NH "đua" phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao, người gửi tiền có lợi?

Kể từ đầu tháng 3 đến nay, cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi trở nên khá sôi động tại một số ngân hàng.

Điển hình là Sacombank chào bán chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên đến 8,48%/năm cho kỳ hạn 5 năm 1 ngày và 8,88%/năm cho kỳ hạn 7 năm. LienVietPostBank cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng với lãi suất cao nhất lên đến 8,8%/năm. Ngân hàng Việt Á phát hành chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn từ 6 tháng đến 18 tháng, mức lãi suất cũng rất hấp dẫn, cao nhất lên đến 8,2%/năm.

Theo bà Trần Hải Yến, Phụ trách phân tích vĩ mô Công ty Chứng khoán Bảo Việt, việc các ngân hàng đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi các kỳ hạn dài tại thời điểm này có nguyên nhân trực tiếp từ quy định tại Thông tư 06. Theo đó, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống còn 50% kể từ năm 2017 và xuống 40% vào năm 2018.

NH "đua" phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao, người gửi tiền có lợi? - 1

Phát hành chứng chỉ tiền gửi hiện được coi là cách nhanh và hiệu quả nhất để tăng tỷ lệ vốn trung và dài hạn trong tổng nguồn vốn huy động. Ngoài ra, phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng giúp các ngân hàng bổ sung nguồn vốn cấp II nhằm hướng đến mục tiêu tuân thủ Basel II, nâng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) lên mức cao hơn.

Hiện mới chỉ ghi nhận dưới 5 ngân hàng có phát hành chứng chỉ tiền gửi, còn lại chưa thấy sự nhập cuộc của các NHTM thuộc tốp đầu. Nhóm các ngân hàng này cũng chưa thấy điều chỉnh biểu lãi suất huy động.

Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, trong bối cảnh Việt Nam huy động vốn trung dài hạn khó khăn, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi là một công cụ hữu hiệu để các ngân hàng đa dạng hóa hình thức huy động vốn của mình.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý đối với khách hàng, người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận chứng chỉ tiền gửi.

"Không nên nhầm tưởng lãi suất cao do ngân hàng công bố là cố định suốt thời gian huy động mà chỉ là trong thời gian đầu, sau đó các ngân hàng sẽ thả nổi dựa trên lãi suất trung bình của các ngân hàng lớn cộng với biên độ. Thay vì trả lãi hàng tháng hoặc hàng quý, chứng chỉ tiền gửi được trả lãi sau. Lãi suất 8,5%/năm trả cuối kỳ quy đổi ra cũng chỉ bằng 7,6% nếu theo hình thức trả hàng tháng, hàng quý", TS. Cấn Văn Lực cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, các ngân hàng đang thiếu vốn dài hạn. Người gửi tiền muốn kỳ hạn ngắn vì sợ lãi suất tăng thêm hoặc để linh hoạt chuyển tiền sang các kênh đầu tư khác. Điều này khiến các ngân hàng dễ rơi vào trạng thái mất cân đối về kỳ hạn khi các khoản huy động vốn ngắn hạn lại phải đem cho vay với kỳ hạn dài.

"Chính phủ sẽ không để lãi suất sẽ tăng mạnh trong năm nay, thậm chí cả trong năm sau. Vì vậy, việc gửi tiền kỳ hạn ngắn và đợi đáo hạn với lãi suất cao hơn chưa chắc đã phải là lựa chọn tốt cho người gửi tiền", TS. Nguyễn Đức Độ nói. 

Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt​ vừa đưa ra mới đây, ước tính chênh lệch giữa phần tăng thêm tổng phương tiện thanh toán M2 và phần tăng thêm của tín dụng tại thời điểm 20/02/2017 là khoảng 65.000 tỷ đồng. Số vốn dư thừa này chủ yếu nằm tại các NHTM có quy mô lớn nhất hệ thống nên nhóm này chưa chịu nhiều sức ép tăng lãi suất huy động.

Tuy nhiên, chính hiện tượng phân hóa trong thanh khoản đã khiến các NHTM quy mô vừa và nhỏ phải tiên phong trong cuộc đua lãi suất. Với việc phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao đột biến như thời gian vừa qua, bà Trần Hải Yến cho rằng, chi phí vốn trung và dài hạn của các ngân hàng phát hành chắc chắn sẽ có sự nhích lên, qua đó có thể sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay.

Mặc dù vậy, bà Yến cho rằng, mức độ tăng sẽ không lớn do số vốn huy động từ các đợt phát hành này nhiều khả năng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Giang (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN