Người Việt có tên trong "Hồ sơ Panama" lên tiếng

Sự kiện: Hồ sơ Panama

Theo dữ liệu mà Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) vừa công bố có 189 cá nhân, tổ chức có liên quan đến Việt Nam.

Trong danh sách trên có nhiều cái tên khá quen thuộc trong giới doanh nhân. Một số cá nhân có tên trong danh sách trên cho rằng với nhiều người trong nước thì sự kiện này có thể gây sốc nhưng với họ đó là điều “hoàn toàn bình thường”.

“Tôi không có gì băn khoăn”

Bà Đàm Bích Thủy, cựu Giám đốc điều hành (CEO) của Ngân hàng ANZ Việt Nam, bày tỏ như trên.

Theo bà Thủy, thông tin có tên trong hồ sơ Panama với nhiều người Việt có thể là mới nhưng ở nước ngoài thì chuyện này là rất bình thường và bà không có gì phải băn khoăn khi thông tin này được đưa ra.

“Khi thấy danh sách có tên tôi, rất nhiều người quen hỏi thăm, tôi vui vẻ chia sẻ để mọi người hiểu” - bà Thủy cho biết.

Bởi lẽ theo bà Thủy, bà từng là CEO của Ngân hàng ANZ Việt Nam và cũng là lãnh đạo của ANZ/V-Trac International Leasing Company, một công ty tài chính trực thuộc ngân hàng này. Việc sử dụng công ty nước ngoài không phải là hành vi phạm tội. Bởi nó tùy thuộc vào hiệu quả kinh tế và lợi ích của doanh nghiệp, cơ chế hoạt động phụ thuộc vào cấu trúc khi thành lập công ty nữa.

“Không ngạc nhiên”

Cùng ngày, lãnh đạo Công ty Cổ phần Sovico cũng đã giải thích về việc bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT công ty, có tên trong hồ sơ Panama.

Theo đó, năm 2005, Sovico là công ty quốc tế, có chủ trương đầu tư về Việt Nam. Sovico Corporation Ltd đã thắng thầu quốc tế để mua lại toàn bộ phần vốn góp từ các công ty thuộc Tập đoàn Lai Sun (Hong Kong) để trở thành nhà đầu tư nước ngoài thay thế các công ty thuộc Tập đoàn Lai Sun là Furama và Best City Finance, chiếm 75% vốn tại Công ty liên doanh khu du lịch Bắc Mỹ An (Furama Resort).

Đây là các thủ tục thông qua đấu thầu quốc tế, kế thừa pháp nhân ở nước ngoài, công khai, minh bạch và phù hợp với luật pháp nước sở tại.

Công ty Furama đã có từ năm 1992, do Lai Sun (Hong Kong) thành lập. Việc các tập đoàn thành lập các công ty ở nước ngoài để đầu tư là hình thức phổ biến trên thế giới.

Người Việt có tên trong "Hồ sơ Panama" lên tiếng - 1

Có nhiều người Việt có tên trong hồ sơ Panama trên website của Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ). Ảnh chụp màn hình

“Việc chúng tôi mua lại các công ty này vào năm 2005 cũng là bình thường. Chúng tôi là các nhà đầu tư mới thay thế cho các nhà đầu tư trước đó. Do Công ty Furama vốn đã nằm trong danh sách công ty do Mossad tư vấn nên khi chúng tôi mua lại thì xuất hiện tên Sovico Pte Ltd trong danh sách cũng là bình thường. Cũng như các cá nhân là lãnh đạo của công ty chúng tôi như bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Nguyễn Thanh Hùng (Chủ tịch Hội đồng sáng lập Sovico, chồng bà Thảo) thì cũng xuất hiện theo” - lãnh đạo công ty cho hay.

Công ty này cũng cho rằng không ngạc nhiên khi bên cạnh Furama Resort còn có địa chỉ một số khách sạn nước ngoài khác tại Việt Nam cũng như tên một số cá nhân khác. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài có những mô hình đầu tư và cử người lãnh đạo tương đối giống nhau.

Ngoài ra, do Sovico đã mua lại Furama Resort nên không chỉ có bà Thảo, ông Hùng mà ông Nguyễn Cảnh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Sovico Corporation đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ariyana (chủ đầu tư dự án Furama Villas), cũng có tên trong hồ sơ Panama.

“Không liên quan đến trốn thuế, rửa tiền”

Về việc trong hồ sơ Panama có tên ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), phía công ty cũng đã phát đi thông cáo báo chí.

Theo đó, công ty này khẳng định việc một công ty đầu tư ra nước ngoài khi đã được cơ quan quản lý cấp phép là hoàn toàn bình thường, minh bạch và tuân theo quy định của pháp luật và không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến các hành vi trốn thuế, rửa tiền hay bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào khác.

Cũng theo thông cáo báo chí, SSI cho biết việc xuất hiện trong danh sách hồ sơ Panama không đồng nghĩa với việc công ty và các đại diện pháp lý đã có hành vi liên quan đến trốn thuế hay rửa tiền.

Thông cáo cho biết thêm, SSI và Công ty TNHH Nguyễn Duy Hưng hiện là hai thành viên góp vốn của Quỹ đầu tư thành viên SSI do Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) quản lý. SSIAM và Quỹ đầu tư thành viên SSI được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận để thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

SSIAM thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam cũng như tại nước sở tại - nơi SSIAM thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài. “Hiện tại cũng chưa có bất kỳ quốc gia nào cấm hành động mở công ty ở nước ngoài để quản lý tài sản. Rất nhiều quỹ đầu tư, cả ở Việt Nam và thế giới sử dụng các công ty ở nước ngoài làm pháp nhân cho các hoạt động kinh doanh của mình” - thông cáo cho biết.

Nếu Chính phủ chỉ đạo, chúng tôi sẽ vào cuộc

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc có tên 189 cá nhân, tổ chức của Việt Nam nằm trong hồ sơ Panama, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ, cho rằng thông tin mà hồ sơ Panama cung cấp mới chỉ là thông tin một chiều.

“Sau khi hồ sơ Panama công bố, chúng tôi xem đó là một nguồn để tham khảo thông tin mà thôi chứ chưa có căn cứ để nói rằng có tham nhũng, rửa tiền hay trốn thuế. Hơn nữa đây cũng không phải nguồn tin chính thống nên cơ quan chức năng mới chỉ nắm bắt thông tin bước đầu” - ông Đạt nêu quan điểm.

Cũng theo ông Đạt, việc có tên trong hồ sơ Panama không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sai trái.

Đặt vấn đề liệu cơ quan chức năng của Việt Nam có vào cuộc làm rõ và công bố các thông tin liên quan đến các cá nhân, đơn vị trong hồ sơ này hay không, ông Đạt cho rằng sẽ căn cứ vào diễn biến thông tin cụ thể, sẽ xem xét báo cáo lên cấp trên.

“Trong trường hợp nếu có các căn cứ, trung ương và Chính phủ có chỉ đạo thì chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế về phòng, chống tham nhũng để xác minh làm rõ” - ông Đạt khẳng định.

Chiều 10-5, Tổng cục Thuế cũng đã có cuộc họp nội bộ để bàn về vụ hồ sơ Panama liên quan đến các cá nhân, tổ chức Việt Nam.

Một lãnh đạo Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết sau cuộc họp lãnh đạo Tổng cục Thuế đã quyết định thành lập tiểu ban kiểm tra bao gồm Vụ Thanh tra, Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan khác. Đây là vấn đề phải rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng.

“Các nghiệp vụ để làm rõ vấn đề này khá phức tạp và đòi hỏi sự huy động của cả hệ thống chính trị, từ Bộ KH&ĐT, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước” - vị này cho hay.

Theo lãnh đạo này, cơ quan thuế sẽ đối chiếu, trích xuất dữ liệu nộp thuế trên cơ sở dữ liệu thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc này sẽ chỉ làm được nếu như các cá nhân, tổ chức trên có đăng ký đầy đủ mã số thuế tại Việt Nam.

Sau đó, tiểu ban kiểm tra sẽ phải làm rõ các mối quan hệ kinh doanh, các giao dịch giữa cá nhân, tổ chức ở Việt Nam liên kết với những cá nhân, tổ chức nào ở bên ngoài.

Trên cơ sở đó, đối chiếu với chính sách pháp luật Việt Nam, tiểu ban sẽ đánh giá mức độ hành vi trốn thuế, không trốn thuế hay né thuế...

ĐẶNG TRUNG - TRÀ PHƯƠNG

Kênh thông tin để xác minh làm rõ

Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận định chưa thể kết luận 189 cá nhân và tổ chức có tên trong hồ sơ Panama là phạm pháp, mặc dù có thể sẽ có một vài trường hợp nào đó có hành vi phạm tội.

Luật sư Đức cho rằng 189 cá nhân, tổ chức của Việt Nam có tên trong “tài liệu Panama” có thể đã hợp lý hóa tối đa bằng cách chuyển một số khoản thu nhập trước thuế để tận dụng nơi có mức thuế thấp hơn, hoặc có thể dùng cách này để che giấu những khoản thu nhập bất hợp pháp. Dĩ nhiên không loại trừ những trường hợp trốn thuế, rửa tiền.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng đối với danh sách các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam trong hồ sơ Panama, dư luận đòi hỏi cần được công khai rõ ràng và minh bạch. Cần đến sự vào cuộc của các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an,... để xác minh thông tin.

“Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc vì đây là cơ quan có liên quan tới tài khoản ngoại hối, các khoản thanh toán, chuyển tiền quốc tế,… Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu mối quản lý về phòng chống rửa tiền, có nhiệm vụ giám sát các giao dịch, trong đó có các giao dịch từ Việt Nam đi nước ngoài và ngược lại. Những dữ liệu liên quan đến các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam trong hồ sơ Panama có thể coi là kênh thông tin để xác minh làm rõ. Bên cạnh đó các tổ chức, cá nhân có trên trong danh sách này cũng cần giải trình để chứng minh sự trong sạch của mình” - luật sư Đức nói.

● Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tuyên bố trong phần từ chối trách nhiệm (Disclaimer) và phần trả lời câu hỏi thường xuyên (Frequently Asked Questioned) trên trang thông tin chính thức của họ là: Việc thành lập các công ty và quỹ tín thác offshore thường là hợp pháp. Chúng tôi không khuyến nghị hoặc ám chỉ các cá nhân, công ty hoặc các tổ chức có tên trong ICIJ Offshore Leaks Database đã có những hành vi vi phạm pháp luật hoặc có các hành vi không chuẩn mực.

CHÂN LUẬN

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang - Quang Huy- Thùy Linh (Pháp luật TPHCM)
Hồ sơ Panama Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN