NHNN muốn độc quyền vàng miếng: Cho DN tham gia gây đảo ngược chống vàng hoá?
Nếu cho doanh nghiệp tham gia ở thời điểm này có thể làm đảo ngược sự ổn định của việc chống vàng hoá, tác động tiêu cực đến thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.Theo nội dung dự thảo sửa đổi, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, quy định hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản do Nhà nước độc quyền thực hiện là điều phù hợp trong thời điểm này. Chính phủ, NHNN vẫn đang thực hiện nhiều biện pháp để ổn định thị trường, chống "vàng hóa".
Theo ông, Việt Nam là một trong ít quốc gia bị kiểm soát thị trường vàng. Như Mỹ, các thành phần kinh tế đều có thể kinh doanh vàng trên tài khoản. Họ mở tài khoản trên sàn giao dịch vàng và mua bán theo nhu cầu.
Tuy nhiên, việc bình ổn thị trường vàng là cần thiết. NHNN nên là đơn vị độc quyền kinh doanh vàng trên tài khoản để mua bán vàng với nước ngoài.
"Nhìn lại quá khứ có thể thấy, kinh doanh vàng trên tài khoản tạo sóng đầu cơ, biến động, khủng hoảng trên thị trường. Việc không cho các thành phần kinh tế kinh doanh vàng trên tài khoản là điều hợp lý ở thời điểm này", ông nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trong những năm vừa qua, NHNN đã thực hiện thành công chủ trương chống vàng hóa. Lúc này thị trường vàng có tính ổn định cao mặc dù vẫn có chênh lệch giữa vàng thế giới và trong nước. Nhưng phải chấp nhận chênh lệch đó một thời gian nữa để thị trường vàng đi vào ổn định, bền vững.
Nếu cho doanh nghiệp tham gia ở thời điểm này có thể làm đảo ngược sự ổn định của thị trường vàng, tác động tiêu cực đến thị trường vàng.
Tuy nhiên, cũng cần xem xét việc mở rộng kinh doanh vàng trên tài khoản 3-5 năm tới. Khi thị trường vàng thật sự đi vào sự ổn định bền vững, nên cho phép một số nhà kinh doanh có uy tín, năng lực, để kinh doanh vàng trên tài khoản, kể cả việc nhập khẩu cũng như vậy.
Trao đổi với Infonet, một chuyên gia kinh tế cho rằng, ở nước ngoài, việc kinh doanh vàng trên tài khoản đã làm hàng trăm năm nay. Việt Nam do thiếu công cụ quản lý nên đang cấm việc này.
Theo NHNN, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản là các hoạt động tiềm ẩn rủi ro đối với các chủ thể tham gia, gây lãng phí nguồn lực kinh tế, tác động tiêu cực đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với hoạt động vay vàng, trước đây, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, thị trường vàng biến động mạnh, hoạt động huy động - cho vay vốn bằng vàng đã gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, làm gia tăng tình trạng "vàng hóa", ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây bất ổn kinh tế.
Ngoài ra, việc vay vàng của dân để bán vàng lấy tiền mua vàng nguyên liệu sản xuất sẽ gây rủi ro biến động giá vàng cho doanh nghiệp.
Còn nếu dùng vàng của dân để làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro thanh khoản vàng khi dân đến rút vàng mà chưa bán được vàng trang sức để mua vàng trả lại dân.
Đối với hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, trong giai đoạn 2007-2009, một số Sàn giao dịch vàng trong nước xuất hiện và hoạt động dưới hình thức tự phát. Các giao dịch quy mô lớn trên Sàn vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, làm giảm hiệu quả của các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tiềm ẩn rủi ro thị trường vàng bị lũng đoạn bởi các nhà đầu tư có tiềm lực lớn với các cơn sóng vàng ảo.
Đánh giá các tác động bất lợi của Sàn vàng, ngày 30/9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Thông báo 369/TB-VPCP yêu cầu các Sàn vàng đang hoạt động và kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước dưới mọi hình thức phải chấm dứt hoạt động. Những vấn đề trên cho thấy việc cần có quy định chặt chẽ đối với các hoạt động này.
Mặc khác, Nghị định 24 quy định các hoạt động kinh doanh vàng khác là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư thì quy định này không còn phù hợp.
"Xuất phát từ các lý do trên, cần quy định Nhà nước độc quyền đối với hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản để đảm bảo không tổ chức, cá nhân nào được thực hiện các hoạt động này.Do đó, dự thảo Nghị định quy định: hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động do Nhà nước độc quyền thực hiện", NHNN cho hay.