Nhật sắp "làm giàu" cho các nước Đông Nam Á
Những nỗ lực của Nhật Bản để thúc đẩy tăng trưởng sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho các nước Đông Nam Á. Nhu cầu từ nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này tăng sẽ thúc đẩy sản xuất ở các nước đồng thời các công ty Nhật Bản với nguồn vốn giá rẻ trong nước sẽ tăng cường đầu tư trong khu vực.
Theo nhận định của các ngân hàng HSBC và Credit Suise, các nước Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi nhiều từ chính sách nới lỏng tiền tệ và kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 115 tỷ USD (10,3 nghìn tỷ yên) của Thủ tướng Shinzo Abe. Ông Abe vừa có chuyến công du Đông Nam Á, và Việt Nam là nước ông đến thăm đầu tiên trên cương vị Thủ tướng.
“Làn sóng vốn rẻ sẽ khiến các công ty và ngân hàng Nhật Bản tăng cường đầu tư và mở rộng sản xuất ở Đông Nam Á. Điều này sẽ thúc đẩy giá bất động sản leo cao, đầu tư và tiêu dùng tăng trở lại, góp phần duy trì mức tăng trưởng cao của khu vực này năm 2013”, chuyên gia Frederic Neumann của HSBC cho biết.
Abe đang thúc giục ngân hàng trung ương Nhật để vực dậy nền kinh tế đã trải qua 3 lần suy thoái trong 5 năm. Trong những năm đầu 1990, chính những nguồn tiền đầu tư từ Nhật Bản để châm ngòi cho sự bùng nổ kinh tế của khu vực Đông Nam Á.
Những nỗ lực của Nhật Bản để thúc đẩy tăng trưởng sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho các nước Đông Nam Á.
Chính sách táo bạo
Vị Thủ tướng thứ 7 của Nhật Bản trong vòng 6 năm qua đã kêu gọi thực hiện “chính sách tiền tệ táo bạo” để ngăn ngừa giảm phát và khiến đồng yên yếu đi.
Jason Mortimer, chiến lược gia của JPMorgan Chase cho biết “Không chỉ Mỹ mới ráo riết thực hiện nới lỏng mà cả Nhật Bản cũng tham gia cuộc chơi này. Sự giảm giá của các đồng tiền chính này sẽ gây áp lực với thị trường tiền tệ, đặc biệt là ở các nước mới nổi, nơi mà nhiều đồng tiền có giá thấp hơn thực tế. Đây là một cơ hội đầu tư rất hấp dẫn”.
Những nước được lợi sẽ là những nước vừa là cung cấp vừa tiêu dùng hàng hoá Nhật Bản, trong khi những nước thua thiệt sẽ là những nước có hàng hoá xuất khẩu tương tự và cạnh tranh với Nhật Bản.
Hàn Quốc là nước chịu thiệt hại hơn cả, bởi có hàng xuất khẩu tương tự và cạnh tranh với Nhật, chủ yếu trong ngành công nghệ, vận tải và sản xuất ô tô. Hàn Quốc sẽ chịu thiệt hại khi đồng yên yếu khiến hàng điện tử, ô tô xuất khẩu của Nhật Bản cạnh tranh hơn.
Chính sách kích thích và đồng tiền yếu của Nhật cũng mang lại một số rủi ro. Ngân hàng ANZ cảnh báo đồng yên yếu có thể khiến chi phí nhập khẩu hàng hoá vào Nhật Bản cao hơn. Các nước xuất ròng vào Nhật như Malaysia, Philippines và Indonesia sẽ bị ảnh hưởng xấu, trong khi các vùng nhập khẩu ròng hàng Nhật như Hồng Kong, Thái Lan, Đài Loan sẽ được lợi.
Nissan Motor, hãng sản xuất ô tô lớn thứ hai Nhật Bản, đã cam kết đầu tư 370 triệu USD để xây nhà máy thứ hai tại Thái Lan. Tháng 11 vừa qua, tập đoàn Tokyo cũng đã công bố mở rộng sản xuất ở Indonesia. Các giao dịch thương mại giữa Nhật và Đông Nam Á đang tăng lên cùng với việc thị trường Trung Quốc bị suy giảm do cuộc tranh chấp biển đảo giữa hai bên.
Trong 11 tháng năm 2012, xuất khẩu của Nhật Bản sang 10 nước thuộc ASEAN chiếm 16,2% xuất khẩu của nước này (tăng 1,3 điểm phần trăm so với năm trước). Trong khi đó,thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Nhật Bản, đã giảm từ 19,7% xuống 18,1%.