Những doanh nhân nữ không chịu "lép vế" chồng đại gia

Những nữ doanh nhân như Lê Hồng Thủy Tiên, Lê Thị Thúy Ngà, Phạm Thu Hương... mặc dù có chồng đại gia nhưng đều không chịu "lép vế" chồng, đều độc lập xây dựng sự nghiệp riêng cho mình.

1. Bà Lê Hồng Thủy Tiên

Những doanh nhân nữ không chịu "lép vế" chồng đại gia - 1

Nữ doanh nhân xinh đẹp Lê Hồng Thủy Tiên.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên hiện là Chủ tịch của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP Group. Tập đoàn của bà đang quản lý 25 công ty phân phối độc quyền cho các thương hiệu cao cấp và đầu tư vào các trung tâm thương mại với doanh thu hàng năm lên tới hơn 500 triệu USD.

Nữ doanh nhân xinh đẹp sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình khó khăn khi cha mất sớm. Bà từng làm diễn viên điện ảnh, sau đó là tiếp viên hàng không. Chính nhờ công việc này, bà đã gặp chồng  – doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn - vị đại gia Việt kiều nổi tiếng với nhiều dự án đầu tư lớn, liên quan đến các mặt hàng xa xỉ.

Mặc dù Johnathan Hạnh Nguyễn được biết đến là ông chủ của IPP hơn 30 năm nay, nhưng ít ai biết rằng, trên thực tế, việc điều hành IPP Group hơn 10 năm nay đã thuộc về bà Thủy Tiên.

Chính bà từng khẳng định bà có được những thành công về mặt tài chính mà không cần dựa dẫm vào chồng. "Tôi học mọi thứ kinh doanh từ A đến Z vì vậy tôi có thể có được thành công ở mức cao như vậy", bà chia sẻ.

Là một người phụ nữ có nhan sắc, bà cũng đồng thời chứng minh mình là một CEO tài năng đã chèo lái vững vàng cơ ngơi của chồng, với hàng trăm triệu đô la doanh thu từ các trung tâm thương mại mỗi năm. 

2. Bà Lê Thị Thúy Ngà

Những doanh nhân nữ không chịu "lép vế" chồng đại gia - 2

Nữ doanh nhân tiếp quản Tập đoàn Nam Cường thay chồng - Lê Thị Thúy Ngà. 

Bà Lê Thị Thúy Ngà là Chủ tịch tập đoàn Nam Cường Hà Nội. Bà Ngà đã tiếp quản vị trí lãnh đạo Tập đoàn Nam Cường sau khi chồng bà là doanh nhân Trần Văn Cường qua đời vào đầu năm 2010.

Ông Trần Văn Cường từng được vinh danh là doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2007. Ông đã đưa cái tên Nam Cường trở thành một tập đoàn kinh doanh bất động sản nổi tiếng, là chủ đầu tư của các khu đô thị ở Hà Nội, cùng nhiều dự án khu đô thị ở Nam Định, Hải Dương.

Tiếp quản vị trí lãnh đạo tối cao của tập đoàn, bà Lê Thị Thúy Ngà đã chứng tỏ khả năng khi ngày càng đưa Nam Cường tiến xa, với số vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2011 lên đến 9.800 tỷ đồng, tức gấp đôi vốn điều lệ, trong đó lượng cổ phần của bà Ngà có giá trị sổ sách khoảng 8.700 tỷ đồng. 

3. Bà Phạm Thu Hương

Bà Hương sinh năm 1969 tại Hà Nội và là cử nhân Luật quốc tế tại Ukraine. Là một trong những cổ đông sáng lập tập đoàn Technocom, bà Phạm Thu Hương đồng thời cũng là vợ của tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng.

Theo thống kê được đưa ra dựa vào các thông tin tại hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP.HCM, bà Phạm Thu Hương, thành viên HĐQT công ty Vincom (VIC) và Công ty Vinpearl (VPL) luôn nằm trong top 5 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bà hiện nắm giữ hàng chục triệu cổ phiếu VIC, với giá trị thị trường hàng ngàn tỷ đồng và chưa một lần thoái vốn khỏi công ty. Bà cũng đồng thời là một trong năm Phó Chủ tịch của Vingroup. 

Mặc dù là nữ chủ nhân của tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam, vợ của tỷ phú duy nhất tại Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn, tuy nhiên bà lại rất ít khi tiếp xúc với truyền thông.

4. Bà Chu Thị Bình

Những doanh nhân nữ không chịu "lép vế" chồng đại gia - 3

Bà Chu Thị Bình luôn được nằm trong top nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

Bà Chu Thị Bình sinh năm 1964 tại Thái Bình, là Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Thủy sản Minh Phú.

Đây là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành xuất khẩu thủy sản. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú vượt kế hoạch 12%. Tổng doanh thu đạt 11.111 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 293,8 tỷ đồng, đạt 99,6% kế hoạch.

Sự thành công của Minh Phú ngày nay có dấu ấn rõ nét của bà Bình. Từ một công nhân thu mua tôm, rồi kế toán của Xí nghiệp Đông lạnh Cà Mau, bà đã tự tích lũy kinh nghiệm và kiến thức ngành thủy sản và rồi gặp gỡ ông Quang.

Ông Quang khi đó cũng chỉ là một kĩ sư công nghệ chế biến thủy sản. Cuộc gặp gỡ với bà Bình – một người có nhiều kinh nghiệm trong ngành như một cơ duyên giúp hai người cùng nhau tạo dựng sự nghiệp sau khi kết hôn.

Là những cổ đông lớn nhất của tập đoàn, ông Quang và bà Bình cũng trở thành những doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Riêng bà Bình luôn nằm trong top 10 nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt.

5. Bà Nguyễn Hoàng Yến

Những doanh nhân nữ không chịu "lép vế" chồng đại gia - 4

Bà Nguyễn Hoàng Yến. 

Bà Nguyễn Hoàng Yến sinh năm 1963, là vợ của ông Nguyễn Đăng Quang - chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN).

Dù có quyền lực rất lớn tại Masan nhưng cá nhân ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu MSN. Ngược lại, bà Yến – vợ ông lại đang nắm giữ tới 21,8 triệu cổ phiếu MSN tương ứng 3,17% vốn Masan, với trị giá trên 2.200 tỷ đồng.

Bà hiện là Thành viên HĐQT Masan, thành viên HĐQT CTCP Hàng Tiêu dùng Masan (Masan Consumer - MSF) và cũng là phó tổng giám đốc của công ty này.

Với khối lượng tài sản trên, bà đã trở thành người phụ nữ giàu thứ 7 trên sàn chứng khoán Việt Nam đầu năm 2014. Ngoài ra, tính tới cuối năm 2012 vừa rồi, bà Yến còn sở hữu gần 7 triệu cổ phần TCB của Techcombank.

Tuy nhiên do ngân hàng này chưa niêm yết nên không ước lượng được về con số tài sản mà bà Yến đang nắm tại đây. Mới đây, bà Nguyễn Hoàng Yến cũng có tên trong danh sách thành viên được trình để bầu vào HĐQT mới của Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hòa (mã chứng khoán: VCF).

6. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Những doanh nhân nữ không chịu "lép vế" chồng đại gia - 5

Nữ doanh nhân xinh đẹp Nguyễn Thị Phương Thảo.

Bà Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, là tiến sỹ Học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế,cùng chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng - ông chủ của Sovico Holding, đều đã từng học Kinh tế tại Matxcova, Nga. 

Năm 2013, ông Nguyễn Thanh Hùng là đại diện Việt Nam duy nhất tham dự diễn đàn kinh doanh Nga - Singapore (RSBF). Tỏ ra không hề kém cạnh chồng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong 10 nữ doanh nhân Việt Nam từng được Forbes vinh danh.

Dựa vào vốn kinh nghiệm nhiều năm hoạt động kinh tế tại Việt Nam và các nước khác trên thế giới trong lĩnh vực Tài chính - ngân hàng, bà đã và đang đảm đương nhiều chức vụ hơn chồng ở các doanh nghiệp trong nước.

Hiện tại, bà Thảo là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Dầu khí Đông Đô (PFL), Phó chủ tịch thường trực HDBank, cổ đông sáng lập Sovico Holdings, đồng thời là Tổng giám đốc hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.

7. Bà Cao Thị Ngọc Dung

Những doanh nhân nữ không chịu "lép vế" chồng đại gia - 6

“Bà chúa” vàng nữ trang Cao Thị Ngọc Dung.

Bà Cao Thị Ngọc Dung là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, PNJ đã trở thành một thương hiệu trang sức hàng đầu tại Việt Nam, với tổng tài sản hơn 2.500 tỷ đồng. Không chỉ được phân phối rộng khắp cả nước, nữ trang của PNJ giờ đây còn có mặt ở châu Âu, Mỹ, Úc…

Công ty của bà Dung từng được tổ chức Plimsoll (Anh) đánh giá và xếp hạng thứ 16 trong 500 công ty trang sức lớn nhất trong khu vực châu Á. Sở dĩ PNJ có được như ngày nay là nhờ một tay CEO Cao Thị Ngọc Dung trèo lái. Vì thế, bà được giới kinh doanh kim loại quý mệnh danh là “bà chúa” vàng nữ trang.

Để có được thành công đó, vị nữ tướng ấy đã trải qua một chặng đường đầy gian nan. Tự thân mày mò khắp nơi từ trong nước đến thế giới để học hỏi kinh nghiệm, bà đã đưa PNJ từ một cửa hàng kinh doanh nhỏ với 20 nhân sự và tài sản vỏn vẹn chỉ 7,4 lượng vàng trở thành một công ty có tầm vóc lớn như hiện nay.

Bà Dung từng được vinh danh trong Top 5 doanh nhân xuất sắc nhất Việt Nam trong Giải thưởng “Ernst & Young – Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp năm 2012”.

Chồng bà – ông Trần Phương Bình hiện là thành viên HĐQT kiêm tổng giám đốc của DongABank. Cùng là những doanh nhân tài năng, thành công ở hai lĩnh vực khác nhau, ông bà vẫn là chỗ dựa vững chắc cho nhau trong cuộc sống. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Hương ( Đời sống pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN