Nhà băng sẵn sàng hy sinh lợi nhuận?

Yêu cầu của người đứng đầu NHNN về việc giảm lãi suất (LS) cho vay với các khoản nợ cũ còn 15%/năm mở ra một lối thoát sống còn cho các doanh nghiệp (DN) và chính những ngân hàng thương mại (NHTM) đang thực hiện cho vay. Câu hỏi đặt ra hiện nay là các nhà băng có sẵn sàng hy sinh lợi nhuận của mình hay không?

Thêm một giải pháp hành chính

Yêu cầu của Thống đốc NHNN – ông Nguyễn Văn Bình, cuối tuần qua về việc từ ngày 15.7 tới đây, các NHTM phải tập trung xem xét giảm LS cho vay đối với các khoản vay cũ, thực tế lại là một biện pháp mang tính hành chính, tương tự như hàng loạt yêu cầu về áp dụng trần LS huy động và cho vay vốn được áp dụng suốt thời gian qua. Theo gợi ý của ông Nguyễn Văn Bình, mức giảm cụ thể với các khoản vay cũ (trước khi thực hiện cơ chế áp trần LS cho vay) chí ít còn 15%/năm và cố gắng đạt được các mức thấp như mặt bằng LS cho vay hiện nay. Dĩ nhiên với một biện pháp hành chính và khi không có các chế tài giám sát, xử lý mang tính pháp lý đủ mạnh, khả năng thực thi yêu cầu nói trên theo đó trông chờ vào sự đồng thuận của các NHTM.

Nguyên Thống đốc NHNN – ông Cao Sỹ Kiêm - nhìn nhận yêu cầu giảm lãi vay trên đây là giải pháp hỗ trợ DN rất tốt, đặc biệt trong bối cảnh nhiều DN trước đây phải vay với LS cao khiến khả năng hoàn trả vốn vay hiện nay gặp khó khăn, gây ra tình trạng nợ đọng vốn kéo dài và khiến tỉ lệ nợ xấu của nhà băng tăng cao. Vị nguyên Thống đốc NHNN, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN cho rằng, giảm LS cho vay cũ sẽ giúp khả năng hoàn trả các khoản vay cũ của DN cao hơn hoặc hoàn trả với phần lãi ít hơn tính toán ban đầu. “Vấn đề đặt ra bây giờ là việc triển khai sẽ được thực hiện như thế nào để khả năng thực thi yêu cầu nói trên đúng như chỉ đạo” - ông Cao Sỹ Kiêm bày tỏ quan điểm. Người đại diện cho số đông các DN trong nước đồng tình với ý kiến cho rằng, giảm LS với các khoản vay cũ đồng nghĩa có sự xung đột với quyền lợi và khả năng sụt giảm lợi nhuận của các NH.

“NHNN theo đó phải có các biện pháp thực hiện cũng như các giải pháp kiểm tra, kiểm soát cụ thể việc thực hiện yêu cầu nói trên. Bởi nếu đưa ra giải pháp, nhưng cho các NH được lựa chọn giữa thực hiện và không thực hiện, các NH chắc chắn sẽ chọn giải pháp không thực hiện để tránh sụt giảm lợi nhuận rất lớn” - nguyên Thống đốc NHNN cũng cho rằng, ở đây cũng đòi hỏi có sự chia sẻ, gánh vác của các NHTM với khó khăn của DN.

Nhà băng sẵn sàng hy sinh lợi nhuận? - 1

Việc giảm lãi suất cho vay với các khoản nợ cũ còn 15%/năm mở ra một lối thoát sống còn cho các DN

Nhà băng có chấp thuận?

Như thông lệ, các NHTM nhà nước hay cổ phần có “gốc gác” nhà nước thường luôn đi đầu trong việc thực thi các quyết định hay với mỗi giải pháp từ phía NHNN. Với yêu cầu trên đây, Vietcombank, Agribank và Vietinbank không là ngoại lệ. Tổng GĐ Vietcombank - ông Nguyễn Phước Thanh - cho rằng, hiện chỉ có 25% khối lượng tín dụng tại Vietcombank có LS trên 15%/năm nên nhà băng này hoàn toàn đáp ứng được chỉ đạo. Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank - cũng cam kết sẽ phối hợp với các DN tiến hành rà soát các hợp đồng vay nợ cũ trước đây với LS cao để cơ cấu lại nợ, giải phóng hàng tồn kho và tiến hành giảm LS đối với các hợp đồng này xuống dưới 15%/năm. Chủ tịch HĐQT Vietinbank Phạm Huy Hùng thông báo chỉ còn lác đác vài khoản tín dụng trung hạn tại nhà băng này với LS 16% một năm và ông cam kết sẽ rà soát để đưa lãi vay về dưới 15%/năm. Song người đứng đầu Vietinbank cũng đưa quan điểm, cái khó hiện nay không phải ở LS mà là các DN hoạt động có hiệu quả hay không bởi hiện nay, Vietinbank sẵn sàng cho các DN được vay vốn với LS 12%, thậm chí 11%/năm.

Từ cam kết tới khả năng thực hiện thực tế của các NHTM sẽ cần thêm một khoảng thời gian nhất định, trước mắt là cho đến khi NHNN ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các nội dung cụ thể. Một lần nữa, vai trò hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và kiểm soát việc thực hiện yêu cầu của NHNN lại cần được nhấn mạnh. Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho rằng, các giải pháp của NHNN cần phải rất quyết liệt và mạnh mẽ mới mong thực hiện được yêu cầu trên. Khó có thể quên trong một thời gian dài, khi trần LS được NHNN hy vọng kéo xuống mức 14%/năm, thị trường vẫn liên tục chứng kiến các mức LS thực tế dao động quanh mức 15-16%/năm.

Tăng trưởng tín dụng thấp và tỉ lệ nợ xấu gia tăng là bức tranh phổ quát của tình hình tín dụng 6 tháng đầu năm. Theo NHNN, tính đến ngày 30.6, tín dụng chỉ tăng 0,76% so với cuối năm 2011 (nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu DN và ủy thác thì tăng khoảng 1,4%). Trong khi đó đến cuối tháng 5.2012, tổng nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chiếm 4,47% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế (cuối năm 2011 là 3,07%). Nợ xấu tăng lên so với đầu năm phát sinh từ các khoản nợ trước đây, thời gian qua do điều kiện thị trường không thuận lợi, hàng tồn kho tăng cao, tình hình tài chính của bên vay ngày một yếu đi, không có khả năng trả nợ cho NH.

C.Văn ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN