Những cảnh báo thu, chi ngân sách đầu 2013
Cụm từ “đặc biệt quan tâm” xuất phát từ vai trò quan trọng của thu, chi ngân sách và hiện trạng thu, chi ngân sách trong những tháng đầu năm 2013.
Từ số liệu được công bố và các thông tin khác có liên quan, có thể nhận diện hiện trạng thu, chi ngân sách trên một số điểm sau đây.
Thứ nhất, tổng thu ngân sách nhà nước tính từ đầu năm đến 15/3/2013 đạt 136,3 nghìn tỷ đồng.
Về quy mô tuyệt đối, đã giảm khoảng 0,4% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì còn giảm sâu hơn. Điều này cảnh báo về khả năng cả năm tổng thu ngân sách sẽ tăng không cao, thậm chí không tăng.
Thứ hai, so với dự toán cả năm, tổng thu ngân sách nhà nước tính đến 15/3/2013 mới đạt 16,7%.
Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ 2 năm trước (cùng kỳ năm 2012 đạt 18,5%, cùng kỳ năm 2011 đạt 21,2%). Đây là sự cảnh báo cần thiết bởi năm trước, ngành tài chính phải quyết liệt thu cho đến những ngày cuối cùng của năm mới thực hiện được dự toán.
Thứ ba, là tỷ lệ tổng thu ngân sách/GDP quý 1/2013 đạt 23,9%; tuy không thấp so với định hướng trong kế hoạch 5 năm nhưng đã thấp khá xa so với cùng kỳ năm trước (quý 1/2012 là 30%).
Có hai điểm đáng lưu ý về sự sụt giảm tỷ lệ này. Về mặt toán học, khi mẫu số là GDP lớn hơn mà tử số là tổng thu ngân sách lại nhỏ hơn, thì tỷ lệ giảm đi là đương nhiên. Ngoài ra, thu ngân sách nhà nước quý 1/2013 khó khăn hơn cùng kỳ do nhiều khoản thu được cắt giảm, giãn, hoãn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; do một số khoản thu thực hiện thấp, nhất là các khoản liên quan đến đất đai, đến nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng có giá trị lớn.
Thứ tư, trong tổng thu, một số khoản thu lớn có tỷ trọng và có tỷ lệ thực hiện so với dự toán cả năm khác nhau. Khoản thu lớn nhất là thu nội địa đã đạt 93,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ; chiếm 68,3% tổng thu, cao hơn tỷ trọng 65,3% của cùng kỳ năm trước; bằng 17,1% so với dự toán năm. Điều này chứng tỏ thu nội địa đã đạt kết quả cao hơn so với các khoản thu khác.
Khoản thu lớn khác là thu từ dầu thô ước đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ, chiếm 15,3% tổng thu ngân sách, đạt 21% dự toán năm, là tỷ lệ cao nhất trong các khoản thu nhờ giá xuất khẩu thực tế cao hơn giá khi lập dự toán.
Khoản thu lớn thứ ba là thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước 21,8 nghìn tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ, chiếm 16% tổng thu ngân sách và đạt 13,1% dự toán cả năm.
Thứ năm, tổng chi tính từ 15/3 ước đạt 171,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 17,6% dự toán cả năm. Trong tổng chi, có 3 khoản chi lớn, lớn nhất là chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể đạt 124,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 72,4% tổng chi), tăng tương đối cao và đạt tỷ lệ cao so với dự toán năm (18,9%).
Chính vì vậy trong phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo phải đẩy mạnh tiết kiệm hơn nữa, nhất là chi mua sắm công, chi đi công tác nước ngoài... Chi đầu tư phát triển là khoản lớn thứ hai với 26,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,6%), giảm so với cùng kỳ năm trước và mới đạt 15,4% so với dự toán cả năm.
Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo cần phải triển khai đẩy nhanh hơn tiến độ đầu tư công theo kế hoạch năm nay và có thể tạm ứng kế hoạch năm 2014.
Chi trả nợ, viện trợ ước đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19% dự toán cả năm, đạt tỷ lệ cao nhất trong các khoản chi. Đây là một cố gắng trong việc thực hiện cam kết trả nợ của Chính phủ.
Khoản chi này đã chiếm 12% tổng chi ngân sách và bằng 15,1% tổng thu ngân sách. Tuy các tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng đó là các tỷ lệ lớn, hiện đã tới trên dưới 80% tổng số vay mới, tức là phần thực còn được sử dụng không lớn.
Thứ sáu, bội chi ngân sách năm trước đã bằng 4,8% GDP; kế hoạch năm 2013 cũng đề ra mục tiêu giữ ở mức 4,8% GDP. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện dự toán cả năm tính đến 15/3 của chi ngân sách cao hơn của thu ngân sách, làm cho tỷ lệ bội chi ngân sách so với dự toán bị cao lên (theo tính toán sơ bộ của tác giả, tỷ lệ bội chi/GDP quý 1/2013 đã ở mức 5,2%).
Đây là một cảnh báo cần thiết trong việc điều hành thu chi ngân sách trong thời gian tới cần phải được quan tâm đặc biệt để giữ mức bội chi/GDP như nghị quyết của Quốc hội.