Nhà nước buôn vàng, rủi ro ai gánh?

Vàng dự trữ ngoại hối bán ra hay mua vào phải phục vụ cho các chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra, không ai biết trước được nhu cầu vàng trên thị trường ra sao, trong khi giá vàng thế giới liên tục biến động theo chiều tăng.

Hơn nữa, việc bán vàng dự trữ ngoại hối lại có khả năng bị đầu cơ. Nhiều rủi ro sẽ đặt lên vai Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Nhà nước buôn vàng cũng lỗ

Để đạt mục tiêu bình ổn thị trường, kéo sát giá vàng trong nước về ngang với thế giới, NHNN sẽ đưa vàng dự trữ quốc gia để can thiệp thị trường thông qua cơ chế đấu thầu. Với tiềm lực và can thiệp của NHNN, giá vàng trong nước sẽ nhanh chóng về sát với giá vàng thế giới.

TS. Alan Phan, nguyên Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa tại Hồng Kông cho biết, Chính phủ của bất kỳ quốc gia nào nếu dính vào kinh doanh cũng đều lỗ. Vì chức năng của các cơ quan này là quản lý chứ không phải đi kinh doanh.

Theo một chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới, NHNN không bao giờ là đơn vị kinh doanh, nhưng nay lại kinh doanh vàng. Và giờ thử nghiệm đấu thầu trước để tránh những rủi ro.

“Khi một đơn vị quản lý nhắc đến việc giảm thiểu rủi ro nghĩa là có rủi ro. Ấy là chưa kể anh độc quyền sản xuất kinh doanh vàng. Nếu coi vàng như loại tiền tệ, rõ ràng đây là chuyện đồng tiền. Vậy NHNN phải chuẩn bị đầy đủ mới công bố thông tin ra thị trường chứ đâu thể làm như vậy. Trên thế giới không có một ngân hàng Trung ương nào đi kinh doanh cả”, vị chuyên gia này khẳng định.

Hơn nữa, theo TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Ngân hàng TPHCM), vai trò của dự trữ quốc gia là để giải quyết những vấn đề cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai hỏa hoạn, phục vụ quốc phòng, an ninh…; việc bình ổn giá vàng không nằm trong tất cả các trường hợp trên.

Nhà nước buôn vàng, rủi ro ai gánh? - 1
Bán vàng dự trữ ngoại hối được cho là có khả năng bị đầu cơ. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Vàng hàng hóa phải theo cơ chế thị trường

Trên thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chia vàng ra làm 2 loại tài chính: Vàng tiền tệ (tài chính) và vàng hàng hóa. Vàng tài chính được sử dụng như tài sản và vàng hàng hóa được nắm giữ phục vụ cho mục đích sản xuất, tồn kho hoặc cất trữ giá trị.

Mới đây, NHNN cũng khẳng định vàng bán ra là vàng dự trữ ngoại hối. Chiếu theo IMF, vàng mà NHNN đang bán được gọi là vàng tiền tệ. Vậy thì khi quyết định mua vào để tăng dự trữ ngoại hối hay bán vàng ra để giảm dự trữ ngoại hối, với chức năng của mình NHNN điều tiết sao cho để phục vụ các chính sách về tiền tệ.

Tuy nhiên hiện nay NHNN lại đem số vàng này ra bán, sử dụng với mục đích bình ổn thị trường thông qua hình thức đấu thầu. Theo cách này, không còn gọi là vàng tiền tệ nữa mà là vàng hàng hóa. Mà đã là hàng hóa thì phải được đối xử công bằng như các loại hàng khác và theo cơ chế thị trường. Bản chất lúc đầu là vàng tiền tệ, nhưng lại được biến thành vàng hàng hóa. Vậy cũng cần xem lại mục đích sử dụng của vàng dự trữ ngoại hối.

Theo quy định, NHNN là cơ quan đảm trách việc phát hành tiền tệ, quản lý tiền tệ và tham mưu các chính sách liên quan tiền tệ như: Phát hành tiền tệ, chính sách tỷ giá, chính sách về lãi suất, quản lý dự trữ ngoại tệ, soạn thảo các dự thảo luật về kinh doanh ngân hàng và các tổ chức tín dụng, xem xét việc thành lập các ngân hàng và tổ chức tín dụng, quản lý các ngân hàng thương mại nhà nước... Với chức năng là đơn vị quản lý, nay NHNN lại đi kinh doanh vàng miếng liệu có phải là phù hợp?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Nguyễn (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN