Nghịch lý mặt bằng dự án BĐS

Trong khi nhiều chủ đầu tư bất động sản đang phải chật vật, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án thì không ít doanh nghiệp đã có sẵn đất nhưng lại không khởi công, để cỏ mọc um tùm hoặc sử dụng sai mục đích.

Sau khi các phương tiện truyền thông phản ánh tình trạng nhiều dự án để hoang hóa, sử dụng sai mục đích xảy ra tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội, mới đây, UBND Tp.Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, kiểm tra, rà soát và kiến nghị hướng xử lý đối với các dự án vi phạm quy định của pháp luật.

Kẻ ăn không hết

Điều đáng nói, những khu đất “vàng” vi phạm hầu hết là của những đại gia trong lĩnh vực bất động sản như: Tổng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tập đoàn phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội...

Ngay cả địa bàn quận Tây Hồ, khu vực vốn được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong thời gian qua, hiện đang tồn tại hàng loạt khu đất diện tích từ vài nghìn đến hàng chục nghìn m2 do các đại gia đấu giá quyền sử dụng đất rồi để hoang 5-8 năm nay.

Thậm chí, có mảnh đất bỏ hoang rộng tới hơn 5.000m2 nằm cuối đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) của Vietcombank. Tại khu vực sầm uất nhất của quận Thanh Xuân là tuyến đường Lê Văn Lương, từ giữa năm 2004, UBND Tp.Hà Nội phê duyệt kết quả đầu tư các dự án thí điểm xây dựng nhà cao tầng cho thuê tại các ô đất hai bên tuyến đường này. Thế nhưng, hơn 8 năm nay, một số chủ đầu tư vẫn chưa làm thủ tục sử dụng đất để thực hiện dự án.

Nghịch lý mặt bằng dự án BĐS - 1

Mới đây, UBND Tp.Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, kiểm tra, rà soát và kiến nghị hướng xử lý đối với các dự án vi phạm quy định của pháp luật.

Còn tại quận Hoàng Mai, sau lễ khởi công hoành tráng hồi đầu năm 2011, đến nay trong khuôn viên dự án khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (Golden Silk) có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 3.000 tỷ đồng thuộc phường Đại Kim, vẫn không có một bóng công nhân cũng như máy móc thi công. Thay vào đó là cảnh hoang tàn, cỏ mọc um tùm. Được biết, dự án này do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 2 Vinaconex làm chủ đầu tư.

Trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều chủ đầu tư đang phải đối mặt với tình trạng đòi tiền của khách hàng do chủ dự án huy động vốn của khách hàng quá lâu nhưng chưa triển khai thực hiện, như Chung cư 34 Cầu Diễn, Binh đoàn 12 Ngọc Hồi, Tricon Towers, Mekong Plaza...

Trái ngược với tình trạng bỏ hoang nói trên, tại Hà Nội cũng có không ít chủ đầu tư đang phải vật lộn với công tác giải phóng mặt bằng để có đất triển khai dự án. Chẳng hạn dự án Khu đô thị Văn Giang (Ecopark), chủ đầu tư hiện đang phải triển khai cầm chừng vì việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất. Hay một siêu dự án khác là Gamuda City cũng đang rất cần đất để triển khai các hạng mục của khu đô thị, song việc đàm phán với các hộ dân trong vùng dự án vẫn chưa kết thúc.

Một số dự án khác như Khu đô thị Tây Hồ Tây, dự án đô thị An Khánh mở rộng... đến nay vẫn chưa thể xong khâu giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ dự án.

Theo ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Vinaconex, giải phóng mặt bằng luôn là một bài toán phức tạp đối với bất cứ chủ đầu tư nào khi triển khai dự án ở Việt Nam do tính chất rộng lớn, đòi hỏi phải triển khai đồng loạt và dứt điểm. Trong một số trường hợp, nếu không xử lý khéo dễ dẫn đến tình trạng bất bình của chính quyền, người dân khu vực và là nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng dự án “treo”, đình trệ, chậm tiến độ triển khai.

Chính quyền vào cuộc

Trước thực tế trên, cùng với sự lên tiếng của các cơ quan truyền thông, Chính phủ cũng như UBND Tp.Hà Nội đã vào cuộc với mong muốn giải quyết dứt điểm tình trạng lãng phí, hoang hóa đất đai.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng và UBND thành phố, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các khu “đất vàng” để cỏ mọc hoang tại 4 quận, huyện ở Thủ đô Hà Nội là Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Kết quả cho thấy, trong tổng số 32 khu đất với diện tích 488.545m2 của 23 chủ đầu tư, có 19 khu đất trống chưa sử dụng, diện tích 309.368m2; 10 khu đất các chủ đầu tư được giao quản lý nhưng hiện đang sử dụng sai mục đích (như làm bãi đỗ xe, ga ra, sân bóng đá mini, quán ăn...) với diện tích 159.328m2.

Sau khi có báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã yêu cầu trước ngày 15/8, các cơ quan chức năng phải rà soát kết quả kiểm tra, kết luận cụ thể những vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đối với từng ô đất, làm căn cứ lập hồ sơ thu hồi theo quy định của pháp luật đất đai. Kiểm tra, kết luận các trường hợp được giao đất nhưng quá 12 tháng chưa đưa đất vào sử dụng và đề xuất xử lý vi phạm.

Lãnh đạo thành phố cũng nêu rõ: “Nếu dự án không triển khai do nguyên nhân khách quan hoặc lỗi do các cơ quan chức năng, cần đề xuất các biện pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ. Đối với các trường hợp vi phạm, không có khả năng thực hiện thì đề xuất thu hồi, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án theo quy định của pháp luật”.

Ngày 3/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tiếp tục có công văn gửi lãnh đạo Tp.Hà Nội, yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc và quyết liệt tình trạng để hoang hóa đất đai tại các dự án đã được cấp phép. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng Hà Nội cùng sự chỉ đạo của Chính phủ, tình trạng hoang hóa đất đai tại các dự án bất động sản sẽ được giải quyết triệt để. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN