Nhiều dòng tiền ngoại đổ vào khởi nghiệp Việt

Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là mảnh đất tiềm năng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup).

Vntrip.vn, một startup Việt hoạt động trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn trực tuyến, vừa công bố nhận vốn đầu tư khoảng 3 triệu USD từ các quỹ đầu tư ngoại. Trong đó đứng đầu là Quỹ Fenghe Group và Hancock Revocable Trust do nhà đầu tư John Wu - từng là giám đốc công nghệ của Alibaba gần 10 năm.

Nhà đầu tư John Wu cho biết họ tin tưởng vào triển vọng phát triển của lĩnh vực du lịch trực tuyến ở Việt Nam và vào tiềm năng của Vntrip.vn.

Gần đây nhiều dòng tiền “khủng” đã đổ mạnh vào startup Việt. Đơn cử hai “ông lớn” thế giới là Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs vừa rót 28 triệu USD vào ví điện tử MoMo.

Đáng chú ý là 500 Startups - một quỹ đầu tư mạo hiểm nhiều kinh nghiệm tại thung lũng Silicon (Mỹ) cũng công bố sẽ lập riêng một quỹ trị giá 10 triệu USD, rót vốn vào khoảng 100-150 dự án khởi nghiệp tại Việt Nam. Giá trị mỗi lần hỗ trợ khoảng 100.000-250.000 USD.

Các nhà đầu tư trong nước cũng đã bắt đầu quan tâm đến startup. Chẳng hạn Tập đoàn FPT và Quỹ đầu tư Dragon Capital Group đã bắt tay nhau lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA). Qua đó nhằm đào tạo, đầu tư, hỗ trợ các nhóm startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mobile, Internet, tài chính… để trở thành các doanh nghiệp (DN) thành công.

Lý giải về xu hướng trên, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, sáng lập Trường Ngoại khóa Tomato, cho rằng thuận lợi cho khởi nghiệp ở Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, rào cản để tham gia khởi nghiệp một số ngành không cao. Tuy vậy khó khăn khi khởi nghiệp ở nước ta là các DN phải tự thân vận động mà không được các cơ quan nhà nước, hiệp hội hỗ trợ nhiều.

“Trong khi đó ở nhiều nước, nếu có thắc mắc về thuế, thủ tục thành lập công ty, tiếp cận nguồn vốn… thì DN sẽ được các cơ quan quản lý giải thích, hướng dẫn chi tiết, đầy đủ và thủ tục nhanh gọn” - bà Phương cho biết.

Trong khi đó, bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm đề án Việt Nam Silicon Valley, đề xuất nếu Việt Nam muốn tập trung phát triển startup để làm đòn bẩy kinh tế thì Nhà nước cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng, đặc biệt trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Bài học thực tế có thể nhìn thấy qua việc chính phủ Israel vận hành quỹ đầu tư Bird trong suốt chín năm và tính đến năm 2015 đã hỗ trợ 1.000 DN khởi nghiệp. Hoặc chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng mô hình sàn giao dịch chứng khoán dành cho các startup.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhiều chuyên gia cho rằng bản thân các DN khởi nghiệp Việt cũng cần phải phát triển những hình thức kinh doanh sáng tạo, mới mẻ, không nên “giẫm đạp” lên cùng một miếng đất quá nhiều. Đặc biệt startup Việt cần làm ra những sản phẩm, ứng dụng độc đáo, mới lạ, khác biệt, thiết thực… để thuyết phục người tiêu dùng.

Sàn giao dịch chứng khoán startup

Phát biểu tại hội thảo với chủ đề phát triển thị trường vốn cho DN khởi nghiệp tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ sẽ có những giải pháp để góp phần xây dựng và kiện toàn hệ sinh thái khởi nghiệp. Ý tưởng lập sàn giao dịch chứng khoán theo cách thức của Hàn Quốc được Phó Thủ tướng ủng hộ. Theo đó nên sớm có sàn giao dịch chứng khoán riêng cho các DN khởi nghiệp trong 2-3 năm tới và nên chọn TP.HCM làm thí điểm. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN