Nhà ở xã hội đang mất dần hấp dẫn?

Khi số lượng các dự án nhà ở thương mại xin chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội (NƠXH) ngày càng tăng thì người dân ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn. Song, bên cạnh vấn đề giá thì các thủ tục giấy tờ, sắp tới lại thêm ràng buộc khi câu chuyện tiền đặt cọc được áp dụng… đang khiến loại nhà ở này mất dần tính hấp dẫn.

Thực tế hiện nay, người dân muốn đăng ký mua NƠXH sẽ phải hoàn tất một bộ hồ sơ với đủ loại các giấy tờ như chứng minh thu nhập trả nợ, xác nhận của chính quyền địa phương chưa có nhà ở, chứng minh của cơ quan về mức thu nhập... Những giấy tờ này tưởng chừng có vẻ đơn giản nhưng thực tế để hoàn thiện đúng đủ các giấy tờ đó thì người dân phải tốn không ít công sức, thời gian.

Trong khi đó, nếu mua nhà ở một dự án thương mại thì thủ tục rất đơn giản, nhất là hiện nay khi thị trường đang “đỏ mắt” tìm người mua, giá thành các dự án nhà thương mại đang giảm mạnh, cùng với nhiều ưu đãi khác sẽ khiến người có nhu cầu về nhà ở xoay chiều, đổi ý.

Theo giới BĐS, nếu được hưởng các ưu đãi về chính sách nhà ở xã hội như tiền sử dụng đất, thuế, giá nhà ở xã hội có thể rẻ hơn nhà ở thương mại cùng loại khoảng trên 2 triệu đồng/m2. Nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội đang dự kiến đưa ra sản phẩm có mức giá bán khoảng 10-15 triệu đồng/m2, một mức giá cũng không phải là rẻ so với các dự án thương mại đang bán trên thị trường.

Nhà ở xã hội đang mất dần hấp dẫn? - 1

Nhà ở thu nhập thấp ở khu đô thi Sài Đồng (Hà Nội). Ảnh: Minh Thư

Ông Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã từng nhận định “Về nguyên tắc thì giá nhà ở xã hội luôn luôn phải thấp hơn giá nhà ở thương mại khi có cùng chất lượng, cùng điều kiện hạ tầng. Nhưng ở nhiều địa phương tại Việt Nam, cũng đã xuất hiện tình trạng giá nhà ở xã hội cao hơn giá nhà ở thương mại khi cùng điều kiện.

Tình trạng này xảy ra vì nguyên nhân cơ chế quản lý đối với NƠXH còn có nhiều yếu tố giống với thời kỳ bao cấp, chưa sát với những quy luật về giá trị và cạnh tranh của thị trường, trong khi giá nhà ở thương mại luôn luôn có xu hướng giảm vì quá trình cạnh tranh giữa các chủ đầu tư.

Do đó, nếu không khéo, NƠXH sẽ đánh mất đi lợi thế về giá của mình, để nhà thương mại giá rẻ có cú vượt lên, cạnh tranh quyết liệt.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu 18 triệu mét vuông nhà ở thu nhập thấp như đã đề ra trong 6 năm tới, bên cạnh các chính sách hỗ trợ cho người mua, phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm, cần chú trọng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng các công trình nhà ở nhằm hạ giá thành, nới rộng khả năng tiếp cận dịch vụ nhà ở của người lao động.

Bên cạnh đó, sắp tới Bộ sẽ ban hành quy định cho phép các doanh nghiệp xây dựng NƠXH được phép nhận đặt cọc của người mua nhà dưới hình thức thỏa thuận dân sự cũng đang khiến người có thu nhập thấp bức xúc, không đồng tình. Nếu áp dụng việc đặt cọc mua NƠXH thì điều này cũng sẽ tạo rào cản cho những người muốn tiếp cận loại hình nhà ở này.

Mặt khác, thời gian gần đây tại một số dự án nhà thu nhập thấp trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra tình trạng người dân đòi trả lại nhà như: dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông), nhà thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm)… Nếu như việc xây dựng các dự án NƠXH hoặc việc chuyển đổi từ các dự án thương mại một cách ồ ạt, không có quy hoạch đồng bộ các tiện ích dịch vụ xung quanh thì rất có thể tình trạng trả nhà NƠXH sẽ lại tái diễn.

Đồng thời, nếu càng ngày càng thêm thủ tục, rào cản để người thu nhập thấp tiếp cận được NƠXH thì nguy cơ các dự án làm ra không người mua là rất cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thư (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN