Nguyên tắc dạy con về tiền bạc của các tỷ phú thế giới

Những tỷ phú thế giới đều là người vô cùng bận rộn với các dự án đầu tư xuyên quốc gia nhưng họ vẫn dành thời gian để giáo dục con cái, nhất là vấn đề về tiền bạc...

Bill Gates: Để lại quá nhiều tiền cho con là hại con

Nguyên tắc dạy con về tiền bạc của các tỷ phú thế giới - 1

Nhiều năm liền là tỷ phú giàu nhất thế giới với tổng tài sản sở hữu lên đến hàng chục tỷ USD nhưng Bill Gates – người sáng lập Tập đoàn Microsoft dự định chỉ để lại cho mỗi người con khoảng 10 triệu USD (tương đương gần 0,05% tài sản của ông).

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình ABC, vị tỷ phú giàu nhất thế giới từng chia sẻ, ông không muốn để lại cho con cái quá nhiều tiền vì muốn các con “tự do chọn lựa con đường mình sẽ đi” và không trông chờ vào tài sản thừa kế.

“Tôi nghĩ đứa trẻ nên lớn lên với nhận thức rõ ràng rằng mình phải tự tạo ra con đường của chính mình, tự chọn lấy công việc mình sẽ theo đuổi. Chúng phải hiểu không phải cứ muốn bao tiền cũng được.

Theo tôi, để lại cả đống tiền cho các con là có hại cho chúng chứ chẳng phải có lợi, đặc biệt là nếu bạn bè nhìn vào chúng chỉ thấy một đống tiền, mà bản thân chúng nhìn vào mình cũng có suy nghĩ tương tự” – ông nói.

Bất cứ lúc nào đề cập đến chuyện tài sản, gia đình Bill Gates cũng đều nói cho các con biết trách nhiệm phải trao tặng nó cho thế giới.

Các con của họ đã có tài khoản riêng, nhưng không phải lúc nào chúng muốn mua gì cũng được mà phải chờ đến những dịp như sinh nhật hoặc đợi đến lúc tự để dành đủ tiền.

Bên cạnh đó, vợ chồng Bill Gates còn dạy cho con biết giá trị cuộc sống và tình yêu thương mỗi ngày.

Họ cam kết trao tặng hết 95% tài sản khổng lồ của mình (hiện ước tính khoảng 78,7 tỷ USD) cho quỹ từ thiện do họ sáng lập.

Warren Buffet: Dạy con cách sống trước khi dạy kiếm tiền

Nguyên tắc dạy con về tiền bạc của các tỷ phú thế giới - 2

Tỷ phú Warren Buffett rất ít khi nói chuyện với các con về vấn đề tài chính mà thường tập trung vào những triết lý của cuộc sống.

Ông cho rằng: “Các con không cần phải thử sức trên tất cả các lĩnh vực. Khi con đã sẵn sàng để đầu tư, ví dụ như nhà đầu tư cổ phiếu, con chỉ cần tưởng tượng nó giống một quả bóng tròn đang di chuyển từ từ”.

Tiền là mục tiêu của rất nhiều người. Nhưng với ông, mục tiêu là luôn luôn hành động đúng. Ông tạo niềm tin với các con bằng cách luôn làm đúng như những gì mình nói, toàn vẹn và trung thực.

Warren Buffett luôn khuyến khích các con chọn đường đi cho riêng mình, thất bại hay thành công theo cách riêng của mỗi người.

Ông không hề sắp đặt tương lai và đường đi cho các con. Chính vì vậy, con trai ông - Peter Buffett đã trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng.

Anh là người soạn nhạc cho bộ phim “Khiêu vũ với bầy sói”, thay vì là một nhà đầu tư cổ phiếu như cha mình.

Warren Buffett không để con trông chờ vào tài sản thừa kế. Năm 2006, ông cam kết đóng góp 37 tỷ USD cho Quỹ từ thiện của vợ chồng Bill Gates.

Ông cũng từng tuyên bố dành phần lớn tài sản cho các tổ chức phi lợi nhuận chứ không phải là các con sau khi ông qua đời.

Donald Trump: Nguyên tắc “ba không”

Nguyên tắc dạy con về tiền bạc của các tỷ phú thế giới - 3

Không giống như tỷ phú Warren Buffett hay Bill Gates bắt con tự lập bằng cách "cắt" quyền thừa kế, tỷ phú Donald Trump - “ông trùm bất động sản Mỹ” vẫn luôn đảm bảo cho các con một cuộc sống xứng tầm gia đình tỷ phú và di chúc sẽ để lại toàn bộ tài sản cho các con.

Tuy nhiên, dù không bắt con phải bươn chải với đời nhưng đối những đứa con của họ Trump thì tiền bạc hay chức vụ không phải là chuyện “tự nhiên mà có”.

Ngay từ nhỏ, những đứa trẻ nhà Trump đã được dạy và thấm nhuần nguyên tắc "ba không”, đó là "Không ma túy, không rượu, không thuốc".

Bởi theo Trump, ông có những người bạn giàu có với những đứa con rất tài năng, nhưng những tài năng ấy lại bị tàn lụi dần bởi rượu và ma túy.

Bên cạnh việc giáo dục các con tuân theo nguyên tắc “ba không”, để làm gương cho các con, bản thân Donald Trump cũng không có thói quen nhậu nhẹt hay hút thuốc.

