Những cuộc “hôn phối” tiền tỷ
Dưới con mắt của giới đầu tư, 2012 sẽ là năm chứng kiến những cuộc “hôn phối” ngoạn mục giữa các tập đoàn, Cty nước ngoài đầu tư theo hình thức mua lại các Cty VN hoặc ngược lại, tạo ra một thị trường mua bán, sáp nhập DN cực kỳ sôi động.
Điều này không hề đáng ngạc nhiên trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới diễn biến theo chiều hướng ảm đạm.
Kỷ lục M&A
Hoạt động mua bán, sáp nhập DN (hay còn gọi là M&A) tại VN đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2011, tăng 135% so với năm 2010 với giá trị các thương vụ mua bán, chuyển nhượng lên tới 4,7 tỉ USD. Năm nay, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, mức tăng trưởng chỉ trong 4 tháng đầu năm đã phá vỡ các kỷ lục trước đó với 1,5 tỉ USD được giao dịch, dưới hình thức phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp nhất 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank và SCB.
Trong những tháng qua, nổi lên các thương vụ mua bán đình đám là Vietcombank bán 347,6 triệu cổ phiếu (tương đương 15% cổ phần) trị giá 560 triệu USD cho Ngân hàng Nhật Bản Mizuho Corporate Bank; Cty Hanel (VN) mua lại 100% cổ phần của đối tác Hàn Quốc tại khách sạn Daewoo HN để trở thành Cty 100% vốn trong nước; Cty xây dựng Cotecons bán 10 triệu cổ phiếu (25% cổ phần), trị giá 25 triệu USD cho Kutso Group...
Nếu so với các con số của năm 2010: 345 thương vụ, giá trị 1,7 tỉ USD, thì riêng quý đầu năm 2012, giá trị giao dịch M&A đã bằng cả năm 2010. Xét về số lượng, các thương vụ liên quan đến doanh nghiệp nội chiếm đa số với 77%, song giá trị chuyển nhượng không lớn, bình quân 2 – 5 triệu USD, một số ít ở mức 10 – 30 triệu USD.
Tuy nhiên, số lượng thương vụ tăng đáng kể chứng tỏ các DN đều ý thức và chủ động hơn trong hoạt động M&A, xem đây là cơ hội tái cấu trúc DN, chuyển nhượng các dự án hoặc Cty mà họ đã tham gia trong giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây. Nhà đầu tư cũng xem đây là cơ hội tốt nhằm tái cấu trúc lại các khoản đầu tư, tăng hiệu quả kinh doanh.
Trong số các thương vụ chuyển nhượng có yếu tố nước ngoài chiếm áp đảo, Nhật Bản hiện là quốc gia dẫn đầu, có DN thực hiện M&A vào VN lớn nhất xét cả về lượng và giá trị. Tại diễn đàn M&A VN có chủ đề “Tạo giá trị cộng hưởng”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xem đầu tư M&A của Nhật Bản vào VN chính là “làn sóng đầu tư” tiếp theo sau “làn sóng FDI”. Các nhận định đều cho rằng, sau thảm họa động đất, sóng thần, các DN Nhật Bản đang tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư ra bên ngoài và một trong những điểm đến của dòng vốn đầu tư là VN được Nhật Bản xem là thị trường đầy tiềm năng và khá an toàn.
Ngành hàng tiêu dùng hiện được đánh giá là thu hút nhất, với tổng giá trị thương vụ lên đến 1 tỉ USD, chiếm 25% tổng giá trị M&A tại VN. Có thể kể đến các thương vụ như Unicharm – Diana, Marico – ICP, Carlsberg – Bia Huế... Lĩnh vực tài chính – ngân hàng với các thương vụ Mizuho – Vietcombank, IFC – Vietinbank, PVI – Talant... cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mong muốn được đầu tư chiến lược vào các tổ chức tài chính lớn cổ phần hóa.
Riêng với bất động sản, chính những khó khăn trong năm 2011 và cả năm nay sẽ khiến cho hoạt động M&A diễn ra sôi động. Nhiều giao dịch liên quan đến bất động sản đã diễn ra nhưng không được công bố, chủ yếu là đối tác trong nước bán cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Càng ngày, các cuộc “thâu tóm” càng được xem như việc bình thường trong hoạt động DN khi mà trước đó, không ít ý kiến quan ngại về việc các cổ đông nước ngoài sẽ mua hết DN trong nước để sở hữu 100% vốn. Việc một ngày không xa sẽ không còn hiện diện những thương hiệu đã quen thuộc như Habubank hay EVN Telecom sẽ đem lại cảm giác hẫng hụt cho người lao động hoặc người tiêu dùng. Hoạt động M&A không chỉ là những tin tức nữa, mà là thực tế xung quanh mỗi người. Cách đây vài tháng, các thuê bao của EVN Telecom đã cảm nhận được sự thay đổi khi được nhân viên Viettel tới đổi máy điện thoại và ký lại hợp đồng dịch vụ. Hoặc có thể thấy những biển hiệu mới đang dần thay các biển hiệu cũ với logo của một số ngân hàng...
Hoạt động M&A Việt Nam từ 2003 - 2011
Xu hướng
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Vina Capital - hiện quản lý 1,7 tỉ USD tổng tài sản tại 3 quỹ niêm yết tại VN - đưa ra dự báo, các hoạt động M&A trong năm 2012 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, từ 20 - 40%. Với lợi thế về vốn, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có mặt ở hầu hết các vụ M&A, họ thích mua lại các Cty hiện hữu hơn là tốn thời gian và tiền vốn để xây dựng một DN hoàn toàn mới.
Ông Andy Ho đánh giá, các DN cổ phần tư nhân là một lĩnh vực hấp dẫn cho M&A, khi số lượng các DN quy mô thích hợp cho các khoản đầu tư từ 5 - 10 triệu USD đã tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, mảng cơ sở hạ tầng đang nổi lên như kênh đầu tư cho lợi nhuận cố định và bền vững, đặc biệt, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng VN chưa mạnh và chưa đồng bộ, chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. CEO của Vina Capital nhận xét, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ hội để nắm cổ phần của các tập đoàn, TCty lớn được IPO thời gian tới như Mobifone, Vietnam Airlines, Vinatex...
Ông Carl Gordon - Giám đốc Dịch vụ tài chính DN của KPMG Việt Nam - nhận xét, mặc dù tổng số thương vụ M&A trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đầu năm 2012 giảm tới 32,7%, nhưng VN là một trong hai điểm sáng nhất của khu vực (cùng Malaysia) khi có sự gia tăng cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch M&A. Những điểm đáng chú ý nhất, theo KPMG, là nhà đầu tư Nhật Bản, xu thế M&A trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và ngân hàng. Ông Carl Gordon đánh giá, với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước VN về tái cơ cấu và lành mạnh hóa lĩnh vực ngân hàng, M&A của ngành này sẽ diễn ra sôi động.
Đồng quan điểm này, ông Hồ Bá Trực - cố vấn HĐQT HD Bank - nhận xét, ngoài định hướng chung của cơ quan quản lý, hiện có nhiều động lực để thúc đẩy hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng: Đây là một chiến lược hiệu quả để gia tăng khách hàng, phát triển mạng lưới kinh doanh nhằm gia tăng thị phần; áp lực cạnh tranh tăng cao khiến các ngân hàng nhỏ nghĩ đến việc hợp nhất để tăng quy mô...
Tại báo cáo M&A Vietnam 2011, ngành ngân hàng tài chính đã được dự báo là sôi động. Nhận định này đã thành hiện thực với những thương vụ M&A đình đám trong năm nay. Ngân hàng nhà nước đã vào cuộc với chương trình tái cấu trúc tổng thể; và trong giai đoạn 2011 – 2012, các thương vụ hợp nhất thực sự đã được diễn ra trong ngành ngân hàng: Hợp nhất 3 ngân hàng SCB, Tín nghĩa, Đệ nhất thành Ngân hàng SCB. Sáp nhập Habubank và SHB. Theo tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước đầu năm 2012, dự báo còn 5 – 8 ngân hàng nữa nằm trong diện sắp xếp, tái cấu trúc.
Sau một vài năm phát triển theo hướng thành lập, mua lại nhiều Cty con, nâng cấp nhiều đơn vị phụ thuộc thành Cty độc lập và hình thành hướng đi theo mô hình Cty mẹ - con hoặc mô hình tập đoàn, một số DNNN và tập đoàn tư nhân đã bắt đầu nhận thấy yêu cầu tất yếu của tái cấu trúc để hướng tới ngành kinh doanh cốt lõi, cũng như đảm bảo hiệu quả đầu tư. Nhiều DN VN cố gắng bán đi các Cty mà họ đánh giá là đã đầu tư ngoài ngành quá rộng và đầu tư không hiệu quả.
Năm 2010, thương vụ điển hình nhất trong tái cấu trúc là Kinh đô sáp nhập Kinh đô Miền Bắc và Cty CP kem Kido thông qua việc hoán đổi cổ phiếu của các Cty này. Trong năm 2011, các thương vụ liên quan đến sắp xếp, tái cấu trúc diễn ra nhiều, như Vingroup hợp nhất Vincom và Vinpearl, FPT hợp nhất một số Cty thành viên.
Xu hướng tái cấu trúc đòi hỏi các DN phải có chiến lược quản trị hậu M&A hợp lý nhằm tạo được giá trị cộng hưởng. Điều này không hề đơn giản, chúng ta chờ kết quả trong tương lai của thương vụ 3 ngân hàng, sáp nhập Habubank vào SHB, hay Viettel sẽ làm gì với EVN Telecom...
Ông Lê Đức Thuý - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - nhận định: Cùng với chủ trương lớn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Chính phủ là việc cơ cấu lại nguồn lực cho hiệu quả, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính minh bạch, thì hoạt động mua bán, sáp nhập DN nhìn ở phạm vi bao quát hơn chính là nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các DN, vì vậy, không nên coi các hoạt động này chỉ đơn thuần là việc thâu tóm DN để tìm kiếm lợi nhuận.