Nghịch lý huy động USD 0%, cho vay 6%

Trong khi lãi suất huy động USD 0%, nhưng lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,5 - 4,5%, thậm chí có những khoản vay lên tới 6%. Tại sao chênh lệch lãi suất huy động và cho vay USD lại cao như vậy? Có hay không việc doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó với bài toán chi phí “lãi vay”?

Thông tin từ NHNN cho biết, lãi suất cho vay ngoại tệ của các ngân hàng phổ biến từ 2,8 - 6%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 2,8 - 4,7%/năm, lãi suất vay trung dài hạn từ 4,5 - 6%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động USD là 0%.

Huy động 0%, cho vay gấp 4 -5 lần

Theo chia sẻ của 1 đại diện doanh nghiệp xuất khẩu lớn tại TP.HCM, hiện nay doanh nghiệp được vay vốn bằng đồng USD, với lãi suất 4,5%/năm (chu kỳ vay 6 tháng), nếu so với mức lãi suất vay bằng đồng ngoại tệ 8% - 10%/năm giai đoạn trước đây thì mức lãi vay bằng USD hiện nay doanh nghiệp được hưởng đã khá tốt.

Nếu so với mức lãi vay bằng đồng nội tệ 10% -12% hiện nay, lãi vay bằng đồng USD chỉ bằng 50% so với mức lãi vay bằng VND, như vậy doanh nghiệp có lợi về lãi suất nếu vay ngoại tệ.

“Tuy nhiên, xét trong mối tương quan giữa lãi suất huy động và cho vay bằng USD, thì rõ ràng đang có sự thiếu hợp lý. Hiện nay, lãi suất huy động USD chỉ là 0% đối với cả cá nhân lẫn tổ chức kinh tế, vậy mà doanh nghiệp phải vay tới 4 -5%/năm. Mức chênh lệch này quá lớn. Điều đó cho thấy sự không hợp lý”, đại diện doanh nghiệp này bày tỏ quan điểm.

Nghịch lý huy động USD 0%, cho vay 6% - 1

Lãi suất huy động USD là 0%, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay USD là 4 - 5%, thậm chí 6% 

Công ty CP Thủ Công Mỹ Nghệ Hoa Lư cũng thừa nhận với lãi suất chỉ 3,5%/năm đối với vay USD là rất tốt so với trước đây. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapo, lãi vay của họ chỉ 1 -2%, rất là thấp, thậm chí là 0%.

“Huy động bằng 0%, trong khi đó cho vay vẫn cao, doanh nghiệp xuất khẩu rất khó để giải quyết bài toán cạnh tranh của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đấy là còn chưa kể, gần 7 năm nay, NHNN liên tục đóng mở đối với chính sách cho vay ngoại tệ của doanh nghiệp và đó là lý do, dù thích vay ngoại tệ hơn đồng nội tệ nhưng các doanh nghiệp vẫn không hết lo lắng”, đại diện doanh nghiệp Hoa Lư phàn nàn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đều mong muốn, lãi vay USD sớm được đưa về mức 2- 3%/năm để giảm bớt gánh nặng chi phí lãi vay, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu.

Co hẹp mức chênh lãi suất cho vay USD và VND

Giải thích về mức chênh lệch giữa cho vay và huy động cao đối với USD, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho hay ngân hàng huy động USD lãi 0%, cho vay lãi tới 4 - 5% là bình thường vì đó là mức chênh lệch cần thiết để đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng. Bởi hoạt động cho vay thì phải có chi phí vốn và tỷ lệ lợi nhuận.

Ông Hiếu giải thích thêm, theo quy định, các ngân hàng phải dự trữ bắt buộc đối với Ngân hàng Trung ương. Theo đó, với tiền VND, ngân hàng dự trữ khoảng 3%, với ngoại tệ tỷ lệ là 6%, thậm chí lên tới 8%.

“Điều đó có nghĩa là, không phải ngân hàng huy động 10 có thể dùng cả 10 đồng để sinh lời, huy động được 10 USD ngân hàng chỉ được dùng 2 hay 4 USD để sinh lời. Trong khi đó, các ngân hàng cho vay phải có dự phòng nợ xấu, rủi ro, trong đó đối với những món nợ thông thường (chưa quá hạn, chưa phải là nợ xấu) thì tỉ lệ là 0,7% trên số nợ có trên sổ sách”, ông Hiếu phân tích thêm.

Ngoài ra, ngân hàng còn phải dự phòng về thanh khoản, những chi phí hoạt động. Cuối cùng ngân hàng cũng phải dự trù một tỉ lệ lợi nhuận nào đó cho cổ đông.

“Nghĩa là ngân hàng ít nhất phải có lợi nhuận ròng là 3% trên chi phí vốn. Cho nên, khi huy động USD lãi = 0% nhưng cho vay ra có thể tính lãi 3 - 4% hay 5%. Giữ chênh lệch đó là tỷ lệ lợi nhuận cần có để ngân hàng duy trì sự sống của mình”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện phó viện kinh tế tài chính IEF (Bộ tài chính), tính đến ngày 21.6, tín dụng ngoại tệ tăng 8,5% so với cuối năm 2017, trong khi huy động bằng ngoại tệ giảm hơn 3%. Nhu cầu vay ngoại tệ cao trong khi huy động ngoại tệ lại giảm vì lãi suất huy động ngoại tệ duy trì ở mức 0% khiến người dân ít gửi USD nên ngân hàng có nhu cầu phải vay USD với lãi suất cao hoặc vay từ nước ngoài. Do đó, lãi suất đầu ra cũng được các ngân hàng đẩy lên cao là điều hết sức dễ hiểu.

Theo công bố gần nhất, lãi suất cho vay USD qua đêm là 1,94%/năm, trong khi lãi suất cho vay qua đêm với VND chỉ 0,81%/năm. Ở kỳ hạn 1 tuần, lãi suất cho vay USD là 2,01%/năm, VND chỉ 1,03%/năm. Tương tự, ở kỳ hạn 2 tuần lãi suất cho vay đối với USD là 2,07%/năm, còn VND là 1,12%/năm…những con số này chính là 1 phần minh chứng cho thấy diễn biến cung – cầu ngoại tệ trên thị trường hiện nay.

TS. Nguyễn Đức Độ, còn cho rằng nếu như muốn có cân bằng cung – cầu ngoại tệ, cần phải thay đổi chính sách về lãi suất. Nghĩa là làm sao co hẹp mức chênh lãi suất cho vay bằng VND và USD, khuyến khích doanh nghiệp vay bằng đồng nội tệ nhiều hơn (hoặc vay bằng đồng ngoại tệ nhưng nhận nợ bằng nội tệ).

Trước đó, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng, cũng đã đưa ra đề xuất tăng mức lãi suất huy động ngoại tệ lên 0,25 - 0,5%/năm thay vì giữ ở mức 0% như hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thúy ([Tên nguồn])
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN