Ngàn tỷ đồng "chôn" theo biệt thự hoang
Dù cho giá bán các căn biệt thự, nhà liền kề ở các khu đô thị vùng ven Hà Nội thời điểm này giảm 40-50% so với 2-3 năm trước, nhưng vẫn chẳng ai hỏi mua. Vì thế, rất nhiều biệt thự, nhà liền kề vẫn không có người đến ở hoặc nằm trong tình trạng xây dựng dang dở. Hàng ngàn tỷ đồng của những người đầu cơ đang chôn vùi theo nhà đất, cơ hội thu hồi vốn của họ còn rất xa.
Bạt ngàn biệt thự hoang
Xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) thuộc diện đô thị hóa nhanh nhất cả nước vì chỉ trong khoảng 2 năm (2006-2007), đất nông nghiệp của 4/5 thôn bị lấy để phục vụ cho 6 dự án đô thị mới. 6 dự án đô thị mới ở An Khánh đều là mẫu nhà ở cao cấp, diện tích từ 100-300m2/căn, thiết kế theo kiến trúc hiện đại.
"Xã có hơn 500ha đất nông nghiệp thì có tới 400ha bị thu hồi làm đô thị mới từ năm 2006-2007 và nếu theo quy hoạch cũng sẽ thu hồi hết. Lấy đất làm đô thị, người dân mới chỉ nhận được 45 triệu đồng/sào đất lúa. Tuy nhiên, đô thị vừa mọc lên đã thấy nhiều bất lợi khi dân thiếu việc làm, đất dịch vụ cho 1.000 hộ dân chưa được cấp, trong khi hàng loạt nhà cửa để hoang hóa, lãng phí... chẳng biết bao giờ mới có người đến ở”. Ông Nguyễn Huy Hoán Phó Chủ tịch xã An Khánh |
Thời điểm “sốt” nhà đất, mỗi suất biệt thự, nhà liền kề tại An Khánh dù có giá từ vài tỷ đến vài chục tỷ vẫn bán chạy “như tôm tươi”. Những người có được “suất” mua nhà giá gốc bán vội sang tay cũng được chênh vài triệu đến vài chục triệu đồng/m2, như nhà liền kề của dự án đô thị Gleximco có giá gốc là 28 triệu đồng/m2, nhưng giá thị trường có thời điểm lên đến 45 triệu đồng/m2, tức tính tiền chênh mua “suất” cho căn có diện tích nhỏ nhất là 90m2 cũng lên đến hơn 1,5 tỷ đồng. Hay giá đất nền gốc biệt thự của dự án Nam An Khánh là 47 triệu đồng/m2, nhưng giá bán trên thị trường năm 2010 lên tới 80 triệu đồng/m2, tức là với biệt thự có diện tích khoảng 200m2, tiền chênh lệch có thể lên tới 6,6 tỷ đồng…
Nhưng đến thời điểm này, từ dự án Gleximco dọc đường Lê Trọng Tấn đến khu đô thị Nam An Khánh, nhiều biệt thự đã xây xong phần thô, thậm chí đã hoàn thiện nhưng vẫn bỏ không. Ngay tại Khu đô thị cao cấp Spendora đã hoàn thành giai đoạn một, với căn hộ chung cư có giá 25 triệu đồng/m2 và biệt thự giá từ hơn chục tỷ đến gần 50 tỷ đồng/căn, cũng mới có 10 hộ với 36 nhân khẩu đến ở. Tại Khu đô thị mới Văn Phú, sau hơn 1 năm bàn giao nhà cho khách hàng, có đến 90% trong số khoảng 200 biệt thự, nhà liền kề tại đây đang trong tình trạng bỏ hoang. Còn tại Khu đô thị Lideco (Bắc 32), dù đã bàn giao cho khách hàng nhưng vẫn còn khoảng 400 khách hàng không nhận bàn giao với tổng số tiền nợ chủ đầu tư lên đến 200 tỷ đồng.
Biết bao tiền của mà nhà đầu cơ vay mượn đang nằm trong những ngôi biệt thự bỏ hoang
Bán tháo cũng không xong
Việc hàng loạt biệt thự, nhà xây dở trên địa bàn ngoại thành Hà Nội đã trở thành những “hố” chôn hàng ngàn tỷ đồng của những nhà đầu tư. Anh Thanh Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội) đau đầu bởi khoản tiền hơn 10 tỷ đồng anh đầu tư “ôm” 4 căn biệt thự tại Khu đô thị Geleximco. Giá gốc anh Tùng mua là 28 triệu đồng/m2, nay anh rao bán với mức giá 20 triệu đồng/m2 nhưng cũng chả có ai hỏi mua trừ một vài sàn bất động sản chào mời ký gửi. “Hàng tháng xoay tiền trả lãi ngân hàng mệt đứt hơi. Tôi chấp nhận bán cắt lỗ nhưng cũng chả ai hỏi, trừ vài sàn bất động sản mời ký gửi. Nhiều bạn bè trong giới buôn bất động sản cũng đang “chết cứng” vì vốn đọng ở các biệt thự quá lớn”.
Theo các chuyên gia bất động sản, hiện dân đầu cơ biệt thự tìm mọi cách cắt lỗ. Chủ đầu tư dự án cũng giảm giá, bán tháo để đẩy lượng hàng tồn và thu hồi vốn. Tuy nhiên, không dễ bán những căn biệt thự này bởi cơ sở hạ tầng đi kèm còn nhiều thiếu thốn, lại ở xa trung tâm thành phố nên việc đi lại, học hành, làm việc... cũng trở nên khó khăn. Bà Mai Anh, phụ trách kinh doanh của Công ty Sudico An Khánh cho biết, lâu lắm rồi không có ai đến hỏi mua nhà đất ở dự án Nam An Khánh, dù nhiều người rao bán lại biệt thự, nhà liền kề tại dự án Nam Khánh, với giá bán bằng nửa thời kỳ năm 2010. Theo chị Mai Anh, giờ nhiều chủ đầu tư đang trong tình trạng “hấp hối” nên không đủ lực làm cơ sở hạ tầng cơ bản như trường học, siêu thị nên các dự án như Nam An Khánh cũng phải 5-7 năm nữa mới có thể ở được.
Theo bà Thu Trang, Phòng Kinh doanh dự án Spedora, một số chủ căn hộ biệt thự giá vài chục tỷ của Khu đô thị Spendora đang rao bán với giá gốc, nhưng cũng không bán được. “Ngày càng có nhiều dự án gần trung tâm hơn được hoàn thành và các mức giá đưa ra hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, người mua vẫn đang trong tâm lý chờ đợi giá tiếp tục giảm hơn nữa. Mặc dù giá đã giảm nhưng vẫn vượt quá khả năng của đa phần người mua cuối cùng”, chị Thu Trang giải thích