Nhu cầu vay vốn ngoại tệ gia tăng
Các ngân hàng thương mại cho biết, thường đến thời điểm cuối năm, nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp có dấu hiệu tăng. Sở dĩ các doanh nghiệp thích vay ngoại tệ, vì lãi suất rẻ hơn nhiều so với vay vốn bằng tiền đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho hay, với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, hiện OCB chỉ cho vay ngoại tệ với lãi suất 6 – 6,5%/năm. Theo ông Linh, đây là lĩnh vực được OCB tập trung đẩy mạnh vốn hỗ trợ.
Ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, nhu cầu vốn ngoại tệ thường tăng mạnh vào cuối năm, khi có nhu cầu nhập khẩu. Đặc biệt, năm nay, tỷ giá không mấy biến động, nên các đơn vị có nguồn thu bằng ngoại tệ vẫn thích chọn vay USD. Trong đó, tập trung lớn nhất vẫn là các doanh nghiệp xuất khẩu và có nguồn thu ngoại tệ. Còn các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng hóa tiêu thụ ở thị trường nội địa thì phải mua ngoại tệ để thanh toán, vì không có nguồn thu bằng ngoại tệ trả nợ và theo Thông tư 03/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các đối tượng này không được vay vốn USD.
Sở dĩ các doanh nghiệp thích vay ngoại tệ, vì lãi suất rẻ hơn nhiều so với vay vốn bằng tiền đồng.
Việc loại trừ các trường hợp vay không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất - kinh doanh tại nội dung Thông tư 03/2012/TT-NHNN sẽ làm giảm nhu cầu mua USD để trả nợ vay khi đến hạn. Vì thế, dù nhu cầu vốn ngoại tệ tăng, song các nhà băng cũng khó đẩy mạnh cho vay. Mặt khác, với sự chênh lệch khá lớn giữa lãi suất huy động ngoại tệ và lãi suất huy động tiền đồng hiện nay, các ngân hàng thương mại cũng không dễ hút vốn USD để đẩy mạnh cho vay. Thực tế, thời gian qua, khi trần lãi suất được áp đối với huy động vốn bằng ngoại tệ (2%/năm), nhiều người dân đã chuyển vốn sang tiền đồng gửi tiết kiệm để hưởng mức lãi suất cao hơn (9 – 13%/năm).
Chính điều này đã khiến nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ có phần hạn hẹp so với trước. Theo số liệu của NHNN Chi nhánh TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm, huy động vốn ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn giảm 9,62% so với cuối năm 2011, trong khi huy động vốn bằng tiền đồng tăng 11,53%.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng, sự ổn định của tỷ giá, cùng với chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và ngoại tệ ở mức cao là yếu tố cơ bản làm tăng lượng tiền gửi bằng tiền đồng trong 9 tháng đầu năm. Do đó, muốn đẩy mạnh tín dụng đối với ngoại tệ cũng không dễ cho các ngân hàng thương mại.
Số liệu NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng cho thấy, quý III/2012, nhu cầu ngoại tệ để thanh toán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp thông qua các ngân hàng thương mại trên địa bàn tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, nguồn cung ngoại tệ vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho mục đích du học, khám chữa bệnh, định cư, trợ cấp khó khăn...
Thực tế, nhu cầu vay vốn ngoại tệ của doanh nghiệp tăng khi mặt bằng lãi suất tiền đồng còn chênh lệch khá xa so với ngoại tệ. Nhưng theo ông Minh, với việc hạn chế đối tượng được sử dụng vốn bằng ngoại tệ, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ sẽ khó đạt mức cao và số lượng doanh nghiệp được vay ngoại tệ không nhiều, nên cầu tín dụng ngoại tệ có tăng cũng không thể gây áp lực lên tỷ giá.