Ngân sách NN: Tăng thu, tăng chi, tăng…nợ
Trong khi ngân sách chưa lấy gì làm dư dả, thì tính hiệu quả của việc sử dụng vẫn được đặt ra với nhiều lo ngại tại buổi họp sáng 10/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi xem xét quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.
Theo tờ trình được Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh trình bày, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 với tổng số thu cân đối là 962.982 tỷ đồng. Tổng số chi là 1.034.244 tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012).
Đáng chú ý, bội chi ngân sách nhà nước 2011 là 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 40.772 tỷ đồng), thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao (5,3%).
Các con số trên nhận được sự thống nhất của cả cơ quan kiểm toán và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Tuy nhiên, đi vào các vấn đề cụ thể, khá nhiều lo ngại được mổ xẻ.
Thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ giải thích rõ tại sao ở phương án trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định số giảm bội chi là 9.100 tỷ đồng, nhưng Chính phủ chỉ bố trí 8.566 tỷ đồng.
Bội chi ngân sách nhà nước 2011 là 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP.
“Mặc dù giảm bội chi song các khoản chi ứng trước, nợ tạm ứng, thiếu hụt nguồn hoàn thuế đã làm cho kết quả giảm bội chi không có nhiều ý nghĩa về tài khoá”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Thường trực cơ quan thẩm tra cũng tỏ rõ sự lo lắng khi tổng số dư nợ công đến 31/12/2011 bằng 54,9% GDP, mặc dù vẫn nằm trong giới hạn an toàn nợ công nhưng tăng khá cao (24,8%) so với năm 2010.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, số nợ phải trả nước ngoài dùng để cho vay lại đến 31/12/2011 tương đương 12,55 tỷ USD, tăng 1,45 tỷ USD (12%) so với 2010.
Trong khi đó, hầu hết các dự án được cấp bảo lãnh chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu trên 20% tổng số vốn đầu tư dự án theo quy định tại thời hạn cấp bảo lãnh. Một số dự án được cấp bảo lãnh nộp phí bảo lãnh chậm, chưa đầy đủ, một số dự án khả năng hoàn trả vốn vay kém vẫn được cấp bảo lãnh nên dẫn đến việc ứng trả nợ thay cho các dự án được cấp bảo lãnh tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, ngay cả với thành tích vượt thu, theo Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố khách quan, chiếm tỷ trọng lớn là do giá cả tăng (chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 tăng 18,13% so với năm 2010, giá dầu thô tăng 28 USD/thùng so với giá dự toán…). Yếu tố từ sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số tăng thu.
Điều đó phản ánh thu ngân sách tuy tăng cao nhưng chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế, nguồn thu cũng chưa thực sự vững chắc, báo cáo của Ủy ban nêu rõ.
Nhận xét các con số tại báo cáo quyết toán “chưa biết nói”, nhìn vào số thu tăng đến 21,3% (vượt 126.804 tỷ đồng) và số chi cũng tăng tới 8,5% (vượt 61.954 tỷ đồng), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi tăng thu, tăng chi, tăng nợ thế có hay không? “Lẽ ra phải giảm nợ chứ”, ông nhấn mạnh.
“Tăng thu 21,3% mà tóm lại là vẫn tăng nợ, điều hành như thế là không được, phải rút kinh nghiệm”, ông Hùng nói.
Chủ tịch cũng đề nghị cần mổ xẻ kỹ căn bệnh kinh niên đã được nói nhiều tại Quốc hội là cứ dự toán thấp, thực hiện cao. “Tôi cũng có khuyết điểm cá nhân là 10 năm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm nào cũng tăng thu, song lần này rút kinh nghiệm, phải làm cho rõ vấn đề này ra. Phải làm sao cho con số biết nói, chứ con số thông qua thì nhất trí rồi”, Chủ tịch nhắc lại yêu cầu.