Nhiều doanh nghiệp bất động sản nợ thuế "khủng"
Cục Thuế TP Hồ Chí Minh vừa công khai danh sách hàng loạt doanh nghiệp nợ thuế. Đáng chú ý, trong lĩnh vực bất động sản có nhiều "ông lớn" nợ thuế đến hàng chục tỷ đồng.
Thuế đất là một trong những nguồn thu quan trọng của TP Hồ Chí Minh - địa phương có thị trường bất động sản phát triển nhất nhì cả nước. Tuy nhiên, dù đã triển khai nhiều giải pháp, từ động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đến cưỡng chế tài khoản, hóa đơn, thậm chí đề xuất thu hồi dự án, nhưng tình trạng các doanh nghiệp bất động sản, các dự án nợ thuế lớn chây ì nghĩa vụ nộp ngân sách đã và đang trở thành vấn đề nan giải với cơ quan thuế…
Các khoản nợ thuế liên quan đến đất đai tăng cao
Cục Thuế TP Hồ Chí Minh vừa công khai danh sách hàng loạt doanh nghiệp nợ thuế. Đáng chú ý, trong lĩnh vực bất động sản có nhiều "ông lớn" nợ thuế đến hàng chục tỷ đồng. Đây là lần thứ ba trong năm 2018, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế.
Trước đó, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã công bố gần 2.000 doanh nghiệp nợ thuế (nằm trong diện yêu cầu có biện pháp mạnh mẽ nhằm thu hồi nợ thuế) với tổng số tiền nợ thuế hơn 1.556 tỷ đồng.
Nổi bật nhất trong bản danh sách này là Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng đang nợ thuế tới hơn 35 tỷ đồng và đã bị Chi cục Thuế quận 7 cưỡng chế bằng cách thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Tiếp đến là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Cotec, với số tiền nợ thuế là hơn 29 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp này đã bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng có số tiền nợ thuế hàng chục tỷ đồng như: Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt Việt Nam (trụ sở 23-25 Trần Nhật Duật, quận 1) nợ 27,5 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Bất động sản Khải Hoàn Land (trụ sở tại quận 7) nợ hơn 27,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thương mại Sản xuất Nhựt Thành (trụ sở tại huyện Bình Chánh) nợ hơn 17,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Sài Gòn nợ gần 11 tỷ đồng; Công ty Cổ phần dịch vụ sàn địa ốc Thăng Long nợ gần 10 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng thương mại Nam Trung nợ 4,3 tỷ đồng...
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản phải có nghĩa vụ nộp thuế.
Trước đó, vào giữa tháng 7-2018, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố danh sách hàng ngàn doanh nghiệp nợ đọng thuế. Trong đó có hơn 30 doanh nghiệp nợ trên 10 tỷ đồng. Có thể kể như Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương nợ 33,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thanh Niên nợ 33,1 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông nợ 13,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng giao thông Đức Hạnh nợ 11 tỷ đồng…
Hay một số doanh nghiệp khác cũng có số nợ thuế không nhỏ như Công ty Địa ốc Đất Lành nợ 4,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Dịch vụ sàn giao dịch địa ốc Thăng Long nợ 9,6 tỷ đồng; Công ty TNHH TM Xây dựng Nam Trung nợ 4,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng Nam Bờ Đông nợ 2,2 tỷ đồng…
Tính đến hết tháng 8-2018, kết quả thu nợ thuế của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đạt cao, nhưng số nợ phát sinh cũng tăng khá mạnh. Trong 8 tháng qua, Cục Thuế đã thu nợ được 4.448 tỷ đồng, đạt 58,66% số nợ 2017 chuyển sang.
Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 2.580 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 1.868 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số nợ có khả năng thu (số tiền thuế nợ đến 90 ngày và số tiền thuế nợ trên 90 ngày) đến ngày 31-8-2018 là 11.511 tỷ đồng, tăng 51,82% so với thời điểm 31-12-2017.
Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh phân tích, tổng số nợ thuế trên, nợ thuộc các khoản thuế, phí chiếm hơn 1/2, với 6.104 tỷ đồng, tăng so với thời điểm 31-12-2017 là 2.423 tỷ đồng, tương đương tăng 65,81%.
Đáng nói, các khoản nợ liên quan đến đất đai là 1.907 tỷ đồng, tăng so với thời điểm 31-12-2017 là 744 tỷ đồng, tương đương tăng 64%. Tiền phạt, tiền chậm nộp là 3.264 tỷ đồng, tăng so với thời điểm 31-12-2017 là 569 tỷ đồng, tương đương tăng 21,09%.
Theo lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, có tình trạng nợ thuế gối đầu của các doanh nghiệp. Tức là doanh nghiệp nợ quá hạn nhưng chưa đến mức 90 ngày để không bị cưỡng chế và chấp nhận trả tiền phạt chậm nộp thuế 0,03%/ngày.
Tính ra, tiền phạt chậm nộp thuế tương đương 0,9%/tháng, thấp hơn lãi suất vay ngân hàng và doanh nghiệp không phải đáp ứng các điều kiện vay. Có thể nói, mức phạt giảm đã không đủ sức răn đe các doanh nghiệp chưa chấp hành việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách Nhà nước. Đó cũng là một trong những lý do gia tăng số doanh nghiệp bất động sản nợ thuế.
Bên cạnh đó, hiện các ngân hàng đang siết chặt vốn vay đối với lĩnh vực bất động sản, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng sẵn sàng nợ thuế, chịu phạt để lấy vốn làm ăn (như kể trên thì khoản nợ thuế liên quan đến đất đai là 1.907 tỷ đồng, tăng 64%).
Với những thực tế kể trên, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đánh giá trong số nợ có khả năng thu, đối với các khoản nợ dưới 90 ngày, cơ quan thuế chỉ có thể đôn đốc thu nợ bằng các biện pháp: gọi điện thoại, gửi tin qua SMS, ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền chậm nộp.
Đối với các khoản nợ trên 90 ngày, cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Hiện tại, các doanh nghiệp có số nợ lớn Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đang quản lý hầu hết đã áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng hình thức thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng trở lên, nhiều trường hợp đề nghị rút giấy phép kinh doanh.
Khuyến nghị doanh nghiệp không nên để lâm vào tình trạng bị khởi tố
Để xử lý, thu hồi số nợ thuế trên, theo lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, hiện nay cơ quan thuế vẫn đang tiếp tục phân loại các khoản nợ thuế theo từng loại để xử lý, như: nợ khó có khả năng thu, nợ có khả năng thu, nợ chờ xử lý, nợ chờ xóa…
Theo đó, tùy mức độ nặng nhẹ mà cơ quan thuế có thể cho doanh nghiệp nộp dần, hoặc yêu cầu ngân hàng trích thẳng tiền từ tài khoản doanh nghiệp cho cơ quan thuế; hoặc ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn, đề nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép kinh doanh…
Đối với các doanh nghiệp nợ chây ỳ, cơ quan thuế sẽ nhóm lại theo ngành nghề và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để đốc thúc thu. Do đó, liên tiếp trong tháng 7 và tháng 8-2018, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã công khai danh sách gần 1.600 doanh nghiệp nợ thuế, với tổng số nợ gần 1.900 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, việc công khai thông tin doanh nghiệp nợ thuế sẽ được thực hiện thường xuyên theo định kỳ hàng tháng, trước khi áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.
Để tránh những hệ lụy phức tạp, doanh nghiệp không nên để lâm vào tình trạng bị khởi tố vì trốn thuế. (Hình minh họa).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chiếm dụng thuế thì việc chiếm dụng để lấy vốn sản xuất kinh doanh diễn ra khá phổ biến. Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn sản xuất - kinh doanh dẫn đến việc chây ỳ, khất nợ thuế để có vốn tiếp tục đầu tư.
Bên cạnh đó, ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế, trong thời gian qua, có không ít trường hợp nợ thuế đất do vướng mắc khâu thẩm định, xác định giá trị tiền sử dụng đất làm đúng, hồ sơ vẫn bị ngâm, lãnh đạo không dám ký. Chẳng hạn như tại TP Hồ Chí Minh, trước đây việc này chỉ có Sở Tài chính lo chính, nay có thêm sự tham gia của Sở Tài nguyên - Môi trường và Hội đồng thẩm định giá đất thành phố.
Thông thường, các bước thủ tục doanh nghiệp phải thực hiện là Sở Tài nguyên - Môi trường xác định phương án giá đất. Để thực hiện việc này, Sở Tài nguyên - Môi trường phải tổ chức đấu thầu và chọn đơn vị thẩm định giá có chi phí thấp nhất.
Khi đơn vị thẩm định đưa ra được giá đất theo giá thị trường sẽ trình lên sở là Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt. Cuối cùng, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố phê duyệt. Khi đó, doanh nghiệp mới được đi đóng thuế.
Vì phải qua ba cửa như thế nên thời gian bị kéo dài hơn rất nhiều. Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 100 dự án chưa thể đóng tiền sử dụng đất, với số tiền hàng ngàn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp trong số đó "xin" được đóng tiền sử dụng đất tạm tính để có thể làm các thủ tục tiếp theo, khi có con số chính thức doanh nghiệp sẽ đóng thêm hoặc được trả lại. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng bởi không có quy định nào cho phép nên chỉ còn cách chờ đợi.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, mục đích của quy định trên là muốn có cơ chế kiểm tra chéo để có một con số chính xác nhất, tránh gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, để hoàn thành được thủ tục này, doanh nghiệp phải mất từ 1 - 3 năm mới đóng xong tiền sử dụng đất.
Thời gian kéo dài dẫn đến quá nhiều rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là thị trường địa ốc đầy biến động. Giả sử vào thời điểm thẩm định, giá đất rất cao, nhưng sau đó 2 năm mới có kết quả, lúc này, thị trường khủng hoảng giảm, dẫn đến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn.
Riêng việc Cục Thuế TP Hồ Chí Minh "bêu tên" doanh nghiệp bất động sản nợ thuế, theo ông Lê Hoàng Châu đánh giá là hành động bình thường của cơ quan thuế. Bởi Luật Quản lý thuế cho phép cơ quan thuế công bố danh sách doanh nghiệp nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH).
"Đối với các doanh nghiệp bất động sản nợ thuế, nợ BHXH, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đã có khuyến nghị họ phải tuân thủ pháp luật, trong đó có nghĩa vụ nộp thuế (trong xây dựng thương hiệu thì uy tín là vô cùng quan trọng, và trong đó nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước là bắt buộc phải tuân thủ (chưa kể nghĩa vụ với người lao động phải đóng BHXH đầy đủ và nghĩa vụ với khách hàng của mình)", ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Trong trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn thuế hoặc không nộp BHXH cho người lao động thì theo quy định có thể bị khởi tố. Do đó, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đã khuyến nghị doanh nghiệp không nên để lâm vào tình trạng bị khởi tố vì lý do trốn thuế hay nợ đọng thuế, không nộp tiền BHXH…, nhằm tránh những hệ lụy phức tạp về sau.