Những chuyện bất ổn từ đấu giá vàng

Không còn độ “hot” như những phiên đầu tiên nhưng những phiên đấu thầu vàng vẫn thu hút sự chú ý từ các doanh nghiệp lớn, đặc biệt khối tổ chức tín dụng có nhu cầu phải tất toán trạng thái vàng trước 30/6.

6 phiên đấu thầu vàng đã trôi qua, nhẩm tính đến nay đã có 76 lượt tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trúng thầu với tổng khối lượng vàng miếng trúng thầu là 155.200 lượng.

Giả như phiên chào thầu sáng nay (16/4) thành công tính gộp sẽ có 7 tấn vàng cung ra thị trường (đa số chỉ để giúp các ngân hàng tất toán trạng thái vàng).

Những chuyện bất ổn từ đấu giá vàng - 1

Tuy nhiên, điều khiến cả giới kinh doanh, lẫn người dân có nhu cầu băn khoăn: Với một lượng cung lớn như thế, sao vẫn chưa đủ lực kéo giá vàng trong nước sát với thế giới và NHNN cần phải làm gì?

Ghi nhận tiếng nói từ người trong cuộc, các thành viên tham gia đấu thầu đều nhất loạt kiến nghị: Giá sàn phải “tốt” hơn. Một đại diện Tập đoàn Doji than thở: Giá NHNN đưa ra thường sát với giá thực tế thị trường nên có những phiên mua về thị trường giao dịch chậm không kịp xả nhanh sẽ bị lỗ.

Vì sớm nhất cũng phải đến ngày hôm sau, thậm chí đến ngày hôm sau nữa DN mới nhận được vàng, trong khi giá vàng thế giới biến động theo từng giờ.

Những chuyện bất ổn từ đấu giá vàng - 2

Đại diện khác từ Công ty vàng trong phía Nam cũng ngậm ngùi: Ngày hôm sau DN mới được nhận vàng thì sẽ phải trả phí qua đêm 2%. “Nếu tính thêm một số chi phí khác, cộng chi phí rủi ro từ giá vàng thế giới thì với mức giá bán ra như hiện nay khó có thể nói kiếm lời từ kinh doanh vàng miếng”, DN nói thêm.

Lãnh đạo một Công ty vàng bạc đá quý lớn tại Hà Nội thì khẳng định: Nếu không thay đổi về cách đặt giá sàn chắc chắn giá vàng trong nước vẫn vênh cao so với giá thế giới, doanh nghiệp, người dân sẽ phải mua giá vàng cao so với thực tế.

Với phiên rơi đêm 12/4 cũng như những dự đoán vàng tạm thời không là điểm trú ẩn an toàn và sẽ tiếp tục rớt giá tuần này (15 giờ ngày 15/4, giá vàng trên kitco ở mức là 1.442,64/oz), thực tế khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới lại “doãng” xa thêm lên tới hơn 5 triệu đồng/lượng; còn việc kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới, xem ra sẽ ngày càng khó “nhằn”.

Một DN tính toán: “NHNN là đơn vị duy nhất được quyền nhập khẩu vàng. Thời điểm này giá vàng quốc tế quy đổi tỷ giá cộng một số phí chưa đến 37 triệu đồng/lượng nếu NHNN đưa ra một mức giá sàn hợp lý có thể ở mức 39 triệu đồng/lượng thì giá thị trường có “treo” cao đến mấy cũng phải hạ xuống.

Còn nếu giá NHNN đưa sát thị trường như hiện nay thì có đấu thầu đến bao nhiêu phiên thì không xoay chuyển được tình thế”.

Trước bài toán khó này, không hiểu, NHNN sẽ toan tính thế nào, bám sát giá thế giới hay đi theo giá trong nước “một mình một chợ”. Hy vọng, tại 3 phiên đấu thầu vàng miếng tuần này, lời giải sẽ phần nào sáng tỏ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Linh (Báo Tiền Phong)
NHNN đấu thầu vàng thế nào? Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN