Nhóm lợi ích nào đáng sợ nhất ?

Tham nhũng bành trướng trong kinh doanh, muốn chống phải hành động tập thể.

Đó là cảnh báo được nhiều doanh nghiệp (DN) đưa ra buổi hội thảo “Tăng cường sự tham gia của DN thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam” ngày 24-10, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thanh tra Chính phủ và Đại sứ quán Anh phối hợp tổ chức tại TP. HCM.

Tham nhũng có tổ chức

Nhiều DN cho biết hiện nay tham nhũng vặt như quà cáp, phong bì hay cái gọi là “phí bôi trơn” trong kinh doanh đó là chuyện bình thường. DN coi đó là “văn hóa” kinh doanh, cả DN lẫn cơ quan chính quyền đều có lợi.

Đại diện một DN xuất khẩu tại TP .HCM lại cho rằng căn bệnh tham nhũng trong kinh doanh đáng cảnh báo chính là nhóm lợi ích tham nhũng. DN nhiều tiền hay có thật nhiều tiền cũng khó đưa hối lộ để đạt được lợi ích. Có những DN “đại gia” nhưng đã phải hết đường làm ăn bởi sức mạnh của những nhóm lợi ích của những DN nhờ “nhất thân, nhì thế” với chính quyền địa phương. “Nhóm lợi ích này ban đầu là nhóm những DN chơi với nhau, có mối quan hệ “ông” chính quyền này, “bà” chính quyền nọ. Dần dần nhóm lợi ích DN tạo thành nhóm lợi ích DN và chính quyền để họ tăng thế lực chèn ép, cạnh tranh lại những DN đối thủ. Tham nhũng đã tạo thành mạng lưới, lúc này cơ quan chính quyền không nhũng nhiễu, làm khó thì DN cũng phải tham gia vào nhóm lợi ích này nếu không sẽ khó có đất sống” - vị này chia sẻ.

Nhóm lợi ích nào đáng sợ nhất ? - 1

Nhiều DN cho biết “phí bôi trơn” trong kinh doanh là chuyện bình thường để chạy việc. Ảnh minh họa: HTD

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Thuế xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho hay tham nhũng trong kinh doanh đã phát triển thành những nhóm lợi ích ngầm giữa DN với cơ quan hành chính, chính quyền địa phương và cả trung ương. Không chỉ đơn giản là đưa hối lộ để hoàn thành nhanh thủ tục, có giấy phép đầu tư, trúng thầu lớn, được bao che… mà đã nâng lên mức cấp cao hơn là tham nhũng chính sách. Nhóm lợi ích tham nhũng “DN + chính quyền + nhà làm luật” tạo ra những văn bản, quy định luật chỉ có lợi cho một số nhóm DN. Điều đó rất đáng sợ!

Ông Soren Davidsen, chuyên viên thể chế Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cũng cho biết theo khảo sát mới đây, đa số DN đều cho rằng nhóm lợi ích đang ngày càng có ảnh hưởng mạnh hơn và tác động tới lãnh đạo của UBND tỉnh và lãnh đạo bộ, ngành, trung ương.

Liên minh chống nhóm lợi ích tham nhũng

Bàn về giải pháp chống tham nhũng, nhiều DN đã bày tỏ thái độ bất lực vì chống tham nhũng vặt không xong, làm sao chống được cả nhóm lợi ích. DN không chỉ là nạn nhân mà chính là thủ phạm tham nhũng. Và cơ quan chính quyền cũng vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân tham nhũng. Vì vậy cần có giải pháp đồng bộ từ cơ quan công quyền đến từng DN, từng ngành.

Bà Nguyên Thị Kim Liên, cố vấn thể chế Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) tại Việt Nam, cho biết muốn phòng, chống tham nhũng phải cần hành động tập thể chứ một DN đơn lẻ là không thể. Hành động tập thể này cần sự liên kết nhiều chủ thể giữa DN với xã hội dân sự và chính phủ chống tham nhũng theo từng lĩnh vực, có dự án ngắn hạn, dài hạn, có cam kết và được giám sát của bên thứ ba. Ví dụ ở Malaysia, từ năm 2011 đã có hơn 200 DN đa quốc gia, nhà nước, vừa và nhỏ cùng tự nguyện ký cam kết hạn chế các hành vi tham nhũng.

Ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm DN công nghệ cao, Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết đã áp dụng giải pháp hành động tập thể nói trên từ năm 2007, đến nay đã ký thỏa ước liêm chính với 12 DN. Trong đó, hai bên sẽ cam kết xử lý các hình thức tham nhũng, đào tạo cán bộ về liêm chính, hỗ trợ DN báo cáo với bộ, ngành liên quan. Đồng thời, khuyến khích các đối tác kinh doanh và khách hàng cùng thực hiện.

Nhiều DN tại hội thảo thì cho rằng liên minh liêm chính phải có sự tham gia ký kết của chính quyền địa phương, cơ quan bộ ngành và có sự lãnh đạo điều hành, giám sát liên minh. Đồng thời, phải thúc đẩy tính minh bạch, hoàn thiện quy trình làm việc của cơ quan công quyền. Mỗi DN cần phải có bộ phận pháp chế, tự trang bị kiến thức pháp luật. Nhà nước phải có chế tài nặng đối với tội tham nhũng.

DN đưa hối lộ nhiều cho thuế, hải quan, CSGT

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, DN đưa hối lộ nhiều nhất cho cơ quan thuế, thứ hai là hải quan, CSGT đứng thứ ba. Tiếp đến là những cơ quan quản lý chuyên ngành, giấy phép xây dựng, ngân hàng, địa chính, môi trường… Trong khi đó, DN cũng bị gây khó dễ nhiều nhất khi làm việc với các cơ quan trên. Đa số DN trả lời khảo sát đều cho rằng không thấy có cải thiện gì về hành vi tham nhũng của công chức như họ vẫn cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc. Đơn cử như giải thích không rõ, cố tình bắt lỗi DN, bám vào các quy định không chặt chẽ hoặc gợi ý DN làm theo ý muốn chủ quan của cán bộ.

Ông SOREN DAVIDSENchuyên viên thể chế Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Tham nhũng chủ yếu để làm giàu hơn

Lương thấp là nguyên nhân dẫn đến việc công chức nhận hối lộ nhưng chỉ là nguyên nhân cơ bản. Chứng minh bằng những vụ tham nhũng lớn không phải do họ lương thấp mà tham nhũng để làm giàu hơn. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng, công cụ này sẽ phát huy trong thời gian tới, đưa ra nhiều giải pháp chống tham nhũng hiệu quả.

Ông NGÔ MẠNH HÙNG, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN