Ngành thuế đòi cung cấp thông tin tài khoản khách hàng: Đẩy khó cho ngân hàng

Luật Các tổ chức tín dụng quy định chỉ có viện kiểm sát, tòa án, cơ quan công an đang điều tra vụ án có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng.

Quy định ngân hàng (NH) thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại NH cho cơ quan quản lý thuế (bao gồm thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế…) được nêu trong dự thảo Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) vấp phải nhiều ý kiến phản đối.

Vi phạm quy định bảo mật thông tin?

Theo đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), không phải toàn bộ người nộp thuế đều bị yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về tài khoản NH, số dư, giao dịch liên quan. Cơ quan thuế chỉ yêu cầu cung cấp tên chủ tài khoản với mục đích quản lý thông tin người nộp thuế gắn với mã số thuế. Trong trường hợp phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế, kê khai thuế không đúng... cơ quan thuế mới yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch của người đó trong khoảng thời gian nghi vấn.

Tuy vậy, nhiều NH thương mại cho rằng quy định này sẽ gây khó cho NH bởi phạm vi cung cấp thông tin không rõ ràng sẽ phát sinh thêm nhiều thủ tục, có thể vi phạm quy định về bảo mật thông tin của NH với khách hàng. Tổng giám đốc một NH cổ phần lớn tại TP HCM cho biết thỉnh thoảng NH vẫn nhận được yêu cầu phong tỏa tài khoản khẩn cấp, trích lục số dư tài khoản của khách hàng nhưng nếu phải cung cấp tới nội dung giao dịch qua tài khoản, lịch sử giao dịch… là rất khó. 

"Về nguyên tắc, nếu NH thương mại cảm thấy yêu cầu quá chi tiết, nhạy cảm hoặc có thể vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin khách hàng, chúng tôi sẽ gửi văn bản xin ý kiến NH Nhà nước. Luật Các tổ chức tín dụng quy định cung cấp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền, nhưng hiện chỉ cung cấp cho viện kiểm sát, tòa án, cơ quan công an đang điều tra vụ án. Thậm chí NH có quyền từ chối yêu cầu cung cấp nếu chưa khởi tố vụ án" - vị tổng giám đốc giải thích.

Theo các NH, việc cung cấp thông tin của người nộp thuế để phục vụ, bảo đảm thực hiện trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp là hợp lý, nhưng phải quy định rõ việc cơ quan thuế được yêu cầu NH thương mại cung cấp ở mức độ nào, nếu không sẽ dẫn đến sự lạm quyền. Đồng thời, cần đặt vấn đề với dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), cơ quan thuế có quy định bảo mật rõ ràng với các thông tin được NH cung cấp hay không?

Ngành thuế đòi cung cấp thông tin tài khoản khách hàng: Đẩy khó cho ngân hàng - 1

Khách hàng đang giao dịch ngân hàng qua điện thoại Ảnh: Hoàng Triều.

Chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh, cho hay ở nước ngoài, khi nào có yêu cầu của tòa án, cơ quan công an điều tra vụ việc, NH thương mại mới cung cấp thông tin khách hàng theo yêu cầu. "Giao dịch giữa NH thương mại với khách hàng là giao dịch dân sự, nếu NH không bảo mật thông tin làm sao khách hàng tin tưởng? 

Chưa kể quy định này sẽ tạo thêm những lớp quản lý hành chính, giấy tờ, báo cáo làm tốn nguồn lực, gánh nặng cho NH. Nếu cơ quan thuế được yêu cầu NH thương mại cung cấp thông tin khách hàng, sau này sẽ có những cơ quan quản lý khác yêu cầu tương tự, liệu có ảnh hưởng đến quyền riêng tư, bảo mật thông tin của khách hàng" - TS Huỳnh Trung Minh đặt vấn đề.

Phạm vi cung cấp quá mở

Ở góc nhìn khác, các chuyên gia cho rằng việc phối hợp thông tin giữa NH và cơ quan thuế là hợp lý trong một số trường hợp. Tuy nhiên, mức độ cung cấp thông tin cần phải được quy định rõ ràng.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TP HCM, cho rằng với tình hình trốn thuế, gian lận thuế diễn ra ngày càng phức tạp, nhất là khi xu hướng thương mại điện tử phát triển, nếu không có sự hỗ trợ của NH thì cơ quan thuế không thể xác định được thu nhập của cá nhân, tổ chức. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. 

Việc cung cấp thông tin thế nào cần có quy định chặt chẽ, bảo đảm bảo mật và không làm mất thông tin của khách hàng, nêu rõ thông tin nào được cung cấp, thông tin nào tuyệt đối không được cung cấp. "Đơn vị có quyền yêu cầu NH cung cấp thông tin thấp nhất phải từ cấp cục trở lên và chỉ được yêu cầu cung cấp thông tin những giao dịch chuyển tiền lớn hoặc giao dịch nhỏ nhưng lặp đi lặp lại gây nghi vấn" - ông Nghĩa góp ý.

Góp ý cụ thể cho khoản 3 điều 100: "Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử liên quan về người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế" - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề nghị cần có giới hạn cụ thể cho loại thông tin này.

Ông Tuấn đánh giá quy định này trong dự thảo luật chưa bảo đảm tính minh bạch do không nêu rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu NH thương mại cung cấp các thông tin. Đồng thời cũng chưa thuyết minh rõ được yêu cầu này căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì. Nếu quy định mở như dự luật, có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế. 

"Quan hệ giữa NH và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, NH phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm NH không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý thuế" - ông Tuấn lưu ý.

Chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực cho rằng nếu nhìn nhận quy định trong dự thảo luật thuế sửa đổi là chia sẻ thông tin giữa NH thương mại với cơ quan thuế, thì trước nay cũng đã được thực hiện ở một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Malyasia… Tuy nhiên, các nước quy định về trao đổi, chia sẻ chứ không phải yêu cầu cung cấp thông tin. Ngoài ra, họ quy định rất rõ phải cung cấp thông tin trong những trường hợp nào, thông tin ra sao cũng như đưa ra những mức độ khác nhau về cung cấp thông tin.

"Dự thảo sửa đổi lần này đưa ra phạm vi cung cấp thông tin rộng quá. Chỉ nên yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết, hữu ích cho việc đòi nợ thuế" - TS Cấn Văn Lực nói. 

Gánh nặng trách nhiệm cho ngân hàng

Khoản 4 điều 29 quy định NH thương mại phải "Trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế". Theo ông Đậu Anh Tuấn, quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng chống rửa tiền và các quy định khác nêu rõ các NH thương mại chỉ có thể chuyển tiền nếu nhận được văn bản cưỡng chế thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trong thời hạn cưỡng chế thuế, tài khoản của khách hàng còn tiền mà không bị phong tỏa bởi các bên cầm cố, thế chấp.

Bên cạnh đó, khi hết thời hạn thi hành cưỡng chế thuế, tài khoản của khách hàng phát sinh tiền thì NH thương mại cũng không thể chuyển tiền cho ngân sách nhà nước được. Do vậy, dự thảo luật quản lý thuế phải thống nhất với quy định của pháp luật NH. Ông Tuấn cũng đề nghị ban soạn thảo Luật Quản lý Thuế xem xét và chỉnh sửa để thể hiện đúng bản chất của bảo lãnh thuế dưới góc độ là nghiệp vụ bảo lãnh của NH, theo hướng NH thương mại bảo lãnh trong phạm vi hợp đồng bảo lãnh. Đồng thời, cơ quan thuế phải thông báo cho NH để NH biết và đối chiếu với chứng thư bảo lãnh đã cấp để thực hiện, hoặc có giải trình phù hợp với khách hàng.

TS Cấn Văn Lực cho rằng để tránh việc tùy tiện khi áp dụng luật, dự thảo luật cần xác định rõ phạm vi cung cấp thông tin phù hợp, trách nhiệm phối hợp của NH ở mức độ phù hợp hơn thay vì gắn toàn bộ trách nhiệm nặng nề cho NH.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung - Thái Phương ([Tên nguồn])
Chính sách thuế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN