Nhà đầu tư nội nghỉ Tết sớm, ngoại liên tục gom hàng

Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần qua chứng kiến động thái “nghỉ Tết” sớm của nhà đầu tư khi chỉ số liên tục giảm mạnh, lượng giao dịch sụt giảm nghiêm trọng.

Cổ phiếu “nóng” bị bán mạnh

Trong phiên cuối tuần qua, nhà đầu tư không chỉ mất đi tâm lý hào hứng giao dịch mà dấu hiệu giảm mạnh giao dịch và thoát khỏi thị trường trở nên rõ ràng hơn khi giao dịch trên sàn giảm mạnh tới hơn 30%. Đây là phiên thứ hai liên tiếp thị trường sụt giảm cả về điểm số và về lượng giao dịch. Đáng chú ý, hàng loạt cổ phiếu lớn cũng rơi vào tình trạng giao dịch thấp nhất trong vòng gần một tháng qua. Nhiều cổ phiếu “nóng” như các cổ phiếu nhóm ngân hàng, dầu khí, bất động sản, xây dựng liên tục giảm sâu; nhiều cổ phiếu liên tiếp “chạm sàn” như KBC của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc hay PVD của Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí. Cổ phiếu PVD thậm chí trong phiên giao dịch sáng 1/2 còn chứng kiến thảm cảnh trắng bên mua.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá vàng trong nước khó có cơn sốt vàng trong những ngày cuối năm âm lịch. Nhìn bao quát hơn cho năm 2018, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thị trường vàng trong nước có thể chịu tác động mạnh nhiều hơn năm 2017 do bất ổn chính trị trên thế giới.

Chuyên viên phân tích kỹ thuật Trần Xuân Bách (Công ty Chứng khoán Bảo Việt) cho biết, kỳ nghỉ lễ dài ngày đang ngày một đến gần sẽ tiếp tục tạo áp lực bán chốt lời ngắn hạn ở nhiều nhóm cổ phiếu, qua đó có thể khiến thị trường phải chịu áp lực rung lắc và biến động mạnh trong những phiên kế tiếp. Trên thực tế, nhiều nhóm cổ phiếu lớn nếu không bị bán sàn cũng rơi vào cảnh yếu thế như MSN của Công ty CP Tập đoàn Masan giảm 5,75% riêng trong phiên cuối tuần qua, SAB (Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn) giảm 1,59%, GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam - Công ty Cổ phần) giảm 1,06%, MWG (Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động) giảm 5,37%, PLX (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) giảm 1,81%, HPG (Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát) giảm 0,82%...

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán VPBS, tâm lý nghỉ Tết cùng với diễn biến điều chỉnh giảm ở cả nhóm bluechip trụ cột, ngân hàng và dầu khí khiến giao dịch thị trường dần bớt đi sự sôi động và động lực tăng càng yếu dần khi những doanh nghiệp cuối cùng cũng dần công bố kết quả kinh doanh càng khiến tâm lý nhà đầu tư nội muốn nghỉ Tết sớm hơn. Do đó, cuộc chơi đang thuộc về khối nhà đầu tư nước ngoài khi khối này liên tục mua ròng trong ba phiên gầy đây nhất với giá trị 200-300 tỷ đồng mỗi phiên. VPBS cho rằng, đây là điểm cộng hỗ trợ đáng kể cho thị trường trước kỳ nghỉ Tết.

Khuyến cáo nhà đầu tư giải ngân trong những ngày này do áp lực bán ra còn mạnh, Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, nhịp giảm điểm này có khả năng sẽ kéo dài hơn nữa. “Nhà đầu tư nên thu hẹp danh mục đầu tư, chốt lời những cổ phiếu đã tăng quá nóng và tăng tỷ trọng tiền mặt trong tài khoản”, công ty này khuyến nghị.

Nhà đầu tư nội nghỉ Tết sớm, ngoại liên tục gom hàng - 1

Tuần qua, nhiều cổ phiếu “nóng” như các cổ phiếu nhóm ngân hàng, dầu khí, bất động sản, xây dựng liên tục giảm sâu do nhà đầu tư có động thái “nghỉ Tết” - Ảnh: Minh Ngọc

Nhiều nhà đầu tư vàng rút vốn đón Tết

Trên thị trường vàng, tâm lý nghỉ Tết dường như còn diễn ra sớm hơn do nhà đầu tư kết hợp chốt lời sau khi thị trường hoàn thành chu kỳ tăng giá trong 6 tuần liên tiếp. Giao dịch trên thị trường vàng không tập trung và cũng không rõ ràng như trên thị trường chứng khoán bởi chưa có sàn giao dịch riêng nên số liệu mua vào - bán ra đều nằm trong sổ sách riêng của các doanh nghiệp kinh doanh vàng và ít khi được công bố rộng rãi.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, lượng khách bán ra trong nhiều phiên gần đây đã áp đảo lượng mua vào theo tỷ lệ 60-40. Tỷ lệ này được duy trì liên tục các phiên trong tuần qua. Trên hệ thống của Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, lượng mua vào và bán ra cũng có sự dịch chuyển theo hướng tăng lên ở chiều khách bán ra. Thậm chí, ngay từ phiên giao dịch cuối tháng 1, lượng giao dịch bán ra đã áp đảo và gấp rưỡi lượng mua vào.

Ng.M.T. (Hai Bà Trưng, Hà Nội), một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường vàng, cho biết, anh vừa bán ra “một lượng lớn” cây vàng ở mức giá 36,91 triệu đồng/lượng và thu lời khá. Anh T. cũng cho biết, nếu không vì cần gấp tiền để cân đối công nợ cuối năm thì anh sẽ không bán số vàng này mà còn mua vào thời điểm trước Tết chờ đón dịp Thần Tài đầu năm tới.

Nhà đầu tư Ng.M.T. cũng cho hay, một diễn biến đáng chú ý hiếm gặp trên thị trường vàng tuần qua là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được kéo lại rất gần nhau, thậm chí, giá vàng thế giới có thời điểm đã thấp hơn giá vàng trong nước tới 60 nghìn đồng/lượng. “Điều này là do giá vàng thế giới phục hồi nhưng đà phục hồi của giá vàng trong nước nhanh hơn đã dẫn tới hiện tượng trên”, anh T. phân tích. Hiện, giá vàng trong nước đã ở mức cao nhất trong vòng 4 tháng qua. Do đó, theo nhà đầu tư Ng.M.T., đây cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư rút vốn trước Tết để bảo toàn vốn và lợi nhuận.

Theo Viện phó Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính Nguyễn Đức Độ, một yếu tố tác động đến thị trường vàng năm 2018 đó là Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, Nhà nước sẽ độc quyền thực hiện hoạt động huy động vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản; đồng thời đề xuất bãi bỏ các điều kiện sản xuất, kinh doanh vàng trang sức... Trước đề xuất này, ông Hiếu cho rằng, sau khi đã ổn định thị trường trong vài năm tới, Ngân hàng Nhà nước nên rút lui khỏi vị trí kinh doanh mà chỉ quản lý thị trường, đồng thời tạo điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn (Báo Giao thông)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN