Những cuộc dấn thân âm thầm của "ông lớn" Việt

Sau khi dốc tiền vào bất động sản, tài chính và nếm trải không ít khó khăn, các doanh nghiệp đã mạnh tay chuyển hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp

Trong khó khăn, nhiều đại gia bất động sản, tài chính đã chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp và thu được những kết quả khả quan.

Ồ ạt chuyển hướng

Bên cạnh việc đầu tư mạnh vào cao su, mía đường, dầu cọ ở Lào và Campuchia, gần đây, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), công bố sẽ dành hơn 6.000 tỉ đồng để đầu tư trồng bắp, nuôi bò sữa, bò thịt. Theo đó, HAGL sẽ nhập 236.000 con bò thịt và bò sữa từ Úc, Thái Lan, Mỹ và New Zealand để chăn nuôi tại Lào và Việt Nam. Sản phẩm sẽ được bao tiêu bởi 2 doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành thực phẩm là Vissan và NutiFood.

Những cuộc dấn thân âm thầm của "ông lớn" Việt - 1

Ông Nguyễn Văn Sự, Tổng Giám đốc HAGL, bên cánh đồng bắp ở Campuchia

Với dự án này, ông Đức cho biết sẽ tận dụng nguồn phụ phẩm từ hàng trăm ngàn hecta cao su, mía đường, dầu cọ, bắp của HAGL ở Lào và Campuchia để nuôi bò, giá thành sản xuất sẽ rất thấp. Ông chủ HAGL nhiều lần khẳng định mô hình chăn nuôi của mình hoàn toàn không có rủi ro và cho biết sẽ không ngại đổ tiền vào nông nghiệp công nghệ cao.

Không rầm rộ như HAGL nhưng Tập đoàn Tân Tạo (mã chứng khoán ITA) từ vài năm trước đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang nông nghiệp với việc thành lập công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất gạo thơm. Tập đoàn này tiến hành nghiên cứu giống lúa, đầu tư vốn và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hiện nay, các thương hiệu gạo của Tân Tạo, như: Nàng Yến, Nàng Đào, Nàng Nga... và nếp đã xuất hiện ở siêu thị và được người tiêu dùng đón nhận.

Cách đây không lâu, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG), từng gây “sóng gió” với các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, đã công bố sẽ chọn nông nghiệp là một trong những ngành chủ đạo. Cụ thể, đơn vị này đã thành lập công ty con là Công ty Nông nghiệp Đức Long Gia Lai với vốn điều lệ 360 tỉ đồng để trồng bắp, cây lương thực có hạt, cây lấy củ có chất bột, trồng mía, cao su… Trước mắt, trong năm nay, ngoài việc trông cao su trên diện tích đất 8.000 ha, DLG sẽ trồng 1.000 ha bắp và tiếp tục mở rộng trong các năm tới.

Hiệu quả cao

Việt Nam vốn là nước có truyền thống nông nghiệp, 75% dân số sống ở vùng nông thôn, nông dân chiếm tới 48% lực lượng lao động, 76% diện tích đất phục vụ mục đích nông nghiệp. Vì vậy, việc DN đầu tư vào nông nghiệp được xem là những quyết định phù hợp. Bằng chứng là Vinamilk, TH True Milk, Sữa Mộc Châu, Vinasoy... đã có những thành công nhất định khi đầu tư vào vào nông nghiệp công nghệ cao.

Trước khi quyết định nuôi bò, ông Đoàn Nguyên Đức đã bán phần lớn các dự án bất động sản, thủy điện trong nước để đầu tư trồng cao su, trồng mía, dầu cọ, bắp ở Lào và Campuchia với công nghệ tiên tiến, thu lãi hàng trăm tỉ đồng. Năm 2013, doanh thu của HAGL đạt lợi nhuận trước thuế gần 1.000 tỉ đồng. Năm 2014, ông Đức muốn nâng kế hoạch lợi nhuận lên 1.460 tỉ đồng nhưng mới hết quý I, kết quả đã đạt gần 400 tỉ đồng. Trong đó, phần lớn lợi nhuận là từ việc bán đường sản xuất ở Lào. Riêng kế hoạch nuôi bò, ông Đức cũng rất tự tin sẽ mang lại lợi nhuận cao.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng, cho rằng việc nhiều DN chuyển mạnh sang đầu tư vào các lĩnh nông nghiệp hoặc ngành tiêu dùng có sản phẩm từ nông nghiệp là do họ muốn có một lĩnh vực đầu tư mang tính ổn định, tạo ra các sản phẩm thiết yếu đáp ứng nhu cầu của thị trường hằng ngày, thay vì góp tiền vào những sản phẩm tài chính, chứng khoán hay bất động sản có tính chất ảo như trước đây.

Đầu tư cổ phiếu nông nghiệp

Bên cạnh làn sóng chuyển hướng đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp, việc góp vốn mua cổ phần ở các DN trong ngành nông nghiệp cũng sôi động không kém. Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), ông Đặng Văn Thành, mới đây đã công bố việc đầu tư mạnh vào ngành mía đường thông qua hoạt động mua bán cổ phần ở các công ty chuyên về mía đường. Hiện tại, TTC đang trực tiếp và gián tiếp nắm cổ phần chi phối ở các DN: Công ty CP Mía đường Ninh Hòa, Công ty CP Đường Biên Hòa, Công ty CP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai, Công ty CP Mía đường Thành Thành Công...

Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã thông qua công ty con là Công ty CP Xuyên Thái Bình (PAN) đầu tư mạnh vào các DN nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm đóng gói trên khắp cả nước với tham vọng tạo ra chuỗi liên kết khép kín. Những DN mà SSI đầu tư thời gian qua gồm: Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF), Công ty CP Giống cây trồng Trung Ương (NSC), Công ty CP Thủy sản Hùng Vương (HVG), Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (SSC), Công ty CP Khử trùng Việt Nam (VFG)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nhung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN