Nhiều "ông lớn" độc quyền lãi “khủng”
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang dồn dập đón nhận tin vui khi các số liệu thống kê cho thấy nhiều “ông lớn” năm qua đã ăn nên làm ra với số lãi cỡ vài ngàn đến vài chục ngàn tỉ đồng.
Vui nhất có lẽ là Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) khi số liệu báo cáo cho thấy lãi trước thuế lên tới gần 15.000 tỉ đồng. Tiếp đó là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) với gần 9.300 tỉ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hơn 4.000 tỉ đồng, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFC Co) khoảng 2.500 tỉ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hơn 1.900 tỉ đồng… Đây là những thống kê chưa đầy đủ mà nếu kê hết ra thì danh sách các “ông lớn” làm ăn tấn tới trong năm qua còn dài hơn nhiều.
Thành tích của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn năm qua càng “đáng nể” hơn khi họ làm ăn phát đạt trong bối cảnh nền kinh tế và cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Hàng chục ngàn doanh nghiệp, gặp muôn vàn khó khăn; nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động. Ấn tượng không kém là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước vốn vẫn được xem cồng kềnh, hiệu quả không cao lại vẫn lãi “khủng” trong khi không ít doanh nghiệp tư nhân năng động, hiệu quả và thích ứng với khó khăn tốt hơn lại phải phá sản hoặc ngừng hoạt động.
Vậy đâu là bí quyết để các “ông lớn” không chỉ trụ vững mà còn làm ăn phát đạt giữa thời buổi kinh tế cả nước cùng gặp khó? Đã gọi là bí quyết kinh doanh thì chắc chẳng đời nào mà các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lại chịu chia sẻ với thiên hạ. Song người tiêu dùng hẳn còn nhớ những lần “méo mặt” vì giá điện, xăng dầu, gas… đua nhau tăng trong năm qua. Và tất nhiên, không ai quên những lời than “đang lỗ” của các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng này với cơ quan quản lý.
Rồi như một quy luật, cứ sau mỗi lần than thở như vậy, chẳng chóng thì chầy, các “ông lớn” lại được “bật đèn xanh” để tăng giá. Thế nên, với người lao động, người làm công ăn lương vất vả quanh năm thì bí quyết làm ăn của các “ông lớn” chẳng có gì là ghê gớm và tài giỏi, đó chỉ là nhờ vào thế độc quyền và cơ chế.
Người dân vẫn thường nghe nói với các mặt hàng thiết yếu thuộc diện nhà nước quản lý giá thì việc điều hành dựa trên cơ sở hài hòa lợi ích 3 bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thế nhưng, thực tế thì lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp thường được tính trước, đặt lên trên. Nếu tình trạng độc quyền và cơ chế vẫn tồn tại thì không biết đến bao giờ mới hết cảnh người cười nụ, kẻ khóc thầm như hiện nay.