Nhờ vậy các con ông không ai sa đà vào thói hư tật xấu nào và họ luôn hiểu rằng “không làm mà hưởng” là một điều vô cùng xấu hổ.

Tỷ phú Chuck Feeney: Keo kiệt với bản thân nhưng hào phóng với người khác

Nguyên tắc dạy con về tiền bạc của các tỷ phú thế giới - 4

Chuck Feeney là người đồng sáng lập ra chuỗi cửa hàng mua sắm miễn thuế (DFS), chuỗi cửa hàng bán lẻ miễn thuế lớn nhất thế giới. Năm 1988, ông đã được bình chọn là người còn sống giàu thứ 31 của nước Mỹ, với tổng tài sản là 1,3 tỷ USD. Không giống như các tỷ phú khác, Feeney chọn cho mình một cuộc sống bình lặng và đơn giản.

Hiện nay, ông sống trong một căn hộ đi thuê bởi toàn bộ tài sản đã hiến tặng cho các tổ chức từ thiện. Các con ông cũng phải tự lăn lộn kiếm sống từ khi còn nhỏ cho đến tuổi trưởng thành. Feeney cho biết, đây chính là cách để ông giáo dục các con biết quý trọng giá trị của đồng tiền.

Mặc dù sở hữu khối tài sản bạc tỷ nhưng Feeney luôn từ chối những món đồ xa xỉ. Feeney thường nói, ông quý trọng tiền bạc nhưng rất ghét phung phí nó. Quan niệm sống này, ông đã cố gắng truyền lại cho 5 người con ngay từ khi còn bé. Mặc dù có tiền, ông vẫn làm việc hết mình và không muốn con cái trở thành “những đứa con nhà giàu hư hỏng”.

Ông yêu cầu con trai đi làm hầu bàn, con gái làm bồi phòng khách sạn hoặc thu ngân trong các kỳ nghỉ hè và phải tuân thủ các quy tắc chi tiêu nghiêm ngặt.

Khi cô con gái gọi điện thoại quá nhiều với bạn trai ở châu Âu từ căn hộ Manhattan, ông đã tới thị trấn, ngắt kết nối điện thoại. Ông chỉ cho phép các con được gọi điện với bạn bè vào thứ 2 hàng tuần. Ông muốn con cái phải biết “keo kiệt” với chính bản thân mình, không được sống phung phí và trở thành những đứa trẻ nhà giàu biết tự lập.

Con gái đầu của Feeney - Leslie Feeney Baily, chia sẻ: “Cha đã giúp chúng tôi sống như những người bình thường khác”.

Tỷ phú Roman Abramovich: Dạy con tự kiếm tiền để tiêu tiền thoải mái

Nguyên tắc dạy con về tiền bạc của các tỷ phú thế giới - 5

Roman Abramovich, tỷ phú Nga là một trong những “đại gia” có cuộc sống xa hoa bậc nhất thế giới, đồng thời nổi danh khắp thế giới với tư cách là ông chủ Câu lạc bộ Bóng đá Chelsea, một trong những đội bóng hàng đầu tại Anh.

Con gái lớn của Abramovich và Irina có tên là Anna Abramovich, một trong những nữ thừa kế giàu có nhất của Nga, với tài sản 3,4 tỉ USD. Cô có thể chọn bất kỳ ngôi nhà nào trong bộ sưu tập cơ ngơi hàng tỷ của cha mình. Nhưng thay vào đó, thiếu nữ 20 tuổi này lại chọn cách bắt đầu cuộc sống tự lập trong một ngôi nhà vùng nông thôn có trại ngựa mà những người giữ trẻ của gia đình cô sống một thời bởi muốn có một cuộc sống bình thường và độc lập như rất nhiều các cô gái khác.

Ngoài Anna Abramovich, các con của Roman Abramovich đều tự lập từ rất sớm. Quan điểm của tỷ phú giàu mỏ là để con cái thoải mái làm những gì họ thích, tự kiếm tiền và tự tiêu tiền. Chính vì vậy, người con trai cả Arkadiy Abramovich dù năm nay mới chỉ bước sang tuổi 21 nhưng đã có không ít kinh nghiệm trên thương trường, thực hiện khá nhiều thương vụ kinh doanh thành công với số tiền khổng lồ.

Michael Bloomberg: Tiền chỉ có giá trị khi chúng được cho đi

Nguyên tắc dạy con về tiền bạc của các tỷ phú thế giới - 6

Xếp thứ 13 trong số những tỷ phú giàu nhất thế giới theo bình chọn của Forbes, Michael Bloomberg – cha đẻ của hãng tin Bloomberg còn là một nhà từ thiện lớn.

Ông luôn giáo dục các con biết chia sẻ bởi “tiền chỉ có giá trị khi chúng được cho đi”.

“Nếu bạn muốn làm điều gì đó cho các con của mình và chứng tỏ bạn yêu chúng, đừng cho các con quá nhiều tiền.

Thay vào đó, hãy mang tiền đi làm từ thiện và cho lũ trẻ thấy rằng cho đi luôn là điều hạnh phúc nhất.

Làm từ thiện tức là bạn đang góp phần tạo ra một cuộc sống tốt hơn cho chính con bạn và cho mọi trẻ em trên thế giới” - Cựu thị trưởng thành phố New York chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Nhiên (Đời sống & Pháp luật)
Chuyện về những tỷ phú giàu nhất thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN