NHNN “phát tín hiệu” về tỷ giá

Hai ngày đầu tuần này, giá USD trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng như trên thị trường tự do bật tăng trở lại. Ngân hàng Nhà nước đã phát đi “tín hiệu” đáng chú ý.

Sáng 5/3, các ngân hàng thương mại đồng loạt nâng giá bán USD trên biểu niêm yết. Lần thứ hai kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, mức giá bán ra vượt mốc 21.000 VND, tiến sát mức trần 21.036 VND.

Tuy nhiên, đầu giờ chiều 5/3 và đến sáng nay (6/3), tỷ giá đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Các ngân hàng thương mại đã rút giá bán về dưới 21.000 VND, phổ biến còn 20.970 - 20.980 VND.

Trong khi thị trường đang loay hoay tìm nguyên nhân, thậm chí có những đồn đoán trong giới đầu tư, thì Ngân hàng Nhà nước đã có điều chỉnh có giá trị tín hiệu cho các thành viên trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng.

Trong hai ngày 5/3 và 6/3, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm mạnh mức giá bán ra. Theo công bố của cơ quan này, sau hơn một năm giữ trần 21.036 VND, mức giá bán ra hai hôm nay đã hạ xuống còn 20.950 VND, tức giảm tới 86 VND. Mức bán ra của Sở Giao dịch theo đó đã thấp hơn so với biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại.

Có thể hiểu việc điều chỉnh trên hàm ý nhà điều hành sẵn sàng bán ra hỗ trợ thị trường, với một mức giá dễ chịu, thay vì căng ở mức trần; và cung - cầu hiện tại không quá căng thẳng để tạo những biến động mạnh về tỷ giá. Đây có lẽ cũng là tác động chính khiến tỷ giá USD/VND giảm bớt trong chiều qua và sáng nay.

Trong khi đó, thị trường đang xuất hiện những thông tin suy tính về nguyên nhân tác động đến tỷ giá hiện nay. Một hướng nghiêng về hiện tượng nhập lậu vàng ở mảng vàng nhẫn, dẫn đến cầu ngoại tệ tăng lên. Một hướng nghiêng về nhu cầu bù đắp lại lượng ngoại tệ đã chuyển đổi trước đó tại một số ngân hàng nhỏ. Một hướng có trong đồn đoán của giới đầu tư là có thể lãi suất VND sắp giảm thêm một nhịp (?), dẫn tới chênh lệch lãi suất giữa VND với USD thu hẹp, giá trị VND bị ảnh hưởng…

Trong những hướng suy tính trên, có lẽ điều quan ngại nhất là yếu tố tâm lý tác động đến cung - cầu trên thị trường. Khi tỷ giá biến động theo xu hướng có lợi cho việc nắm giữ, hoạt động bán ra (vốn đều đặn và xuôi chiều trong hơn một năm qua) có thể khựng lại, càng gây bất lợi cho cung trên thị trường; ít nhất, người giữ USD có thể đang nghe ngóng và lưỡng lự.

Còn xa hơn, Ngân hàng Nhà nước mới đây tiếp tục nêu quan điểm sẽ giữ ổn định tỷ giá USD/VND, sẵn sàng can thiệp nếu có biến động lớn. Các cân đối vĩ mô vẫn đang ủng hộ cho khả năng giữ ổn định trên, khi hai tháng đầu năm Việt Nam tiếp tục xuất siêu khá lớn với khoảng 1,7 tỷ USD; cán cân tổng thể năm nay dự báo sẽ tiếp tục thặng dư khoảng 3 tỷ USD; chênh lệch lãi suất giữa VND với USD chưa có điều chỉnh mới theo hướng thu hẹp…

Còn theo kinh nghiệm quan sát những đợt biến động của tỷ giá USD/VND trước đây, tình hình chỉ thực sự “nóng” khi các ngân hàng thương mại đẩy giá USD bán ra kịch trần biên độ; và quan trọng hơn là họ cũng đưa giá mua vào áp sát giá bán, thậm chí san bằng giá bán, phản ánh áp lực cầu ngoại tệ rõ ràng hơn.

Diễn biến gần đây cho thấy, thay đổi tỷ giá vẫn nằm gọn trong biên độ cho phép, trong khi chênh lệch giữa giá bán ra với mua vào doãng rộng, phổ biến trên dưới 80 VND - cầu ngoại tệ của các nhà băng theo góc nhìn này là chưa có biểu hiện căng thẳng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Đức (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN