Nhà ở xã hội cho người… giàu?

Việc tăng diện tích tối đa nhà ở xã hội (NƠXH) lên 90m2 trong Dự thảo Nghị định Phát triển Quản lý Nhà ở xã hội (NƠXH) vừa được Bộ Xây dựng ban hành nhận được nhiều ý kiến phản đối của người dân. Nhiều người lo ngại, NƠXH sẽ rơi vào tay người giàu.

Người nghèo không với tới

Nhiều người dân đang có nhu cầu lớn về NƠXH lo lắng về việc tăng diện tích này sẽ làm mất cơ hội mua nhà của mình. Chị Thanh Thúy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tính toán: “Tôi đang chuẩn bị làm hồ sơ mua dự án NƠXH tại Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội). Mức giá chủ đầu tư dự kiến là 14,5 triệu đồng/m2. Như vậy, nếu không may, tôi bốc thăm phải căn hộ 90m2, căn hộ sẽ có giá hơn 1,3 tỷ đồng. Dù chỉ phải đóng 30% số tiền căn hộ, nhưng 70% số tiền còn lại vay ngân hàng cũng hơn 900 triệu đồng. Với khoản vay này, mỗi tháng gia đình tôi phải trả từ 8-9 triệu đồng tiền gốc và lãi. Điều này vượt quá khả năng thu chi của gia đình”.

Cùng tâm trạng, anh Công Minh (Hà Đông, Hà Nội) nói: “Với căn hộ diện tích lớn, ngân hàng cũng không dám cho người dân vay. Ngân hàng cho vay phải đảm bảo người dân có khả năng trả nợ. Thu nhập 9 triệu đồng/tháng, người dân mới đủ điều kiện mua NƠXH nhưng với thu nhập này không đủ trả nợ ngân hàng nếu mua phải diện tích lớn”.

“Một chương trình xây dựng NƠXH sử dụng tài chính và tài nguyên quốc gia, do đó phải tuân thủ đúng mục đích của nó. Người giàu luôn có phương tiện tạo của cải, họ sẽ tìm cách mua được những căn hộ của người nghèo. Trong khi người nghèo không đủ điều kiện tài chính thì với người giàu lại quá dễ dàng; mà ngân hàng bao giờ cũng trải thảm đỏ cho người giàu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu


Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nhu cầu căn hộ diện tích 90m2 cho NƠXH là không lớn. Việc tăng diện tích tiềm ẩn mâu thuẫn vì giá sẽ đội lên, đối tượng để mua sản phẩm này có thể không còn đúng với mục tiêu ban đầu.

“Bộ Xây dựng phải cân đối diện tích sao cho phù hợp với đúng đối tượng. Đơn cử, căn hộ NƠXH 90m² không được có ít hơn 3 phòng ngủ, phòng khách không được quá lớn, các diện tích trong căn hộ phải có tỷ lệ phù hợp với NƠXH chứ không phải bao nhiêu cũng được... Điều này thể hiện mục tiêu phục vụ người thu nhập thấp, chứ không phải người thu nhập cao. Vấn đề quan trọng là quản lý, giám sát như thế nào để những chính sách này đi vào cuộc sống một cách hiệu quả”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, theo lý giải của một lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng): Đề xuất này để đáp ứng nhu cầu ở những hộ gia đình đông người, nhiều thế hệ. Hiện, không ít gia đình có 7-8 người ở trong những căn hộ 60-70m2 là quá tải. Việc tăng diện tích phù hợp với mục tiêu tăng diện tích nhà trung bình của mỗi người dân lên gần 29m2 trong năm 2020.

Nhà ở xã hội cho người… giàu? - 1

Việc tăng diện tích NƠXH khiến người nghèo đô thị mất cơ hội mua nhà (Nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm - Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Như Ý.

“Trục lợi chính sách”?

Không chỉ người dân phản đối, ngay chính những doanh nghiệp đang làm NƠXH cũng không đồng tình với việc tăng diện tích này. Ông Nguyễn Quý Hưng, Tổng Giám đốc Cty CP phát triển nhà ở xã hội  (HUD.VN), chủ đầu tư dự án NƠXH Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi bán 3 tòa NƠXH và thấy rằng, đa số đối tượng đều có nhu cầu ở những căn hộ từ 40 - 60m2. Với diện tích như vậy, tiền trả 30% đợt 1 và 70% ngân hàng hoàn toàn hợp lý với đối tượng thu nhập thấp. Hiện, công ty đang có hàng nghìn hồ sơ không đủ điểm để mua NƠXH. Chính những đối tượng này rất tha thiết mua căn hộ diện tích nhỏ chứ không phải diện tích lớn”.

Còn ông Trần Văn Can, Chủ tịch HĐQT, Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội số 5, chủ đầu tư dự án NƠXH Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu tăng diện tích lên xây xong không ai mua thì doanh nghiệp làm NƠXH cũng chết. Lúc đó, ai cứu doanh nghiệp?”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành cho rằng: “Việc tăng NƠXH là một hình thức hợp thức hóa những dự án thương mại đã thực hiện-một hình thức trục lợi chính sách. Nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ được hưởng lợi khi chuyển đổi các căn hộ có diện tích lớn đang bị tồn kho sang NƠXH. Điều này đồng nghĩa với các dự án này sẽ nhận được nhiều ưu đãi, dễ dàng vay vốn và tiêu thụ hàng tồn kho”.

Theo tìm hiểu của PV , năm 2013, có 24 dự án thương mại đăng ký chuyển đổi sang NƠXH, nhưng đến nay, tiến độ chuyển đổi chậm do vướng mắc về diện tích lớn. Cụ thể, Hà Nội có 6 dự án với hơn 8.000 căn; TPHCM có 16 dự án với hơn 12.000 căn; Đồng Nai có khoảng 4.700 căn... chủ yếu tập trung vào các ông lớn như Tổng Cty Xuất nhập khẩu Xây dựng (Vinaconex); Tổng Cty Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị (HUD); Tập đoàn Nam Cường...

Theo ông Đực, động thái của Bộ Xây dựng trong việc tăng diện tích nhằm đẩy nhanh tiến độ và gỡ khó cho những chủ đầu tư này. Ngoài ra, ông Đực cho rằng, đáng lẽ cần phải giảm diện tích NƠXH xuống thì Bộ Xây dựng lại làm ngược lại. “Với những căn nhà khoảng 90m2, giá trị nhỏ nhất cũng đã hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, chỉ có những người có thu nhập cao mới có số tiền này để mua. Điều này cũng mất đi ý nghĩa quy định hiện hành: NƠXH thường chỉ dành cho những gia đình có thu nhập thấp, một số đối tượng chính sách”, ông Đực nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV Kinh tế (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN