Nhà ở xã hội “gặp khó”
Sau nhiều năm triển khai, nhà ở xã hội với hàng loạt ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia xây dựng, cho người mua nhà, và với hàng loạt các chính sách liên tục được sửa đổi bổ sung những tưởng sẽ giải được bài toán an cư cho những người có thu nhập thấp.
Thế nhưng thực tế hiện nay, doanh nghiệp không còn mặn mà, ngay cả đến người dân cũng đang dần thờ ơ với loại hình nhà ở này. Hiện nay theo báo cáo của các địa phương có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích trên 8,4 triệu m² đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.
Vẫn là bài toán về vốn
Tại Hà Nội, một trong những dự án nhà ở xã hội gây lùm xùm thời gian qua là dự án nhà ở xã hội Bright City tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức.
Trong suốt quá trình thi công từ tháng 10-2015 đến 15-12-2016, dự án rất nhiều lần chậm, dừng thi công. Cụ thể, ngày 20-12-2016, chủ đầu tư ra thông báo quyết định dừng thi công tòa A3 với lý do thiếu vốn, đồng thời, yêu cầu các hộ mua nhà tại toà A3 chuyển sang A1.1 và A2 để đảm bảo nguồn lực tiến độ của dự án.
Nhiều khách hàng đã đồng ý với phương án trên và chuyển từ căn hộ từ tòa A3 sang căn hộ thuộc tòa A1.1.
Tại thời điểm cuối năm 2017 tức gần thời điểm bàn giao nhà, tòa nhà A3 đã dừng hẳn thi công ở tầng thứ 17, 3 tòa còn lại gồm A11, A12, A2 mới hoàn thiện xong phần khung.
Đến giữa tháng 1- 2018 toàn bộ công trình đã dừng hẳn thi công. Lý giải cho việc này, đại diện chủ đầu tư cho biết do chính sách về gói vay 30.000 tỷ đồng của Chính phủ thay đổi, chấm dứt đột ngột nên chủ đầu tư không tiếp tục được vay ưu đãi phần còn lại, cơ chế cho vay tiếp theo không thực hiện được theo hợp đồng tín dụng đã ký với BIDV Tây Hà Nội trước đây; dẫn đến dự án khó khăn về vốn và không xây dựng tiếp được.
Nếu không “cứu”, hàng loạt dự án nhà ở xã hội không biết bao giờ mới về đích.
Thậm chí có những dự án đã hoàn thiện, nhưng bán hàng cũng lay lắt vì khách hàng không được vay vốn ưu đãi như dự án nhà ở xã hội The Vesta (Phú Lãm-Hà Đông).
Ông Nguyễn Kim Giang, Tổng Giám đốc Công ty CP Hải Phát cho biết, thời điểm dự án hoàn thiện và bán hàng, có rất nhiều khách hàng đã nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở dự án The Vesta nhưng không dám ký hợp đồng mua bán.
Theo giải thích của ông Giang có đến 90% khách hàng đăng ký mua nhà ở dự án này đăng ký vay vốn ưu đãi từ gói 30 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng gói khép lại đúng vào thời điểm chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán với khách hàng nên khách hàng không dám ký nữa.
“Nếu không được vay vốn ưu đãi thì chắc chắn họ sẽ không đủ khả năng tài chính để mua nhà bởi đa phần đều là những người có thu nhập thấp. Họ là những người đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở nhưng lại không đủ khả năng ngay lập tức. Nếu phải vay với lãi suất thương mại thì không thể mua nổi”, ông Nguyễn Kim Giang cho biết.
Chính vì thế, dù hoàn thành từ năm 2017 với hàng nghìn căn hộ nhưng dự án nhà ở xã hội The Vesta Phú Lãm vẫn đang gặp không ít khó khăn trong việc bán hàng.
Không “cứu”, hàng loạt dự án nguy cơ chết yểu
Để tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng cho bổ sung thêm 3.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án nhà ở xã hội đến năm 2020 nhằm đẩy nhanh tiến độ 206 dự án đang thiếu vốn.
Theo báo cáo của các địa phương có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích trên 8,4 triệu m² đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, đến thời điểm này, việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo lý giải của Bộ Xây dựng, có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của nhà ở xã hội hiện nay.
Theo Bộ Xây dựng, tại các đô thị có lượng lao động trẻ, dân nhập cư lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nhưng cung thiếu hoặc có nhưng quá xa trung tâm, đi lại khó khăn nên chưa tạo sức hút.
Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 2 triệu lao động ở trọ nên nhu cầu mua nhà, thuê nhà với giá vừa phải là rất lớn, chủ yếu là người trẻ, khả năng tài chính có hạn, nên sản phẩm với giá bán từ 350 - 600 triệu đồng/căn luôn đảm bảo tính thanh khoản với điều kiện hạ tầng kết nối với khu vực chung quanh tương đối hoàn thiện.
Tuy nhu cầu lớn nhưng hiện nay nhiều chủ đầu tư không mấy mặn mà với phân khúc này. Một vấn đề cũng được Bộ Xây dựng đề cập là việc chính quyền tại một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội.
Chủ đầu tư chưa chủ động đầu tư xây dựng loại nhà ở có diện tích nhỏ, giá thấp. Cơ cấu nguồn cung căn hộ nhà ở bị mất cân đối, các hộ nghèo, thu nhập thấp không đủ khả năng và điều kiện để cải thiện chỗ ở.
Cùng với đó, một nguyên nhân của việc chậm trễ này do vốn ngân sách bố trí cho nhà ở xã hội đang bị tắc. Chính những khó khăn về nguồn vốn, mà cụ thể là tín dụng ưu đãi dành cho chủ đầu tư lẫn người mua nhà, đã khiến nhiều người không mấy mặn mà với phân khúc nhà ở xã hội.
Theo đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trái ngược với tình hình trước năm 2013, nhiều doanh nghiệp kiến nghị được tham gia xây dựng căn hộ nhà ở xã hội để hưởng các chính sách ưu đãi từ nhà nước cũng như đón đầu nhu cầu khá lớn từ phân khúc này, thì nay không ít dự án xin chuyển ngược sang nhà ở thương mại.
Không chỉ tại Hà Nội mà nhiều dự án nhà ở xã hội tại TP Hồ Chí Minh cũng lâm vào cảnh thiếu vốn, xây dựng đình trệ. Bố trí vốn ngân sách cho tín dụng nhà ở xã hội là vấn đề cấp thiết để tháo gỡ vướng mắc phát triển nhà ở cho đối tượng chính sách và an sinh.
Do đó, để giải quyết việc thiếu vốn thực hiện các dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng cho bổ sung thêm 3.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án nhà ở xã hội đến năm 2020 nhằm đẩy nhanh tiến độ 206 dự án đang thiếu vốn. Bên cạnh đó, cấp cho các tổ chức tín dụng để bù lãi suất cho vay trong năm 2018 là 3.431 tỷ đồng.