Nhà ở xã hội: Cứu cánh cho BĐS

Trong khi các dự án căn hộ thương mại trầy trật thì giai đoạn này, các dự án nhà ở xã hội đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, với số lượng tăng mạnh trong vòng 5 năm tới. Đây là cánh cửa mở ra cho người thu nhập thấp được sở hữu nhà.

Những ưu đãi thiết thực

Mới đây, Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM đã ký kết "Chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030". Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2012-2015 là 2,7 triệu m2. Nếu tính trung bình mỗi năm, thành phố sẽ xây dựng 675.000 m2 sàn nhà ở.

Riêng tại TP.HCM, chương trình phát triển nhà ở nhắm đến việc giải quyết chỗ ở cho 3 nhóm đối tượng là học sinh - sinh viên; nhà ở để bán, cho thuê hoặc thuê mua đối với người có thu nhập thấp tại đô thị; nhà ở cho công nhân. Tổng số nhà ở thành phố sẽ đầu tư, hỗ trợ cho 3 đối tượng này đến năm 2015 là 2,7 triệu m2 sàn xây dựng.

Để thực hiện chương trình này, Bộ Xây dựng và TP.HCM sẽ phối hợp 7 nội dung hành động. Cụ thể, thành phố sẽ đẩy nhanh việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, rà soát, bố trí, chuyển mục đích các dự án nhà ở thương mại chậm tiến độ để phát triển nhà ở xã hội và công bố công khai danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư; tiếp tục rà soát quỹ đất hơn 20% đối với các dự án thương mại trên địa bàn để giao cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho hay, thành phố hiện có gần hai triệu hộ dân với khoảng 8,5 triệu nhân khẩu. Với tốc độ đô thị hóa lên tới gần 75% và mật độ dân số cao, chiến lược nhà ở còn nhấn mạnh về quy hoạch, xây dựng và phát triển nhà ở theo xu hướng bền vững. Năm 2011, TP.HCM đã đạt chỉ tiêu 17,5 m2/người trong mục tiêu phát triển nhà ở trên địa bàn. Thành phố tiếp tục rà soát quỹ đất 20% đối với các dự án thương mại để giao cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Huy động cả hàng tồn kho

Theo khảo sát trên thị trường, số căn hộ tồn kho trong các dự án còn khá nhiều. Đối với những dự án đã đầu tư sẽ thống kê tổng số căn hộ, số căn hộ tồn đọng và cân đối với lộ trình phát triển kinh tế - xã hội, dân số của từng địa phương, sau đó sẽ quyết định cho điều chỉnh công năng thành nhà ở xã hội một số dự án để tránh lãng phí. Doanh nghiệp sẽ được miễn tiền sử dụng đất cho phần dự án được điều chỉnh thành nhà ở xã hội.

Chuyển dự án nhà ở có diện tích lớn thành nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của những người thu nhập thấp, không đủ tiền mua nhà theo giá thị trường là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá: "Giá nhà càng rẻ càng tốt, nhưng phải ở mức vừa phải để doanh nghiệp không bị lỗ và người dân có thể chấp nhận được. Điều kiện là chất lượng nhà ở phải an toàn, bảo đảm sinh hoạt tối thiểu của người dân, diện tích hợp lý, không quá chật chội. Hiện Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để đề xuất quy mô phù hợp với khả năng thanh toán của người dân" .

Số liệu thống kê cho thấy, tại TP.HCM hiện có khoảng 20.000 căn hộ tồn đọng, chưa có người mua. Căn hộ trên 70m2 hiện nay hầu như không bán được, do đó về kiến nghị điều chỉnh quy định tỷ lệ diện tích căn hộ 1-2-1 trong dự án (25% căn hộ loại A từ 50-70 m2, 50% căn hộ loại B từ 75-100 m2, 25% căn hộ loại C trên 105 m2).

Trong buổi làm việc mới đây với các doanh nghiệp bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và sẽ ban hành thông tư để điều chỉnh. Sắp tới sẽ có thí điểm cho xây dựng những căn hộ bé nhất sẽ là 25 m2 không chỉ ở các dự án nhà ở xã hội mà cả ở dự án nhà ở thương mại.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của thị trường cũng như để tự cứu mình, nhiều doanh nghiệp đã liều lĩnh cho ra những dòng sản phẩm mới mặc dù quy định về mặt pháp luật chưa rõ ràng, như căn hộ diện tích nhỏ, sở hữu căn hộ có thời hạn... Tuy nhiên, sau khi được Bộ trưởng Bộ xây dựng bật đèn xanh, nhiều doanh nghiệp như cởi được tấm lòng.

Cụ thể, Công ty TNHH Lê Thành vừa cho ra đời sản phẩm căn hộ thuê ổn định 15 năm với giá 240 triệu đồng/căn trả trong 5 đợt để đáp ứng người thu nhập thấp - mà thực ra là sở hữu có thời hạn. Một số doanh nghiệp chia nhỏ căn hộ để giảm giá thành, tạo thanh khoản cho thị trường...

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, TP.HCM hiện có 1.139 dự án nhà ở, trong đó có 209 dự án hoàn thành, 794 dự án đang triển khai, 136 dự án chưa triển khai hoặc tạm ngưng. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị rà soát, thống kê lại về quỹ đất phát triển nhà ở các địa phương, nhất là TP.HCM; đồng thời điều chỉnh công năng, quy mô, điều chỉnh cơ cấu dự án...

Việc hoàn thiện mô hình của quỹ tiết kiệm và phát triển nhà ở, góp phần tăng nguồn cung về tài chính cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng để giảm giá thành căn hộ nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Với việc dồn sức cho nhà ở xã hội cho thấy thời của nhà ở xã hội sẽ xuất hiện trong tương lai gần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Phong (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN