Những cổ phiếu “kỳ lạ” trên sàn chứng khoán
Có những cổ phiếu thị giá chỉ trên dưới 1000 đồng nhưng nhiều nhà đầu tư lại đang miệt mài săn mua mà không có chút hi vọng sở hữu.
Khi nói đến những cổ phiếu thị giá bèo bọt hay thậm chí dưới mức “trà đá” chỉ trên dưới 1000 đồng, nhà đầu tư thường nghĩ ngay đến những cổ phiếu “rởm” của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, bên bờ vực phá sản, không ai thèm dòm ngó và trực chờ bị “khai tử” trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, cũng với thị giá quanh mức 1000 đồng, có những cổ phiếu mà nhà đầu tư ngày này qua ngày khác đặt lệnh mua trong vô vọng. Đó là những cổ phiếu của các doanh nghiệp làm ăn rất tốt với mức cổ tức “khủng” bằng tiền mặt hàng năm, thậm chí gấp cả chục lần thị giá giao dịch.
Mua cổ phiếu 2.500 đồng, nhận cổ tức đến 10.000 đồng
Cuối tháng 5/2018 vừa rồi, CTCP Meinfa (UPCOM: MEF) đã thông báo chi trả cổ tức năm 2017 bằng tiền với tỷ lệ 35%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận được 3.500 đồng. Đáng chú ý là từ cuối năm 2017 đến nay, giá cổ phiếu MEF giữ nguyên ở mức 1.200 đồng. Như vậy tỷ lệ cổ tức trên thị giá của Meinfa lên tới 292%.
Năm 2017, MEF cũng đã chi trả cổ tức cho năm 2016 với tỷ lệ cao ngất ngưởng 50%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận được 5000 đồng. Thời điểm đó, MEF có thị giá chỉ 900 đồng.
MENIFA là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và mua bán thiết bị phục vụ ngành y tế. Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2017, doanh thu công ty đạt 321,7 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 31 tỷ đồng, tăng trưởng 14,4% so với năm 2016. EPS đạt tới hơn 8.256 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu MEF
Cổ phiếu “lạ” khác là PTG của CTCP May xuất khẩu Phan Thiết. Cuối tháng 4/2018, công ty này đã chi trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông với tỷ lệ “sốc” 100%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 10.000 đồng. Trong khi tại thời điểm đó, trên sàn chứng khoán PTG có thị giá chỉ 2.500 đồng, tỷ lệ cổ tức/thị giá của công ty này lên tới 400%.
Năm 2017, doanh thu của PTG đạt trên 305,7 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 29,18 tỷ đồng, tăng 30,5% so với lợi nhuận đạt được năm 2016. EPS đạt 6.390 đồng/cổ phiếu.
Ngày 14/5/2018, CTCP Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng (CICO - mã chứng khoán DCI) cũng đã chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2017 tổng tỷ lệ 258,185%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 25.818 đồng. Không lâu sau đó, công ty này lại tiếp tục tạm ứng cổ tức năm 2018 với mức 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau điều chỉnh, thị giá của DCI hiện tại chỉ còn 2000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu DCI
Hiện tượng cổ phiếu giá bèo nhưng doanh nghiệp trả cổ tức khủng không hiếm trên TTCK. Cổ phiếu TVG của CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Giao thông Vận tải (UPCOM) trả cổ tức 1000 đồng/cp trong khi thị giá chỉ có 900 đồng/cp. CTCP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (VNX) trả 3.500 đồng cho dù giá cổ phiếu chỉ ở mức 4.200 đồng, hiện tại thị giá sau điều chỉnh chỉ còn 700 đồng/cổ phiếu trong khi giá trị sổ sách trên 20.000 đồng/cổ phiếu.
Nhà đầu tư miệt mài đặt lệnh mua trong vô vọng
Đối với nhiều nhà đầu tư, đây là những cổ phiếu có thể được coi là “vàng ròng”. Tuy nhiên, hầu hết những cổ phiếu này đều không có thanh khoản trong một thời gian dài. Nhiều nhà đầu tư dù đặt lệnh mua trần liên tục nhiều ngày, thậm chí chấp nhận mua với mức giá gấp nhiều lần thị giá nhưng vẫn không có cổ phiếu nào được bán ra.
Trên thực tế, MEF khi chào sàn có giá 34.000 đồng/cổ phiếu, PTG là 10.000 đồng, DCI là 63.000 đồng nhưng qua mỗi lần chia cổ tức thì giá cổ phiếu lại giảm đi do điều chỉnh. Theo quy định, giá tham chiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền đối với cổ tức bằng tiền được xác định bằng giá đóng cửa ngày trước (đối với sàn HoSE) hoặc giá bình quân đối với sàn HNX trừ đi số tiền cổ tức.
Vì không có giao dịch mua bán nên cổ phiếu cứ thế tụt xuống mức giá của rau thơm, trà đá. Với tình hình kinh doanh tốt và ổn định nhiều năm, nhà đầu tư hoặc cán bộ, nhân viên công ty tất nhiên sẽ nắm giữ dài hạn, không hề có ý định bán ra.