Ngoài Ba Huân, VinaCapital còn “đổ tiền” vào doanh nghiệp Việt nào?
Trước khi xảy ra lùm xùm không đáng có trong thương vụ hợp tác với “nữ hoàng hột vịt” Ba Huân, các quỹ đầu tư trực thuộc Tập đoàn VinaCapital cũng đã rót vốn vào nhiều doanh nghiệp Việt khác.
Những ngày qua, thương vụ hợp tác “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa Công ty cổ phần Ba Huân (Ba Huân) và tập đoàn VinaCapital gây chú ý dư luận. Thay vì đưa nhau ra toà giải quyết tranh chấp, Ba Huân “kêu cứu” đến Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét, hỗ trợ trong việc chấm dứt hợp tác với VinaCapital.
Mới đây, VinaCapital cũng đã chính thức lên tiếng, cho rằng các điều khoản đã ký kết với Ba Huân tương đồng với các thương vụ hợp tác trước đây của doanh nghiệp cũng như tuân thủ pháp luật Việt Nam. Quỹ này khẳng định không chiếm quyền cũng như không có ý định thâu tóm Ba Huân.
Chưa biết câu chuyện ồn ào này sẽ được hai bên giải quyết như thế nào nhưng đây chính là bài học cho doanh nghiệp Việt khi hợp tác với các quỹ đầu tư nước ngoài.
Theo tìm hiểu của PV Infonet, VinaCapital là tập đoàn quản lý đầu tư và phát triển bất động sản với các danh mục đầu tư đa dạng, có tổng giá trị tài sản quản lý hơn 1,8 tỷ USD, tính đến hết tháng 1/2018.
VinaCapital đang quản lý 2 quỹ đầu tư niêm yết tại thị trường chứng khoán London là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) và VinaLand Limited (VNL).
Tập đoàn này còn quản lý Forum One – VCG Partners Vietnam, quỹ mở dành cho nhà đầu tư nước ngoài theo mô hình UCITS (EU), quỹ Vietnam Equity Special Access Fund (VESAF), cùng với hai quỹ mở dành cho nhà đầu tư trong nước và các tài khoản đầu tư ủy thác.
Các quỹ đầu tư thuộc Tập đoàn VinaCapital có không ít khoản đầu tư vào nhiều doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, VinaCapital đồng quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm DFJ VinaCapital L.P cùng tập đoàn Draper Fisher (Mỹ) Jurvetson, và Lodgis Hospitality Holdings cùng tập đoàn Warburg Pincus (Mỹ) để đầu tư phát triển ngành du lịch tại Đông Nam Á.
Trong số đó, VOF là quỹ đầu tư được đăng ký tại Việt Nam, hoạt động dưới sự quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đây cũng là quỹ từng công bố khoản đầu tư 32,5 triệu USD vào Ba Huân.
Được biết, hiện VOF đang đầu tư vào 23 doanh nghiệp Việt, trong đó có những khoản đầu tư lớn tại Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Tổng Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam…
Bên cạnh cổ phiếu niêm yết, quỹ còn phân bổ lượng lớn tài sản vào mảng bất động sản.
Cùng thời gian ký kết hợp tác với Ba Huân vào tháng 2/2018, quỹ VOF chi gần 25 triệu USD mua 10% cổ phần trong đợt IPO của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn, đưa cổ phiếu này trở thành 1 trong 10 cổ phiếu có tỷ trọng giá trị tài sản ròng lớn nhất của VOF.
Danh mục đầu tư của VOF còn có cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông khi quỹ đổ 11 triệu USD để mua gần 5% cổ phiếu của ngân hàng này.
Trong năm tài chính 2016 – 2017, VOF mang về 100 triệu USD từ hoạt động thoái vốn các công ty chưa và đã niêm yết, cùng các tài sản ở nước ngoài và 126 triệu USD từ thoái vốn dự án bất động sản.
Cùng với đó, VinaCapital còn rót 10 triệu USD vào Công ty cổ phần BĐS Thế Kỷ (CENLand). Với thương vụ này, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital tiết lộ, các điều khoản đầu tư bao gồm các biện pháp phòng ngừa giảm giá, cam kết về hiệu quả đầu tư giữa CENLand với VOF sẽ được công bố vào quý 3/2018.
Với quỹ đầu tư mạo hiểm DFJ VinaCapital, trước khi Công ty cổ phần tập đoàn Yeah1 lên sàn, quỹ này đã bán gần 8 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại Yeah1 từ 35,7% xuống 7,1% sau 10 năm đồng hành.
Một quỹ mở khác do VinaCapital quản lý là VVF tập trung đầu tư vào 9 cổ phiếu ngành cơ sở hạ tầng và dịch vụ tiện ích, 7 cổ phiếu ngành tiêu dùng bán lẻ và 5 cổ phiếu lĩnh vực xây dựng, vật liệu. Trong khi đó, quỹ VNL tập trung vào 3 lĩnh vực chính là công nghiệp – logistics, nhà ở và các dự án nghỉ dưỡng ven biển.