Những con sóng kinh doanh làm nên thương hiệu bầu Đức
Làm bất động sản, rồi chuyển sang nông nghiệp với mía đường, ngô, và gần nhất là bò sữa, bầu Đức đã không ít lần đối diện với nghi vấn về những quyết định kinh doanh của mình.
Là một trong những doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán, ông Đoàn Nguyên Đức cũng là người có mức độ xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không giống như nhiều doanh nhân Việt vốn kín tiếng, ông chủ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) luôn thích chia sẻ thẳng thắn khi gặp phải những nghi vấn về chuyện làm ăn, cũng như cuộc sống phía sau công việc.
Trong gần 30 năm kinh doanh trên thương trường, ông chủ HAGL đã từng có nhiều quyết định gây nghi vấn. Ông giảm giá nhà, chuyển phần lớn việc đầu tư ra nước ngoài bằng ngành nông nghiệp, chọn Myanmar - một quốc gia khi đó còn đang "ngủ đông về tăng trưởng" - để phát triển dự án bất động sản trọng tâm... Đỉnh điểm của mọi nghi vấn là khi ông xuất đường về Việt Nam và nuôi bò để bước chân vào ngành sữa, những mảng kinh doanh xa lạ với bước khởi nghiệp của vị tỷ phú này.
Ông chủ HAGL không cần tiêu tiền, không đi du lịch trong suốt 20 năm, làm việc không tính theo giờ mà chỉ nghỉ khi hết việc, và thành công nhờ biết đón những con sóng lớn, dù trong ngành địa ốc, bất động sản hay nông nghiệp.
Thời gian đầu bước vào kinh doanh ngành nông nghiệp, bầu Đức vẫn tiếp tục thực hiện nhiều dự án bất động sản, khai khoáng cũng như thủy điện. Khi đó, nghề nông nghiệp được dự đoán là cách để bầu Đức thực hiện lấy ngắn nuôi dài: Dùng lợi nhuận của mía đường, dầu cọ... để tạo vốn cho địa ốc, bất động sản, thậm chí chỉ là để nuôi rừng cây cao su của ông chủ HAGL.
Nhưng bất ngờ, khi mía đường trở thành mảng kinh doanh đem lại một nửa doanh thu trong quý I/2014 (khoảng 500 tỷ đồng), cùng với việc triển khai trồng ngô diện tích lớn của HAGL, bầu Đức đã ngầm khẳng định rằng, đây mới chính là ngành trọng tâm của tập đoàn trong thời gian tới. Đến khi kế hoạch nuôi bò được công bố, bầu Đức lại khẳng định chính thức bước chân vào những ngành mà Việt Nam có nhu cầu cao, là sữa tươi, thịt bò và cả thức ăn chăn nuôi.
Với bất động sản, ông từng nhận định "càng làm càng lỗ" khi giảm giá nhà, rút dần khỏi các dự án ở Việt Nam. Khi đổ tiền vào Yangon, dù phải nói dối cổ đông về kế hoạch kinh doanh, bầu Đức vẫn khẳng định rằng mình "không thể không thành công". Đến khi làm bò sữa, doanh nhân phố núi vẫn kiên định rằng càng không biết, càng thành công nhờ công nghệ, như cái cách ông làm "cao su tính bằng núi và mía đường tính bằng km" trên đất Lào, Campuchia.
Từ đây, người ta thấy được mối tương đồng giữa bầu Đức ở thời làm mưa làm gió với bất động sản và chính ông trong vai trò là một "doanh nhân nông nghiệp". Bầu Đức vẫn đi trước thị trường, vẫn làm cái việc mà ông ưa thích, đó là "định giá thị trường", như chính ông từng chia sẻ: “Cái khó nhất là giá bất động sản nhưng HAGL đã từng có vai trò quyết định trong việc định giá suốt thời gian dài. Tôi cam đoan thịt bò và sữa chúng tôi đủ lực để quyết định giá, lập lại mặt bằng giá, và chắc chắn mức giá của HAGL rất cạnh tranh”.