà các NHTM hướng tới. Điều này giúp các NH có thêm nguồn thu lớn trong tương lai

Năm 2019 sẽ có tỷ phú USD ngành ngân hàng

Cùng với sự bứt phá của lợi nhuận ngân hàng, nhiều đại gia ngân hàng cũng đã dần lộ diện.  Một cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong thời gian vừa qua đó là Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh.

Hiện tại ông Hồ Hùng Anh cùng mẹ, vợ, con trai và em dâu đang nắm giữ 17,02% cổ phần của Techcombank, trị giá hơn 16.200 tỷ đồng cùng với 1.000 tỷ đồng cổ phiếu Masan Group. Tính cả phần sở hữu gián tiếp qua Masan Corp, ông Hồ Hùng Anh và gia đình đang sở hữu cả khối tài sản trị giá gần 37.000 tỷ đồng.

Những ngân hàng lợi nhuận vạn tỷ và tỷ phú USD Hồ Hùng Anh - 5

Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh.

Trước khi lên sàn, tổng tài sản của gia đình ông Hồ Hùng Anh tại Techcombank ước tính lên tới 25.401,1 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, ông Hồ Hùng Anh hiện đang là vị đại gia gốc Đông Âu giàu có nhất ngành ngân hàng. Vị trí tỷ phú đô la tiếp theo của Việt Nam trong năm 2019 khó có khác sáng giá hơn vị chủ tịch Techcombank.

Một đại gia khác trong ngành ngân hàng là vị Chủ tịch VPBank ông Ngô Chí Dũng. Gia đình ông Dũng thuộc Top giàu nhất Việt Nam. Khối tài sản của ông Dũng hiện tại là 1.401,63 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính khối tài sản của ông Dũng và 2 người thân là mẹ và vợ ông Dũng thì giá trị tài sản của gia đình ông Dũng lên xấp xỉ 6.400 tỷ đồng.

Những ngân hàng lợi nhuận vạn tỷ và tỷ phú USD Hồ Hùng Anh - 6

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang, cùng với đó là dự báo Cục dữ trữ liên bang Mỹ Fed tăng lãi suất thêm 2 đợt nữa trong năm 2019, thi trường chứng khoán trong nước cũng được dự đoán sẽ nổi sóng nhiều hơn. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu hấp dẫn các nhà đầu tư và được dự báo sẽ đi lên trong năm nay. Điều này sẽ càng củng cố giá trị tài sản của những đại gia trong ngành ngân hàng.

Cũng phải nói thêm rằng, đến nay vẫn còn không ít ngân hàng còn đang lỗi hẹn lên sàn và nhiều khả năng năm 2019 sẽ là thời điểm thuận lợi để các NHTM thực hiện niêm yết. Danh sách đại gia của ngành ngân hàng có lẽ sẽ còn dài hơn trong năm 2019.

Tất nhiên, bên cạnh cơ hội thì những áp lực từ chính sách của cơ quan quản lý cộng hưởng với những tác động từ thế giới sẽ khiến gia tăng áp lực điều hành tỷ giá và lãi suất. Điều này đòi hỏi các NHTM phải có chiến linh hoạt và dài hơi trong các hoạt đông quản trị và kinh doanh tiền tệ. Có như thế mới hy vọng bứt phá mạnh mẽ trong năm 2019.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thúy ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN