Người nghèo được giảm tiền đóng bảo hiểm

Bộ LĐ-TB&XH vừa cho biết đang xây dựng một đề án đề xuất nhà nước hỗ trợ 30% lương tối thiểu cho người lao động nghèo, làm các công việc cho bản thân không được trả lương (như nông dân, nội trợ...) khi tham gia BHXH.

Theo đó, sau gần 4 năm thực hiện bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, chỉ có trên 96.000 người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia, tương đương 0,19% tổng số lao động ở khu vực này.

Theo một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, qua số liệu trên, chứng tỏ lượng người lao động nghèo tham gia BHXH tự nguyện đang rất ít so với mục tiêu ban đầu đề ra khi chính sách BHXH tự nguyện có hiệu lực (1/1/2008) là khoảng 1 triệu người tham gia trong giai đoạn đầu.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Luận-Phó vụ trưởng Bảo hiểm Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đề xuất trên nhằm tăng cường chính sách an sinh xã hội dành cho người lao động ở khu vực phi chính thức. Theo đề xuất, nếu được Chính phủ đồng ý, mức đóng bảo hiểm của người lao động nghèo sẽ được giảm xuống.

Hiện, người lao động nghèo khi tham gia BHXH tự nguyện, phải đóng 20% mức lương tối thiểu (1,050 triệu đồng) là hơn 200 nghìn đồng/tháng. Với mức đóng này, nếu đề xuất được Chính phủ chấp thuận, người lao động nghèo sẽ chỉ phải đóng 70%; 30% còn lại sẽ được nhà nước hỗ trợ.

“Đây chỉ mới là đề xuất của Bộ, còn mức hỗ trợ bao nhiêu (30% hay 50%), cần phải tiếp tục được nghiên cứu thêm” - ông Luận nói.

Ông Nguyễn Hùng Cường-Phó phòng Chính sách BHXH (thuộc BHXH Việt Nam) cho biết, nếu tính đầy đủ, hiện đã có khoảng 140.000 người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo ông Cường, nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ người lao động nghèo, chắc chắn số lượng người tham gia BHXH tự nguyện sẽ sớm đạt con số từ 3-5 triệu người, chứ không dừng lại con số 140 nghìn người như hiện nay.

“Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người nghèo như nông dân, nội trợ... khi tham gia BHXH tự nguyện, để khi họ về già có lương hưu, tránh gây áp lực cho xã hội” - ông Cường đề xuất.

Nghị định số 190 năm 2007 của Chính phủ, hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) về BHXH tự nguyện (có hiệu lực từ 1/1/2008), mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến đủ 60 tuổi với nam và từ đủ 15 tuổi đến đủ 55 tuổi với nữ đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Cầm (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN