Nhà ở xã hội chờ… giải cứu

Không có phân khúc xây dựng nào làm lại sướng như nhà ở xã hội (NƠXH) khi chủ đầu tư làm dự án nhận được nhiều ưu đãi. Thậm chí, khi dự án “ế”, chậm tiến độ các cơ quan chức năng lại vào cuộc bàn cách “giải cứu”.

Lại bàn “giải cứu” nhà ở xã hội

Tình trạng NƠXH “ế ẩm” diễn ra tại nhiều dự án sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng cách đây 2 năm. Thậm chí, có những dự án đã xây xong nhưng hàng trăm căn hộ cùng ở khu Hà Đông (Hà Nội) không có khách hỏi mua như NƠXH Phú Lãm và Kiến Hưng .

Còn 700 khách hàng mua NƠXH tại Dự án Tổ hợp Nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (tên thương mại là Bright City) ở xã Kim Chung (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan khi không biết bao giờ mới được nhận nhà. Lý giải về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư của dự án là Cty TNHH Bánh kẹo Thăng Long cho biết, dự án AZ Thăng Long đang triển khai theo đúng tiến độ thì gặp phải sự cố bất khả kháng lớn về chính sách là việc dừng triển khai gói vay 30.000 tỷ đồng trên toàn quốc.

Theo chủ đầu tư này, do không còn lãi suất ưu đãi nên khách hàng không còn mặn mà với dự án trong khi chủ đầu tư gặp khó khi phải vay vốn ngân hàng với lãi suất thương mại cao. Sau khi gói 30.000 tỷ đồng dừng triển khai, tính đến thời điểm này, đã gần 2 năm Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có hàng loạt văn bản hướng dẫn cho gói vay mới ưu đãi dành cho NƠXH ở Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng đến nay nguồn vốn không có, tất cả phải đợi.

Ông Vũ Kim Giang, Tổng Giám đốc Cty CP Hải Phát, chủ đầu tư dự án NƠXH Phú Lãm cho biết: “Nếu không được vay vốn ưu đãi thì chắc chắn họ sẽ không đủ khả năng tài chính để mua nhà bởi đa phần đều là những người có thu nhập thấp. Họ là những người đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở nhưng lại không đủ khả năng ngay lập tức. Nếu phải vay với lãi suất thương mại thì không thể mua nổi”.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) phân tích, hiện có rất nhiều điểm nghẽn trong chương trình phát triển NƠXH. Điểm nghẽn lớn nhất chính là nguồn vốn tín dụng, cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia NƠXH. Trong đó có việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ cho NƠXH mà chưa có nguồn vốn mới. Điểm nghẽn thứ hai là chính sách tín dụng cho NƠXH.

Nhà ở xã hội chờ… giải cứu - 1

Nhà ở xã hội Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội) ế vì thiếu vốn giá rẻ

Liên tục kiến nghị hàng loạt ưu đãi

Năm 2018, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị bổ sung tín dụng cho NƠXH. Tuy nhiên, đến nay vốn cho NƠXH trong năm 2018 vẫn chưa thể triển khai. Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, Bộ đang nghiên cứu làm sao có vốn cho NƠXH theo hướng vừa “nới” đầu ra để giải cứu những dự án bán “ế”.

Liên quan đề nghị có những biện pháp tháo gỡ, giúp đỡ người mua nhà do dự án chậm tiến độ, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết ngày 21/5/2018, UBND TP đã có văn bản gửi Thống đốc NHNN đề nghị xem xét, tháo gỡ, tạo điều kiện cho các dự án NƠXH trên địa bàn TP. Trong đó, đề nghị NHNN nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ để các ngân hàng thương mại cho các dự án phát triển NƠXH trên địa bàn TP vay vốn để thực hiện dự án, đồng thời hướng dẫn Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hà Nội xem xét cho chủ đầu tư vay vốn thương mại để tiếp tục đầu tư xây dựng dự án, tạo điều kiện giải quyết tình trạng khiếu kiện, tranh chấp kéo dài tại dự án Bright City.

Thậm chí, trong một báo cáo gửi Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội nêu một loạt những bất cập khiến NƠXH (gồm nhà để bán, cho thuê và cho thuê mua) khó phát triển trên địa bàn. UBND TP Hà Nội cũng đưa ra một số kiến nghị về cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển NƠXH. Cụ thể, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng nghiên cứu ban hành nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa, nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia, giảm gánh nặng cho ngân sách để đẩy mạnh phát triển NƠXH cho thuê, cho thuê mua, nhất là nhà ở cho công nhân, sinh viên. Nghiên cứu các mô hình đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, ví dụ phát triển mô hình liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp và đối tượng thu nhập thấp.

Theo đó, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ban đầu, hưởng lợi nhuận định mức, người dân ký hợp đồng với doanh nghiệp góp vốn và chỉ định chủ đầu tư. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đầu tư ưu đãi đặc thù theo mô hình đối tác công - tư (PPP), đồng thời tạo cơ chế hỗ trợ đầu tư từ Trung ương và nguồn vốn của thành phố để phát triển NƠXH. Ngoài ra, Hà Nội còn kiến nghị cho phép thành phố chỉ định chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH đối với các nhà đầu tư đã được lựa chọn lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500. Nghiên cứu miễn giảm thủ tục cấp phép xây dựng các công trình thuộc dự án NƠXH.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu NƠXH trên toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Nhưng theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay chỉ mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch đề ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN