Nhật Bản: Gom đất nông nghiệp bỏ hoang vào ngân hàng

Đối mặt với tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang ngày càng nhiều, một phần do ruộng đất nông nghiệp nằm trong tay những người không muốn trồng trọt, chính phủ Nhật Bản trong vài năm qua đã thực hiện nhiều biện pháp kích thích sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực, trong đó có biện pháp lập một ngân hàng đất nông nghiệp.

Nhật Bản: Gom đất nông nghiệp bỏ hoang vào ngân hàng - 1

Bắt đầu từ năm 2014, chính phủ Nhật Bản đưa vào hoạt động Tổ chức Quản lý Trung gian Đất nông nghiệp (FIAO) tại tất cả các tỉnh nhằm đẩy mạnh sản xuất đất nông nghiệp. FIAO, còn gọi là “Ngân hàng củng cố đất nông nghiệp” hoạt động như một trung gian giữa người thuê và người sở hữu đất nông nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động cho thuê đất nông nghiệp.

FIAO cũng giúp giảm tình trạng canh tác manh mún thông qua các bước như thuê đất nông nghiệp của nông dân hoặc chủ đất và gộp các thửa ruộng nhỏ thành khu vực rộng lớn hơn để cho các nông dân thương mại, công ty nông nghiệp hoặc doanh nghiệp thuê.

Theo số liệu gần đây nhất (năm 2010) của Bộ Nông Lâm Thủy sản (MAFF), các nông dân thương mại đang sử dụng khoảng 50% đất trồng trọt được ở Nhật Bản, và chính phủ Nhật đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này lên 80% trong 10 năm tới. Nhật Bản cũng kỳ vọng FIAO có thể khôi phục 400.000 ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang và ngăn chặn tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang thêm.

Về việc lựa chọn đất, FIAO hợp tác chặt chẽ với ủy ban nông nghiệp cấp tỉnh (gồm các thành viên do nông dân bầu ra hoặc hợp tác xã địa phương giới thiệu) để thực hiện các cuộc khảo sát về chủ sở hữu đất nông nghiệp hiện tại và tìm hiểu xem họ có muốn cho thuê đất hay không. Nếu các cuộc khảo sát không tìm ra những người muốn tham gia, ủy ban nông nghiệp khi đó có quyền sử dụng bất kỳ mảnh đất nào đang có chủ nhưng không được canh tác. Nếu không biết người thừa kế đất bỏ hoang là ai, ủy ban nông nghiệp sẽ phát thông báo công khai và lấy lại quyền sử dụng mảnh đất đó, với sự cho phép của chính quyền tỉnh.

Nhật Bản rất kỳ vọng vào mô hình này, nhưng FIAO cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Ví dụ, FIAO phải trả tiền thuê đất cho chủ đất tự nguyện đăng ký tham gia chương trình, cho dù mảnh đất đó chưa có ai thuê. Điều này có nguy cơ dẫn đến gánh nặng tài chính cho quỹ của chương trình. Ngoài ra, Bộ Nông Lâm Thủy sản cũng yêu cầu các ủy ban nông nghiệp hợp tác với FIAO, nhưng bản thân nhiều thành viên của các ủy ban đó là nông dân, nên mục tiêu của họ có thể khác mục tiêu của chương trình. Chính quyền tỉnh cũng có thể từ chối đưa mảnh đất nào đó vào chương trình của FIAO nếu quan điểm của hai bên trái ngược nhau.

Ngoài ra, theo Đạo luật Đất Nông nghiệp Nhật Bản, các nông dân có quyền chuyển đất nông nghiệp thành đất thổ cư và bán chúng cho các dự án xây dựng nhà ở nếu giá bất động sản hấp dẫn hơn. Điều  này có thể hạn chế số lượng đất mà FIAO gom được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trúc Quỳnh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN