Nhà ở trị giá trên 700 triệu đồng phải nộp thuế tài sản?

Nếu nhà ở trị giá trên 700 triệu đồng phải nộp thuế tài sản 0,4%, tổng nguồn thu thuế này khoảng 31.000 tỷ đồng.

Nhà trên 700 triệu phải chịu thuế tài sản

Chiều 13/4, Bộ Tài chính đã họp báo chuyên đề về Dự án Luật thuế tài sản. Ba đối tượng chịu đánh thuế là đất; nhà ở và công trình xây dựng trên đất; và nhóm du thuyền, ô tô, máy bay.

Đối với nhà ở và công trình xây dựng trên đất được nhiều người dân quan tâm, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất hai phương án: Phương án 1 chỉ đánh thuế đối với nhà ở; phương án 2 đánh thuế đối với nhà ở; nhà và công trình thương mại, dịch vụ.

Bộ Tài chính cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia đánh thuế nhà, trong đó có nhà sử dụng cho mục đích kinh doanh vì cho rằng người được hưởng lợi từ việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông, phúc lợi xã hội sẽ phải có nghĩa vụ đối với nhà nước.

Bộ Tài chính cũng phân tích, việc đánh thuế nhà sẽ tính theo giá trị nhưng sẽ có ngưỡng áp dụng nhằm đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị thấp mà chỉ điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn để đảm bảo công bằng xã hội.

Ngưỡng không chịu thuế được Bộ Tài chính xây dựng với phương án là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng. Tức là nhà có giá trị dưới 700 triệu đồng/1 tỷ đồng (theo hai phương án) sẽ không phải đóng thuế.

Nhà ở trị giá trên 700 triệu đồng phải nộp thuế tài sản? - 1

Bộ Tài chính đề xuất nhà ở trị giá trên 700 triệu đồng phải nộp thuế tài sản. Ảnh minh hoạ

Nhà càng to thuế càng cao

Để xác định giá tính thuế, Bộ Tài chính đưa cách tính giá tính thuế đối với nhà nằm trong diện đóng thuế được tính bằng diện tích nhà nhân với đơn giá 1m2 của căn nhà đó.

Đơn giá 1m2 đối với nhà mới xây dựng là giá được UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định tại thời điểm tính thuế (giá 1m2 nhà xây dựng mới được xây dựng căn cứ trên suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành).

Còn đối với nhà đã qua sử dụng, giá 1m2 bằng giá 1m2 nhà xây dựng mới theo từng cấp, hạng nhà do UBND cấp tỉnh quyết định nhân với tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của nhà do UBND cấp tỉnh ban hành theo thời gian sử dụng nhà tại thời điểm tính thuế (hiện nay, UBND cấp tỉnh đang ban hành tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà để tính lệ phí trước bạ đối với nhà).

Dự kiến mang lại nguồn thu 31.000 tỷ đồng

Về các phương án thuế suất, Bộ Tài chính cho biết, nhiều nước đang áp dụng mức thuế suất thuế tài sản thấp nhất là 0,2% và nhiều áp dụng mức thuế suất cao. Trong khu vực, Indonesia đang áp mức 0,5%; Philippines 1% và 2%. Do đó, Bộ Tài chính 2 phương án thuế suất chun là 0,3% hoặc 0,4%.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với thuế suất 0,3%, dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế 1 tỷ đồng hoặc khoảng 23.300 nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế 700 triệu đồng.

Còn đối với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế 1 tỷ đồng hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế 700 triệu đồng.

Sau khi phân tích và cân nhắc các phương án, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Tác động lớn đến mọi người dân

Khi được thông qua, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế đánh giá Luật sẽ tác động tới tất cả mọi người trong xã hội. Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết: ”Ai cũng có nhà ở. Nhà ở là thiết yếu nên tôi nói tác động tới mọi người dân trong xã hội, tác động rất lớn”, ông Thi đánh giá.

Ông Thi cũng khẳng định, khi xây dựng đề xuất dự thảo luật đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, tuy nhiên “kinh ngghiệp quốc tế cũng chỉ là kinh nghiệp quốc tế, luật phải phù hợp với Việt Nam”.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam việc đánh thuế đối với nhà và công trình thương mại, dịch vụ cũng được Bộ Tài chính nhìn nhận là sẽ có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn (Báo Giao thông)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN