Những “độc chiêu” xử lý nợ xấu

“Đứng cho vay, quỳ thu nợ”. Đó là câu mà dân nhà băng tự đúc kết nhằm ám chỉ những khoản vay bị xếp vào diện nợ xấu. Từng được coi là chuyên gia xử lý nợ xấu, ông Phạm Xuân Hoè, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ với PV kinh nghiệm xử lý nợ xấu, biến con nợ dây dưa thành doanh nghiệp phát tài.

Chiêu “lấy nợ nuôi nợ”

Trước khi về làm Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, ông Phạm Xuân Hòe, từng có nhiều năm xử lý nợ xấu ở 2 chi nhánh thuộc Vietinbank cũng như góp phần xử lý một số khoản nợ xấu của Vụ Epco-Minh Phụng.

Theo ông Hoè, việc phát mãi tài sản thế chấp chỉ là bất đắc dĩ, mà cán bộ ngân hàng có tâm là phải tìm hiểu con nợ để giúp họ làm ăn trả được nợ cho mình.

“Nói thì nói vậy, nhưng thực tế không đơn giản. Nghề ngân hàng làm nghiệp vụ nào cũng có cái khó của nó. Làm kho quỹ thì sợ nhất thừa, thiếu quỹ, sợ nhầm tiền giả, vì nếu dính trưởng vừa phải đền vừa bị kỷ luật. Nghề kế toán thì đòi hỏi chính xác, chỉ cần nhầm một số 0 là gay to rồi. Nhưng khó nhất là nghề tín dụng, khi phải đi thu hồi nợ xấu”, ông Hoè nói.

Theo ông Hoè, dân nhà băng thường nói câu cửa miệng “để làm tốt nghề tín dụng trước tiên phải biết thu hồi nợ”. Vì cho vay ra thì dễ, theo đuổi thu được nợ về mới là hành trình gian khổ.

Câu chuyện đầu tiên là sự trải nghiệm về xử lý nợ xấu của Cty Bia Hương Sen mà nay đã phát triển thành tập toàn lớn nhất của Thái Bình về doanh thu, nộp thuế cho ngân sách nhà nước.

Thời điểm tôi được điều về làm giám đốc Chi nhánh Vietinbank Thái Bình (năm 1999), thì đây là nhà máy bia hiện đại bậc nhất Việt Nam, và đây cũng là con nợ lớn nhất trong các doanh nghiệp vay tại Vietinbank Thái Bình, với dư nợ trên 87 tỷ đồng.

Nhà máy bia hiện đại, nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nợ gốc quá hạn, nợ lãi treo ra ngoại bảng mỗi ngày một phình to.

“Trong khi đó, chủ nhà máy tiếp tục dùng các kênh quan hệ để xin Vietinbank cho vay thêm. Còn ngân hàng đứng trước nguy cơ không có khả năng thu nợ, mà cho vay thêm lại càng không ổn”, ông Hoè nhớ lại.

Tôi nhớ, lúc đó anh Hoàng Đình Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cùng anh Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank bây giờ (khi ấy là Phó tổng giám đốc phụ trách mảng tín dụng) đã cùng chi nhánh, lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp lặn lội vào Nam làm việc với Bia Sài Gòn để tìm đầu ra cho Nhà máy Bia Hương Sen.

Kết quả, hợp đồng gia công giữa Tổng Cty Bia Sài Gòn với Cty Bia Hương Sen được ký kết bao tiêu đầu ra theo năm, với điều kiện về chất lượng sản phẩm, nguyên liệu, mẫu mã, công thức nấu do bia Sài Gòn cung cấp và bao tiêu. Tôi mừng thầm thế là thoát rồi!

Sau khi có hợp đồng, Vietinbank Thái Bình bơm thêm tiền vốn lưu động cho Bia Hương Sen với hạn mức khoảng 25 đến 30 tỷ đồng. Đây là chiêu “lấy nợ nuôi nợ”, rồi cử cán bộ ngân hàng xuống làm kế toán tại doanh nghiệp để giám sát chặt dòng tiền ra vào của nhà máy.

Từ đó, đã giúp Hương Sen không những trả hết nợ vay trung dài hạn cũ trong gần 5 năm mà còn tiếp tục mở rộng đầu tư thêm nhà máy mới, vươn lên thành Tập đoàn Hương Sen chuyên kinh doanh nước giải khát, mỗi năm đóng góp cho ngân sách hàng trăm tỷ tiền thuế.

“Bây giờ có lẽ họ trở thành khách hàng mà nhiều ngân hàng thương mại muốn có được. Nếu ngày đó, ngân hàng cứ đè DN ra để phát mãi tài sản thế chấp là toàn bộ nhà máy, thì DN cũng chết luôn, mà chưa chắc ngân hàng đã thu được hết nợ”, ông Hoè bộc bạch.

Những “độc chiêu” xử lý nợ xấu - 1
Sợ bị con nợ khác nẫng tay trên tài sản thế chấp, Ngân hàng Habubank (nay đã sáp nhập vào SHB) phải trưng biển phong toả tài sản thế chấp một DN tại Hải Phòng. Ảnh: Thu Hằng.

Đánh vào điểm yếu của con nợ

Câu chuyện thứ hai mà ông kể về hành trình xử lý nợ xấu tại Vietinbank Cầu Giấy (nay là Vietinbank Nam Thăng Long). Khi ông Hoè được điều về làm giám đốc chi nhánh này, quy mô chưa đầy 900 tỷ dư nợ mà đã có nợ xấu, nợ nhóm 2 trên 50%. Nhưng chỉ sau một năm rưỡi quyết liệt xử lý nợ xấu, chi nhánh đã kinh doanh có lãi.

Đúng là “đứng cho vay, quỳ thu nợ”. Cái vinh, cái nhục của nghề tín dụng ngân hàng là vậy. Việc NHNN đề xuất Chính phủ lập Công ty mua bán tài sản (VAMC) để xử lý nợ xấu là rất cần thiết, tránh tình trạng các ngân hàng phải tự mày mò xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, công ty này muốn hoạt động hiệu quả cần phải một hành lang pháp lý có tính chuyên biệt, mới có thể nhanh chóng xử lý được đống nợ xấu tới hơn 200 ngàn tỷ đồng.

Ông Phạm Xuân Hoè, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN

Ông Hoè kể, ấn tượng và cam go nhất là cuộc đấu với đống nợ gần 90 tỷ đồng của nhóm ba công ty kinh doanh nhập khẩu ô tô tải Trung Quốc. Mất đến 2 tháng trời để kiểm đếm khung, máy, lốp, các loại linh kiện, nhưng khó khăn nhất là khách hàng không hợp tác trong việc trả nợ.

“Nhiều đêm trăn trở nghĩ mưu, ngày thì đọc lại hồ sơ, cuối cùng tôi quyết định phải xử lý đến tài sản thế chấp là nhà của một số người đứng ra bảo lãnh, mắt xích này đã bắt buộc cuộc đấu nội bộ của nhóm khách hàng trở nên mạnh mẽ hơn. Họ thấy không còn cách nào khác là phải quay lại hợp tác với ngân hàng, tránh rơi vào vòng lao lý, tốn công tốn của, tốn thời gian cho cả hai bên”, ông Hòe nhớ lại.

Kết cục, cả đống nợ của 3 công ty này được xử lý với tỷ lệ thu hồi gần 93%. “Mình thu được nợ nhờ biết giành thế chủ động, biến bất lợi thành có lợi trong đàm phán, bắt mạch đúng chỗ yếu của khách hàng”, ông Hòe đúc kết.

Nhưng vụ đòi nợ xấu đình đám nhất, và ấn tượng nhất đối với ông Hoè, chính là chuyện xử lý những khoản nợ xấu vụ Eco-Minh Phụng.

Ấn tượng nhất với ông là khoản nợ được thu hồi khi chuyển nhượng hơn 1 triệu m2 đất của Minh Phụng về cho UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu, với tổng giá trị nợ gốc 500 tỷ và lãi tính theo tiền gửi ngân hàng trong nhiều năm (theo án Tòa tuyên) khoảng hơn 100 tỷ đồng. Kết thúc vụ giao dịch này, Vietinbank thu về hơn 600 tỷ đồng cả gốc và lãi.

“Khi đó, con nợ là Tăng Minh Phụng đã lĩnh án trọng tội, nếu ngân hàng đứng ra xẻ đất để bán theo kiểu kinh doanh bất động sản thì pháp luật không cho phép, chúng tôi tham mưu cho ban lãnh đạo Vietinbank, chuyển nhượng lại cho UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, lập tức được ủng hộ ngay, món nợ xấu mới được xử lý”, ông Hoè kể.

Theo ông Hoè, việc xử lý nợ xấu ngân hàng rất khó khăn vì hành lang pháp lý ở ta còn thiếu nhiều lắm. Chỉ riêng đoạn giải trình với cơ quan Thanh tra về xử lý tài sản của Vụ Epco-Minh Phụng có tới gần 40 trang. Xử lý nợ xấu đã quyết liệt, miệt mài tốn bao công sức nhưng khi giải trình để cơ quan Thanh tra hiểu được lại là chuyện không giản đơn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Minh ( Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN