Nhức nhối nợ đọng Bảo hiểm xã hội
Ngày 26/12, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH xảy ra ở tất cả các địa phương. Tính đến ngày 30/11/2014, số nợ đọng vẫn ở con số kỷ lục hơn 11.114 tỷ đồng. Tình trạng nợ lớn gây ảnh hưởng đến Quỹ BHYT và chế độ của người lao động (NLĐ).
Vượt mốc 11.000 tỷ đồng
Ông Chu Mạnh Sinh, Phó Chánh văn phòng BHXH Việt Nam cho biết, trong tổng số nợ đọng BHXH hơn 11.114 tỷ đồng, có hơn 7.825 tỷ đồng là nợ BHXH; hơn 2.759 tỷ đồng nợ BHYT; hơn 529 tỷ đồng nợ BHTN. “Tổng số nợ đọng tính tới thời điểm 30/11/2014 chiếm tới 6,24% so với tổng số phải thu, tăng hơn 455 tỷ đồng (4,3%) so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Sinh nói.
Thực tế, theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, kể từ nhiều năm nay, nợ chậm đóng BHXH liên tục gia tăng. Nếu như năm 1997, doanh nghiệp (DN) cả nước nợ khoảng 307 tỷ đồng, đến hết 31/11/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN đã lên tới hơn 11.114 tỷ đồng. “Có thể nói, với mức nợ đọng như hiện nay, đang gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ và đang ở mức báo động đỏ”, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh nói.
Việc DN nợ đọng BHXH đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của hàng ngàn NLĐ. Ảnh: Bảo Anh
Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH cũng đang có xu hướng tăng. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, tổng số tiền nợ BHXH trên địa bàn thành phố là 1.413 tỷ đồng. Nhiều DN sử dụng lao động không đóng BHXH cho NLĐ hoặc chỉ đóng một phần, mang tính đối phó. Số khác, chiếm dụng, không trích đóng cho NLĐ với thời gian dài để nợ đọng BHXH số tiền lớn (hoặc cố tình trốn đóng BHXH) cho NLĐ bằng nhiều hình thức như không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), ký HĐLĐ dưới 3 tháng...
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, vấn nạn nợ đọng BHXH đang gây nhức nhối dư luận, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để. “Hiện, Quốc hội đã giao quyền thanh tra BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan bảo hiểm, hy vọng tình trạng nợ đọng BHXH tới đây sẽ có biến chuyển theo chiều hướng tích cực”, một lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nói.
Vì sao nợ đọng gia tăng?
Lãnh đạo Ban Thu thuộc BHXH Việt Nam cho biết, lý do nợ đọng tăng là có một số doanh nghiệp lớn được phép khoanh, giãn nợ. Cùng với đó, việc khởi kiện ra toà để đòi quyền lợi về bảo hiểm cho người lao động cũng gặp nhiều khó khăn. Việc thẩm định tài sản để thi hành án cũng gặp khó do đa số doanh nghiệp nợ BHXH lớn đều đang trong nguy cơ dừng hoạt động. Ngoài ra, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng đang còn nhiều khó khăn. Một số DN tập trung lo lương cho NLĐ, chưa chú trọng tới việc đóng BHXH cho NLĐ.
Hiện nay, cơ sở đóng BHXH được quy định là mức tiền lương ghi trên HĐLĐ. Đây là kẽ hở để người sử dụng lao động “lách luật”. Thực tế, đa số các DN khu vực ngoài nhà nước chỉ ký HĐLĐ với mức lương ghi trên HĐLĐ bằng hoặc cao hơn một chút so với tiền lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; thấp hơn rất nhiều so với thu nhập thực tế của NLĐ.
Theo đó, phần chênh lệch giữa thu nhập thực tế của NLĐ với tiền lương ghi trên HĐLĐ được người sử dụng lao động tách ra thành các khoản phụ cấp và trợ cấp bổ sung khác (tiền phụ cấp đi lại, nhà ở, chuyên cần....) nhằm né tránh việc đóng BHXH.
“Khoản chênh lệch 1 triệu đồng tiền lương này tương đương với 24.000 tỷ đồng/năm. Với mức đóng BHXH kiểu này, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả NLĐ và quỹ BHXH”, đại diện Tổng Liên đàon Lao động Việt Nam cho biết.
Ông Điều Bá Được, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, với việc Luật BHXH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định mới là giao quyền thanh tra về BHXH, BHYT, BHTN chắc chắn tình trạng nợ đọng BHXH sẽ giảm. “Ngoài thanh tra, BHXH còn được phép xử phạt hành chính những DN chây ỳ, chậm đóng, để nợ đọng kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ”, ông Được nói.
Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, với những quy định mới trong Luật BHXH sửa đổi, nhất là việc ngành BHXH được thanh tra tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN sẽ là bước ngoặt lớn trong việc ngăn chặn tình trạng nợ đọng BHXH đang có xu hướng gia tăng gần đây.