Nghi vấn 'thổi giá' để vay được ngàn tỷ

Trong khi nhà máy đã cơ bản hoàn thành, thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vẫn tiếp tục giải ngân tới 2.238 tỷ đồng cho dự án. Và ngay sau khi nhận hết tiền, lãnh đạo Lifepro Việt Nam đột ngột biến mất một cách đáng ngờ.

Hơn ba tháng, giải ngân 2.238 tỷ đồng

Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 092032000004 (sửa đổi lần 4) do Ban quản lý các khu công nghiệp cấp ngày 28-1-2011, chủ đầu tư dự án Luxfashion (tại KCN Gián Khẩu, Ninh Bình) đã đổi tên Cty cổ phần Enzo Viet thành Cty liên doanh Lifepro Việt Nam.

Đồng thời, tăng vốn đầu tư dự án từ 47,1 triệu USD lên 305 triệu USD, gấp 6,5 lần so với quy mô trước đó. Thời điểm này, báo cáo số 1356A ngày 12-10-2012 của Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội cho thấy, Cty Enzo Viet đang nợ ngân hàng này 865 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2011, một số xưởng của nhà máy Luxfashion đã đi vào sản xuất thử nghiệm. Tháng 4-2012, Cty liên doanh Lifepro Việt Nam đã xuất khẩu sang Italia lô hàng đầu tiên trị giá 70.343 EUR.

Đến tháng 6-2012, các hạng mục cơ bản của dự án Luxfashion đã hoàn thành, 10 xưởng đã lắp đặt máy móc, thiết bị gồm các xưởng may, thêu, giặt là…
Còn 3 xưởng dệt, nhuộm xây dựng xong nhưng chưa lắp đặt máy móc. Đến thời điểm này, theo báo cáo của Ban quản lý các khu CN Ninh Bình, tổng mức đầu tư dự án Luxfashion đã thực hiện là 4.800 tỷ đồng.

Ngày 7-4-2012 (một tuần sau khi xuất lô hàng đầu tiên), Cty liên doanh Lifepro Việt Nam được Agribank duyệt cho vay 150 triệu USD, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư dự án.

Cụ thể, 90 triệu USD là vốn vay đầu tư dài hạn và 60 triệu USD vốn vay lưu động. Tổng dư nợ cho vay quy đổi tạm tính là 3.103 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả 865 tỷ đồng nợ chuyển từ Cty Enzo Viet sang.

Như vậy, Agribank đồng ý cho Cty liên doanh Lifepro Việt Nam thực vay thêm khoảng 2.238 tỷ đồng. Hai bên đã kí hợp đồng thế chấp tài sản trong ngày 8 và 14-4-1012.

Thế nhưng, theo báo cáo số 1356A của Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội, chưa đầy 4 tháng sau khi ký hợp đồng thế chấp tài sản, ngày 27-8-2012, lãnh đạo và toàn bộ chuyên gia nước ngoài của Cty liên doanh Lifepro Việt Nam đã biến mất.

Nhà máy đóng cửa, ngừng hoạt động. Nhà xưởng được niêm phong và giao cho Cty bảo vệ Thăng Long trông coi. Như vậy, việc giải ngân 2.238 tỷ đồng đã hoàn tất trong vòng khoảng hơn 3 tháng. Và sau khi nhận xong tiền từ ngân hàng, những ông chủ của nhà máy đột ngột biến mất một cách đáng ngờ.

Nghi vấn 'thổi giá' để vay được ngàn tỷ - 1
Chủ nhà máy này có dấu hiệu “thổi giá” giá trị đầu tư nhằm rút tiền ngân hàng rồi biến mất.

Dấu hiệu “thổi giá” dự án

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình, sau khi các lãnh đạo của Cty liên doanh Lifepro Việt Nam biến mất, đã có một số nhà đầu tư đến tìm hiểu dự án trên. Và ngỏ ý muốn mua lại nhà máy để khôi phục sản xuất.

“Chúng tôi đã dẫn một ông chủ người Đài Loan xuống xem nhà máy. Ông này đánh giá dây chuyền máy móc, thiết bị của nhà máy là hiện đại, có thể tiếp nhận để sản xuất được ngay. Nhưng giá đầu tư quá đắt”- ông Bình nói và giải thích thêm, ông chủ người Đài Loan chê như vậy vì cũng có một nhà máy sử dụng dây chuyền máy móc tương tự ở Đài Loan nhưng giá (chi phí đầu tư) không đến mức ấy. Một vài nhà đầu tư khác ngỏ ý muốn xem nhà máy nhưng thời điểm đó tài sản của công ty này đã bị niêm phong.

Ngày 20-4-2012, Thanh tra Tổng cục Hải quan đã ra Quyết định số 863 thanh tra Cty liên doanh Lifepro Việt Nam. Kết quả, kiến nghị truy thu thuế và xử phạt số tiền 479,5 tỷ đồng.

Có nghĩa, Cty liên doanh Lifepro Việt Nam đã thực hiện nhập khẩu máy móc, nguyên liệu với trị giá hàng nghìn tỷ đồng trước thời điểm tháng 4-2012 và trước cả khi Agribank phê duyệt cho công ty vay 150 triệu USD.

Việc Lifepro Việt Nam vay thêm hàng ngàn tỷ của Agribank khiến dư luận khó hiểu không biết DN này sẽ chi tiêu vào mục đích gì?

Những điều này làm dấy lên nghi vấn về việc đã có thủ thuật “thổi giá” dự án thông qua việc làm lại thủ tục, nâng mức cho vay lên 150 triệu USD, sau đó tiến hành giải ngân hơn 2.238 tỷ đồng một cách chóng vánh để rút tiền ngân hàng, cũng là tiền của dân. Đây là vấn đề cần được làm rõ.

Những ai phải chịu trách nhiệm?

Cuối tháng 1-2013, sự việc vỡ lở khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Agribank, bà Phạm Thị Bích Lượng, nguyên giám đốc chi nhánh Agribank Nam Hà Nội do các sai phạm trong cho vay đối với dự án Luxfashion. Ngoài hai nhân vật này, còn ai phải chịu trách nhiệm?

Thực tế, ông Phạm Thanh Tân đã bị miễn nhiệm chức Ủy viên Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Agribank từ ngày 13-7-2011.

Do đó, ông Tân không thể là người chỉ đạo lập lại hợp đồng thế chấp để tiếp tục giải ngân 2.238 tỷ đồng cho Cty liên doanh Lifepro Việt Nam. Sau thời điểm đó, một Phó Tổng giám đốc đương nhiệm được giao phụ trách điều hành Agribank, cho đến ngày 5-11-2012.

Theo quy định, với gói tín dụng khổng lồ trên, thẩm quyền quyết định thuộc Hội đồng tín dụng Hội sở chính, gồm tổng giám đốc làm chủ tịch (ở đây là phó tổng giám đốc phụ trách) và một số trưởng ban có liên quan. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 2 nhân vật trên bị khởi tố và lộ diện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hằng (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN