Những chuyện lạ đấu thầu chỉ có ở Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhà thầu bị xử ép, không mua được hồ sơ mời thầu, cướp hồ sơ dự thầu ngay tại phiên đấu thầu... đó là những tình cảnh dường như chỉ có nhà thầu tại Việt Nam gặp phải.

Nhà thầu bị cướp hồ sơ

Tại Hội thảo cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam do Bộ KH-ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 14/6, hầu hết các đại biểu đều nhận định: Pháp luật đã ghi nhận quyền được kiến nghị cũng như cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Tuy nhiên, từ việc ghi nhận tới việc bảo đảm thực hiện sao cho hiệu quả thì vẫn còn là chặng đường dài.

Theo ông Lê Văn Tăng (Khoa Quản lý đấu thầu, Học viện Chính sách và phát triển), Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 nhưng đến nay vẫn còn tồn tại hàng loạt bất cập, đặc biệt trong việc kiến nghị và giải quyết kiến nghị. “Các kiến nghị thường chậm được giải quyết, không ít trường hợp chủ đầu tư, người có thẩm quyền trả lời vòng vo, làm cho nhà thầu mệt mỏi, chán nản, bỏ cuộc. Bên mời thầu, chủ đầu tư sử dụng các mánh khóe để thực hiện các hành vi tiêu cực, không minh bạch trong quá trình lựa chọn các nhà thầu. Tuy nhiên, các nhà thầu lại có tâm lý ngại đưa kiến nghị ra tòa án vì thủ tục pháp lý phức tạp, mất thời gian. Tới nay, hầu như tòa án chưa giải quyết kiến nghị nào về đấu thầu”, ông Tăng lý giải.

Những chuyện lạ đấu thầu chỉ có ở Việt Nam - 1

Hoạt động giải quyết kiến nghị nhà thầu còn nhiều bất cập (Ảnh minh họa)

Dẫn ra trường hợp gói thầu xây dựng mới cầu Trường Cử, tỉnh Bình Định năm 2016, ông Tăng cho hay: Bên mời thầu thông báo thời điểm đóng thầu 7h sáng thứ hai. Có nghĩa nhà thầu muốn nộp hồ sơ dự thầu phải nộp từ cuối giờ làm việc của ngày thứ sáu vì trước 7h sáng thì chưa tới giờ làm việc. Tuy nhiên, đã có 5 nhà thầu bị cướp hồ sơ dự thầu khi đến nộp hồ sơ dự thầu trước 7h sáng, song khi kiến nghị thì bên mời thầu đưa ra lý do, sự việc xảy ra trước giờ làm việc nên họ không biết và không chịu trách nhiệm. Tương tự, gói thầu  sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh chính Ea Kao do Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, được đóng thầu lần đầu vào 9h ngày 8/7/2016. Trước thời điểm đóng thầu gần 1 tiếng, liên danh nhà thầu đến từ địa phương khác cũng bị cướp hồ sơ dự thầu ngay trước cổng trụ sở cơ quan chủ đầu tư, trong khi các nhà thầu bản địa vẫn nộp bình thường.

Điều kiện dự thầu như đánh đố

Mới đây, kết quả nghiên cứu về việc giải quyết kiến nghị trong đấu thầu tại Việt Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho thấy, kiến nghị phổ biến của các nhà thầu là những nội dung tưởng chừng rất giản đơn như: Không mua được hồ sơ mời thầu; Không nộp được hồ sơ dự thầu; Đóng/mở thầu không đúng quy định nhưng lại hầu như không được giải quyết. Mặt khác, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Chương trình quản trị USAID cho biết, nhiều trường hợp nhà thầu khiếu nại nội dung hồ sơ mời thầu không phù hợp. “Hồ sơ mời thầu có yêu cầu như đánh đố, cố tình làm khó nhà thầu. Ví như, một gói thầu về in ấn chỉ vài trăm triệu mà chủ đầu tư yêu cầu phải có chuyên gia, kỹ sư học chuyên ngành in ấn; Hay gói thầu về chăm sóc cây cảnh lại yêu cầu nhân sự là kỹ sư thủy lợi...”, bà Thủy dẫn giải và cho biết, nhiều nhà thầu cũng chưa hài lòng cách giải quyết kiến nghị, bởi họ cho rằng chưa có sự công tâm của chủ đầu tư hay người có thẩm quyền.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đề xuất Việt Nam nên thành lập một cơ quan giải quyết kiến nghị đấu thầu độc lập với các bên có liên quan trong quá trình tổ chức, lựa chọn nhà thầu. Theo đó, cơ quan này sẽ tiếp nhận kiến nghị trực tiếp từ nhà thầu, xem xét giải quyết mà không cần qua các khâu trung gian, không bắt buộc phải thành lập Hội đồng tư vấn. Kết luận về giải quyết kiến nghị của cơ quan này là kết luận cuối cùng, trừ khi nhà thầu không đồng ý và gửi kiến nghị ra tòa án.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH-ĐT cho biết, mấu chốt vấn đề của hoạt động đấu thầu hiện nay không phải nằm ở những quy định pháp lý, mà chính là yếu tố con người. “Cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu đều cần phải có năng lực, trình độ, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp”, ông Trương nhấn mạnh và cho rằng, đa số các kiến nghị tới từ các nhà thầu đều xuất phát khi họ nhận thức rõ lợi ích của mình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cũng có những kiến nghị dựa trên sự thiếu hiểu biết về quy định, cơ chế đấu thầu hay về kỹ thuật chuyên ngành. Thậm chí, có những kiến nghị sai, cố ý gây ảnh hưởng tới tiến độ, phá hoại cuộc đấu thầu. “Tình trạng “thông thầu”, nhà thầu “thân hữu” vẫn còn khá phổ biến... khiến hoạt động đấu thầu tại Việt Nam chưa được vận hành theo đúng cơ chế thị trường”, ông Trương nhận định.

Ngược lại, về phía chủ đầu tư, ông Trương cho biết, cũng có rất nhiều “vấn đề” trong việc tổ chức mời thầu, lựa chọn nhà thầu. “Có những chủ đầu tư cố đưa ra các “điều kiện điên” không có trong quy định về mời thầu, gây khó khăn, bất công đối với các nhà thầu. Ví dụ, hồ sơ mời thầu yêu cầu tất cả lao động phải có hợp đồng lao động dài hạn, trong khi để đảm bảo tiến độ, bắt buộc nhà thầu phải huy động thêm lao động bên ngoài. Hay việc đưa ra hàng loạt thủ tục hành chính, thuế...không cần thiết để xử ép nhà thầu trong thời gian ngắn khiến họ không thể xoay kịp”, ông Trương nói và chia sẻ: “Có những chủ đầu tư rất tích cực trong việc giải quyết kiến nghị nhà thầu tuy nhiên vì thiếu trình độ, năng lực dẫn đến lúng túng sợ sệt, không quyết đoán, khiến nhà thầu nghi ngờ. Mặt khác, cũng không loại trừ nhóm cố tình dây dưa, né tránh đẩy sự việc sang chỗ khác, khiến việc kiến nghị kéo dài, phức tạp”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Ngân (Báo Giao thông)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN