Nguồn vay ODA khép dần, VN phải quản lý nợ vay thế nào?

Sự kiện: Kinh Doanh

Dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, do vậy nguồn vốn này cần được sử dụng một cách chiến lược hơn, cẩn trọng hơn để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo thông tin tại buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính chiều 25/10, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2005 – 2015), tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết khoảng 45 tỷ USD, trong đó, nguồn ODA dành cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực như: hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; phát triển nông nghiệp kết hợp xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

Qua đó góp phần nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của một số ngành kinh tế, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguồn vay ODA khép dần, VN phải quản lý nợ vay thế nào? - 1

Theo đại diện Bộ Tài chính, trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu bước vào ngưỡng của quốc gia có thu nhập trung bình thấp, việc huy động các nguồn vốn ODA trở nên khó khăn hơn. Việt Nam bắt đầu phải tiếp cận các với các nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn.   (Ảnh minh họa)

Theo ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính): Việt Nam hiện đã là một quốc gia thu nhập trung bình, mối quan hệ đối tác và các nguồn tài trợ đang thay đổi.  Trong khi nguồn vốn ODA thực chất là nợ quốc gia, và đối với Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Do đó, nguồn vốn ODA cần được sử dụng một cách chiến lược hơn và cẩn trọng hơn để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế và huy động các nguồn vốn tư nhân bổ sung cho các nguồn lực công.

Hơn nữa, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt.

Cụ thể là giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng từ 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn. Tiếp đến, giai đoạn 2011-2015 là thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.

Và dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.

“Trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu bước vào ngưỡng của quốc gia có thu nhập trung bình thấp, việc huy động các nguồn vốn ODA trở nên khó khăn hơn. Việt Nam bắt đầu phải tiếp cận các với các nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn. Do vậy, vấn đề nâng cao công tác quản lý nguồn vốn vay, đặc biệt là quản lý tài chính nguồn vốn ODA và vay ưu đãi để phát huy hơn nữa hiệu quả sử dụng các nguồn vốn tài trợ của nước ngoài và đảm bảo mục tiêu vay nợ bền vững là nhu cầu bức thiết của Việt Nam trong giai đoạn tới”, ông Hải nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hoàng Hải, trong bối cảnh nợ công ngày càng cao, nguồn vốn vay ưu đãi ODA không còn nhiều, giai đoạn tới Việt Nam phải tiếp cận các khoản vay thương mại có lãi suất cao. Do vậy, các quy định về tài chính, lập kế hoạch vốn, cơ chế giải ngân, công tác hạch toán và quyết toán các chương trình dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu quản lý trong giai đoạn tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Yến (Giao thông vận tải)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN