Nhân dân tệ có thể mất giá thêm 2,8%
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể sẽ trượt giá tiếp khoảng 2,8% so với đồng USD cho đến cuối năm nay.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể sẽ trượt giá tiếp khoảng 2,8% so với đồng USD cho đến cuối năm nay 2015, CNN trích dự đoán của một số nhà kinh tế sau khi khảo sát tình hình đồng nhân dân tệ thời gian qua, cho biết.
Các chuyên gia dự đoán, đến cuối năm nay, đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục rớt giá.
36 tỉ USD “chạy” khỏi Trung Quốc
Kể từ tháng 1 năm nay, đồng nhân dân tệ đã giảm 2,6% so với đồng đô la, khiến các nhà đầu tư e ngại, dẫn đến cơn lốc bán tháo thị trường chứng khoán toàn cầu. Bồi thêm cho khủng hoảng tiền tệ, ngân hàng nhân dân Trung Quốc bất chợt nới biên độ tỷ giá đồng nhân dân tệ hàng ngày thêm 2%. Động thái này làm thị trường tiền tệ hỗn loạn, dẫn đến đồn đoán về khả năng tiền tệ có thể tiếp tục giảm.
Với tình hình trên, một trong số các nhà kinh tế cho biết, đồng nhân dân tệ có thể giảm tiếp 7,5 điểm so với đồng đô la cho đến cuối năm nay - tương đương sụt giảm 17,8% so với mức giá hiện nay. Tuy nhiên, có vài dự đoán khác về đồng nhân tệ năm 2016 lại ít bi kịch hơn. Phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng, đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục trượt giá vì Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh giá cả trước tình hình chỉ số phát triển kinh tế chậm lại.
Nhà kinh tế Jianguang Shen, đến từ Sàn Chứng khoán Mizuho cho biết: “Nếu đồng nhân dân tệ còn trượt giá, nó sẽ châm ngòi cho cuộc đua rút tiền mặt và tiếp tục khiến nền kinh tế ảnh hưởng thêm nữa”. Hiện nay, một luồng tiền lớn “chảy máu” khỏi Trung Quốc tới những nơi được cho là an toàn hơn - nửa đầu năm nay lượng tiền trị giá 36 tỉ USD đã chảy khỏi nước này.
Theo Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs, lượng tiền thất thoát khỏi Trung Quốc trong nửa cuối năm nay sẽ còn cao hơn. Hơn nữa, trong bối cảnh bất động sản sụt giá, thị trường chứng khoán biến động (giảm 40% kể từ tháng 6 vừa rồi), hơn cả là đồng nhân dân tệ mất giá, không có lý do gì các nhà đầu tư ở lại Trung Quốc.
Trấn an và cải tổ
Có thể đã đoán trước tình hình này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vội vã trấn an các nhà đầu tư quốc tế rằng: Kinh tế Trung Quốc đang “đi đúng hướng”, đồng thời khẳng định Bắc Kinh chưa bao giờ có ý định khởi động cuộc chiến tiền tệ. Tại “Summer Davos” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Đại Liên, Trung Quốc, ông Lý khẳng định: “Mặc dù tốc độ phát triển và tình hình kinh tế Trung Quốc có vẻ khiêm tốn nhưng nền kinh tế của chúng tôi vẫn ổn định, đi theo hướng tích cực”. Ông Lý cũng khẳng định: “Chúng tôi đang đối mặt với một số khó khăn nhưng nhìn chung, chúng tôi có nhiều cơ hội hơn thách thức”.
Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 7,3%, thấp nhất trong 25 năm qua; còn trong quý I, II năm nay giảm xuống còn 7%. Từ đó, các chỉ số kinh tế ảm đạm liên tục xuất hiện. Từ giữa tháng 6 đến nay, chỉ số trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm hơn 30%. Bắc Kinh đưa ra nhiều biện pháp tái thúc đẩy tăng trưởng như chi 234 tỷ USD ngăn chặn sự sụt giảm của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ông Gordon Chang - một chuyên gia phân tích độc lập cho rằng, điều này chỉ làm giảm nhịp độ suy giảm của nền kinh tế mà không thể đảo ngược được xu thế, theo AFP.
Theo Giáo sư Zhang Jun, thuộc đại học Fudan Thượng Hải, Chính phủ vẫn còn khả năng hành động và sẽ phụ thuộc vào cách thức sử dụng các phương tiện có trong tay. Ông Zhang cho rằng, cần phải giảm bớt nợ cho các doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Trong một diễn biến khác, ngày 14/9, Cơ quan quản lý tài sản quốc gia Trung Quốc (SASAC) thông báo chuẩn bị tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước và đóng cửa các chi nhánh hoạt động không hiệu quả. Ông Zhang Xiwu, Phó chủ tịch SASAC tuyên bố những đơn vị sản xuất nào làm ăn thua lỗ sẽ bị giải tán. Trước đó, Bắc Kinh công bố kế hoạch cải tổ doanh nghiệp nhà nước để “nâng cao hiệu quả” hoạt động. Một trong những giải pháp là kêu gọi tư nhân đầu tư vào các tập đoàn nhà nước, tham gia vào hội đồng quản trị để “giới hạn các hành vi lạm dụng quyền lực” của ban lãnh đạo, theo Xinhua.