Người mua chung cư sợ hãi cảnh “xuống đường là tắc”
Không ít khách hàng bỏ ra tiền tỷ để mua được căn hộ trong mơ nhưng khi sắp nhận nhà, nhiều người 'chết đứng' khi tuyến đường chạy qua dự án thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Anh Tín Nghĩa (Đống Đa, Hà Nội) bỏ ra gần 2 tỷ đồng mua căn hộ dự án Golden West trên đường Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Anh Nghĩa chia sẻ: “Lúc tìm hiểu dự án tại đây, nhân viên sàn giao dịch quảng bá ở đây chỉ có một toà nhà, cách mặt đường Lê Văn Lương vài trăm mét và trước mặt chỉ bị chắn bởi toà nhà cao 5 tầng. Tôi tin vào lời giới thiệu đó nên xuống tiền mua”.
Tuy nhiên, khi gần đến lúc nhận nhà thì anh Nghĩa tá hoả phát hiện thực tế không đúng như lời nhân viên sàn giao dịch nói do có toà cao hơn 20 tầng chắn ngay toà nhà anh mua.
“Lúc mua nhà thì xung quanh có một, hai dự án cao tầng nhưng sau 2 năm, có hàng loạt dự án cao tầng mọc lên. Lo sợ quá tải hạ tầng nên tôi tìm cách bán nhà đúng bằng giá lúc mua”, anh Nghĩa nói.
Tắc đường là nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Ảnh minh họa
Theo anh Nghĩa, dự án này còn bị chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế, biến những ô thoáng thành căn hộ. Điều này làm gia tăng mật độ căn hộ, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân.
Chị Phạm Hồng Minh, quản lý kinh doanh hàng mỹ phẩm trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy cho biết, vợ chồng chị mua căn hộ Ecolife Capitol trên đường Tố Hữu, quận Thanh Xuân nhưng vẫn đắn đo việc có chuyển đến ở dù cũng sắp nhận nhà. Theo chị Minh, vì muốn ở gần chỗ làm nên vợ chồng quyết định mua ở đây và cũng không nghĩ tuyến đường này lại tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm như thế.
'Thỉnh thoảng xem báo lại thấy tuyến đường này ùn tắc vào giờ cao điểm nên cũng rất lo lắng. Nếu tình trạng giao thông không được cải thiện thì chắc vợ chồng tôi sẽ cân nhắc bán để tìm chỗ phù hợp hơn', chị Minh chia sẻ.
Ken dày đặc cao ốc “không còn chỗ thở” trên đường Lê Văn Lương chưa hết, nay đến lượt đường Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài). Chỉ vẻn vẹn 2,7 km mà bị nhồi nhét tới 40 cao ốc từ 25-35 tầng, chưa kể những dự án trong các khu đô thị gần đó như Trung Văn, Mỗ Lao. Và hậu quả là cả tuyến đường Lê Văn Lương đã trở thành “điểm đen” tắc nghẽn giao thông không thể cứu vãn của Hà Nội.
Thậm chí, thời gian vừa qua, tuyến xe buýt nhanh chạy qua trục đường này cũng biến thành xe buýt chậm khi không thể di chuyển vào những giờ cao điểm. .
Không chỉ tình trạng 'tháo chạy' khỏi dự án trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương thì có dự án đã bàn giao nhà nhưng người dân không dám về ở bởi lo ngại tình trạng 'bước xuống đường là tắc'.
Mật độ tham gia giao thông trên đường Lê Văn Lương luôn trong tình trạng đông đúc, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng vào các giờ cao điểm.
Anh Vũ Mạnh Hà ở Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ cho biết, vợ chồng anh đều làm ngân hàng ở Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa nên mua căn hộ ở Văn Quán (Hà Đông). Dù đã nhận nhà hơn 2 tháng nay nhưng vẫn chưa dọn về ở chính thức mà vẫn thuê chung cư gần chỗ làm.
Theo anh Hà, lý do chưa dọn về ở bởi trước khi mua căn hộ này nghĩ đi làm sẽ thuận tiện di chuyển trên trục Nguyễn Trãi nhưng cung đường này giờ cao điểm luôn ùn tắc, trong khi chỗ trọ hiện tại chỉ cách cơ quan chưa đến 2km, đi lại vẫn thuận tiện hơn dù đôi lúc có ùn tắc.
'Chắc vợ chồng tôi sẽ cho thuê lại căn hộ đó và vẫn ở chỗ cũ. Chờ vợ sinh em bé xong rồi tính tiếp', anh Hà nói.
Trao đổi với Tiền Phong, KTS Nguyễn Huy Khanh (Hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng, người mua nhà tháo chạy khỏi những dự án có nguy cơ quá tải về hạ tầng là điều dễ hiểu. Nguyên nhân chính bởi đa số các chủ đầu tư được “lập quy hoạch”, tự đề xuất quy hoạch chi tiết nên chắc chắn họ sẽ làm có lợi cho doanh nghiệp trước tiên.
Theo ông Khanh, có những khu đô thị được quy hoạch tương đối tốt nhưng hiện rơi vào tình trạng quá tải do trong quá trình thực hiện đã có sự điều chỉnh quy hoạch. Việc điều chỉnh này tạo hệ lụy lớn nhất là gây áp lực với hạ tầng giao thông.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc trên một trục đường huyết mạch như Tố Hữu mà tồn tại hàng chục nhà cao ốc là lỗi của những người làm quy hoạch ngay từ khi đưa tuyến đường vào sử dụng không quy định cụ thể số lượng nhà chung cư và chiều cao. Rõ ràng, Hà Nội hiện đang thiếu quy hoạch chi tiết cho từng tuyến phố, khu đô thị nên chủ đầu tư tha hồ xây cao ốc mà không bị hạn chế số tầng.