Nhờ CPTPP, người Việt sẽ được mua sữa ngoại, tôm hùm giá rẻ?

Tôm hùm xuất xứ từ Canada nhập về Việt Nam từ 14/1 giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống còn 15%, xóa hết thuế nhập khẩu cho các mặt hàng hải sản, như cua đông lạnh và cá biển nhập từ Canada và Australia…. Người Việt sẽ được mua không chỉ tôm hùm giá rẻ, mà còn nhiều loại hàng hóa khác khi vào CPTPP?

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực kể từ  hôm 14/1. Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm.

Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam có lộ trình hơn 10 năm, ví dụ như bia, rượu, thịt gà, sắt thép, ô-tô con dưới 3.000 phân khối. Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với đường, trứng, muối (nằm trong lượng hạn ngạch WTO) và ô-tô đã qua sử dụng.

Bên cạnh những lợi thế cho doanh nghiệp khi Việt Nam tham gia CPTPP, có lẽ người tiêu dùng cũng sẽ hưởng lợi ích từ Hiệp định này.

Nhờ CPTPP, người Việt sẽ được mua sữa ngoại, tôm hùm giá rẻ? - 1

Tôm hùm xuất xứ từ Canada nhập về Việt Nam từ ngày 14/1 giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống còn 15%... người Việt sẽ được mua giá rẻ?

Đơn cử như, có thể sẽ được mua sữa và các sản phẩm từ sữa với mức giá rẻ hơn. Bởi lẽ, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chủ yếu từ New Zealand. Kế đến là Singapore, Nhật Bản và Mỹ.

Quan sát trong số 10 nước tham gia CPTPP thì đã có đến 4 nước xuất khẩu sữa sang thị trường Việt Nam với thị phần lớn nhất.

Riêng với sữa được nhập khẩu từ New Zealand, chưa cần đến khi CPTPP có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu sữa từ thị trường này đã được giảm về 0% từ năm 2018, trên cơ sở thỏa thuận của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA).

Như vậy, một trong số những lợi ích mà CPTPP mang lại, có thể thấy ưu điểm lớn nhất của CPTPP đối với Việt Nam nói riêng và các nước còn lại nói chung là thuế suất các loại hàng hóa sẽ dần tiến tới 0%, trong đó có mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa.

Nếu theo lộ trình thì có thể trong vòng 7 năm tới, các loại sữa được nhập khẩu từ New Zealand, Singapore, Nhật Bản… sẽ rẻ hơn.

Từ ngày 14/1/2019, rượu vang nho hoặc Champagne có nguồn gốc xuất xứ từ Canada nhập vào Việt Nam sẽ được giảm từ 56% hiện nay xuống còn 41%, và sẽ giảm còn 36% vào đầu năm 2020.

Tôm hùm xuất xứ từ Canada nhập về Việt Nam từ ngày 14/1 giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống còn 15%, xóa hết thuế nhập khẩu cho các mặt hàng hải sản, như cua đông lạnh và cá biển nhập từ Canada và Australia…. Điều này cho thấy, người Việt Nam ít nhiều sẽ có cơ hội được mua hàng với giá rẻ hơn trước.

Cam kết của các nước theo một số nhóm hàng với Việt Nam

Giày dép

78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Ca-na-đa sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức thuế suất hiện tại. Riêng giầy da lần đầu tiên được Nhật Bản cam kết trong hiệp định thương mại tự do sẽ được giảm dần đều và xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Thuế nhập khẩu giầy dép vào Mê-hi-cô và Pê-ru cũng được giảm dần đều và xóa bỏ vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Thủy sản

Các mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực khi xuất khẩu sang Ca-na-đa và Nhật Bản. Nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam – Nhật Bản và ASEAN – Nhật Bản sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ... sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mê-hi-cô sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Gạo

Với việc được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, gạo sẽ có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Ca-na-đa. Mê-hi-cô cũng là thị trường mới, xuất khẩu khoảng 70.000 tấn/năm và sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng gạo xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn chịu sự điều chỉnh bởi hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Nhật Bản trong WTO. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã ký Thỏa thuận Hợp tác Phát triển Chuỗi Giá trị Gạo nhằm cải thiện khả năng gạo Việt Nam trúng thầu hạn ngạch thuế quan WTO của Nhật.

Cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều

Các mặt hàng này sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng Mê-hi-cô xóa bỏ thuế cà phê hạt Robusta vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, cà phê hạt Arabica và cà phê chế biến giảm mức thuế suất 50% so với mức thuế hiện hành vào năm thứ 5 và năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Đồ gỗ

Xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất sang các nước Ca-na-đa, Pê-ru sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thư ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN