Ngư dân háo hức chờ vay vốn ưu đãi mua tàu

Theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản cho thấy sắp tới, ngư dân sẽ được vay vốn đóng tàu, vay vốn ra khơi với những điều kiện ưu đãi chưa từng có tiền lệ.

Lãi suất 1 - 2%/năm

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Bộ NN&PTNT đang khảo sát, điều tra nhu cầu thực tế của ngư dân để đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, còn điều kiện, thủ tục triển khai vay vốn sẽ do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện, dự kiến sẽ sớm hoàn tất vào đầu tháng 7. “Đây là chương trình tín dụng lớn nhất từ trước đến nay dành cho ngư dân. Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tạo mọi điều kiện để ngư dân tiếp cận vốn vay nhanh chóng, dễ dàng nhất” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.

Tại hội nghị bàn về dự thảo Nghị định một số chính sách phát triển thủy sản vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, tổng giá trị gói tín dụng dành cho ngư dân 26.000 tỷ đồng, trong đó, 16.000 tỷ đồng từ ngân sách và 10.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại. Theo đó, tàu vỏ thép đóng mới có công suất từ 800 CV trở lên, được vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới và chỉ phải trả lãi suất 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm. 

Ngư dân háo hức chờ vay vốn ưu đãi mua tàu - 1

Ngư dân mong sớm được vay vốn ưu đãi đóng mới, gia cố tàu để vươn khơi,bám biển

Đối với tàu vỏ gỗ đóng mới, hay những tàu nâng cấp, gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới thay cho vỏ gỗ hiện có, chủ tàu được vay vốn tối đa 85% tổng giá trị đầu tư và trả lãi suất 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 3%/năm. Thời hạn các hợp đồng vay tối đa 11 năm, trong đó có 1 năm ân hạn. Ngoài ra, chủ tàu đánh bắt, tàu dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ được vay vốn lưu động trước mỗi chuyến đi, mức vay tối đa 70% cho một chuyến đi, với lãi suất 7%/năm...

Để tạo điều kiện cho ngư dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, ngư dân có thể dùng chính tài sản hình thành trong tương lai (là con tàu) làm tài sản thế chấp. Vì cho ngư dân vay vốn đóng tàu, đánh bắt xa bờ là hoạt động tín dụng có nhiều rủi ro, nên phía ngân hàng sẽ chú trọng vấn đề bảo hiểm và Chính phủ sẽ hỗ trợ hàng năm 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu; 100% kinh phí mua bảo hiểm kết hợp con người cho thuyền viên trên tàu khai thác xa bờ. Đồng thời, sẽ cân nhắc để có những chính sách ưu đãi đưa doanh nghiệp bảo hiểm cùng vào cuộc, giúp ngân hàng và ngư dân có thêm cơ sở để xử lý rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Hiện thực hóa ước mơ tàu sắt

Ông Trần Văn Lĩnh - Quyền Chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng cho biết, ngư dân đều háo hức chờ gói hỗ trợ này. “Đây là chủ trương lớn, cần phải có sự phối hợp, liên kết giữa ngân hàng, nhà máy đóng tàu, doanh nghiệp và ngư dân… để gói vay phát huy hiệu quả tốt nhất”, ông Lĩnh nói.

Ngư dân Trương Văn Hay (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) phấn khởi khi ước mơ tàu sắt sắp có cơ hội thành hiện thực. Để gói ưu đãi này vừa giúp ngư dân phát huy hiệu quả kinh tế, bảo vệ ngư trường truyền thống và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, anh Hay đề nghị, Nhà nước cần phải rà soát kỹ, ưu tiên cho những gia đình ngư dân có truyền thống yêu biển, bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời vốn phải đến tận tay ngư dân chứ không để qua các khâu trung gian… 

Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất, về đối tượng được vay, cần bổ sung những tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư cơ sở đóng tàu, sửa chữa tàu vỏ sắt ở địa phương để mỗi lần duy tu, sửa chữa ngư dân đỡ phải đi xa tốn kém… Bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu để có những mẫu tàu phù hợp để ngư dân khai thác hiệu quả, bởi vì ngư dân các địa phương có tập quán đánh bắt khác nhau và mỗi nghề đánh bắt hải sản có đặc thù riêng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Lợi - Quỳnh Anh (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN