NH ngại cho vay vì trích lập dự phòng tăng

Tín dụng khó tăng, song các ngân hàng hạn chế cho vay, vì lo ngại cho vay nhiều thì phải trích lập dự phòng cao.

Tại nhiều ngân hàng, như Sacombank, Eximbank…, dư địa tín dụng còn nhiều và thanh khoản khá dôi dư, song lãnh đạo các nhà băng này vẫn rất thận trọng khi đẩy mạnh tín dụng dịp cuối năm, do lo ngại rủi ro nợ xấu.

Trên thực tế, để kích cầu tín dụng, các ngân hàng đã và đang tung ra nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất, nhưng điều kiện tín dụng khó có thể được nới lỏng. Đồng thời, việc chọn lọc khách hàng để trao vốn cũng gắt gao hơn, khiến doanh nghiệp không dễ tiếp cận nguồn vốn được cho là giá rẻ.

Eximbank đang triển khai chương trình cho vay tiền đồng theo lãi suất USD, với mức 5,5 - 6%/năm (doanh nghiệp cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu). Tuy nhiên, thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này, bởi yêu cầu rất khắt khe.

NH ngại cho vay vì trích lập dự phòng tăng - 1
Dư địa tín dụng còn nhiều, nhưng các ngân hàng đang rất thận trọng trong việc cho vay vốn.

Theo một lãnh đạo cấp cao của Eximbank, đẩy mạnh tín dụng trong bối cảnh hiện nay là rất nguy hiểm, bởi nếu không kiểm soát được chất lượng, nợ xấu tăng là khó tránh khỏi. Vì thế, an toàn nhất vẫn là chọn khách hàng tốt nhất, không cho vay ồ ạt.

Dư nợ tín dụng của Eximbank tính đến ngày 30/9 đạt 62.675,3 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng rủi ro 693,5 tỷ đồng); tiền gửi của khách hàng vẫn tăng 10,8%, lên 59.461,3 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Eximbank tính đến hết quý III/2012 là 1,89% tổng dư nợ cho vay khách hàng, giảm 0,12% so với cuối năm 2011. Trong các nhóm nợ, thì nợ dưới chuẩn giảm tới 78,8%, nợ nghi ngờ giảm 12,6%, nhưng nợ có khả năng mất vốn của Eximbank lại tăng gần 85% so với cuối năm 2011, lên mức 804,6 tỷ đồng. Kết quả là, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank riêng trong quý III đã lên đến 82,38 tỷ đồng, gấp đôi so cùng kỳ năm 2011.

Lũy kế 9 tháng, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank lên đến gần 200 tỷ đồng, kéo lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm giảm 9,5%, còn 2.017,7 tỷ đồng.

Tương tự, Sacombank cho biết, ngân hàng này đã triển khai hơn 20 gói vốn cho vay ưu đãi trị giá 13.450 tỷ đồng và 180 triệu USD. Nhưng đến nay, tín dụng của Sacombank mới đạt hơn 9% so với chỉ tiêu nhận được cho cả năm là 17%. Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, dư địa cho vay còn nhiều, song Ngân hàng phải hạn chế mở rộng tín dụng để nâng cao chất lượng khoản vay. “Sacombank chỉ phấn đấu đến hết năm nay, dư nợ tín dụng đạt mức 12%. Dù nợ xấu của Ngân hàng chỉ mới 1,4%, nhưng đã tăng gấp đôi so với cuối năm 2011, nên trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao hơn trước”, ông Khang cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho rằng, nếu quản lý rủi ro tốt thì lợi nhuận thu về của ngân hàng sẽ khả quan. Chẳng hạn, với hoạt động tín dụng, nếu quản trị tốt, tỷ lệ nợ xấu không tăng, thì nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận sẽ tăng lên; ngược lại, quản lý không tốt, nợ xấu tăng, thì phải trích lập dự phòng cao.

“Nếu không quá chạy đua theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động lãi suất cao, mà tập trung vào mục tiêu tăng trưởng vừa phải, thì sẽ đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Đó cũng chính là quan điểm và mục tiêu trong xây dựng chiến lược phát triển của DongA Bank, bởi nếu chỉ lo chạy đua theo chỉ tiêu lợi nhuận sẽ khó phát triển bền vững”, ông Bình nói và cho biết, mục tiêu lợi nhuận trước thuế của DongA Bank trong năm nay là 1.500 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm đã đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Bình, nếu diễn biến thị trường những tháng còn lại của năm không cải thiện, thì DongA Bank sẽ tính đến việc điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận, bởi dư nợ tín dụng hiện khó tăng như kỳ vọng.

Thời gian qua, DongA Bank tập trung nhiều cho việc tái cơ cấu nợ và ưu tiên vốn cho khách hàng có dự án sản xuất, kinh doanh khả thi. Lãi suất cho vay thấp nhất của DongA Bank hiện nay là 10 – 11%/năm, ưu tiên cho khách hàng tốt.

Còn tại HDBank, Phó tổng giám đốc Lê Thành Trung cho biết, tình hình cho vay trong năm nay tương đối khó, do hàng tồn kho gia tăng, tâm lý của doanh nghiệp chưa muốn mở rộng đầu tư, sản xuất mới, cho dù lãi suất đã giảm dần. Mặt khác, bản thân ngân hàng cũng thận trọng hơn trong việc trao vốn cho khách hàng, vì lo nợ xấu.

Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực tiền tệ, khác với mọi năm, cuối năm nay, các ngân hàng khó có thể được hoàn nhập khoản trích lập dự phòng, bởi nợ xấu sẽ còn xu hướng tăng thêm. Vì thế, dù nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm có tăng so với những quý trước đó, song các ngân hàng phải lựa chọn kỹ khách hàng khi trao vốn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Vinh (Báo Đầu tư)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN