Ngân hàng: Việt Nam to hơn Mỹ

Theo Tổng Công ty bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC), tính trung bình, tổng tài sản của một ngân hàng thương mại ở Việt Nam lớn hơn gấp 2,5 lần một ngân hàng thương mại ở Mỹ.

Có phải Việt Nam đang có quá nhiều ngân hàng, chủ yếu là ngân hàng nhỏ? Nếu chỉ đơn giản là so với Mỹ, liệu điều này có đúng? PV đã đi tìm câu trả lời bằng cách khảo sát một số chỉ tiêu về ngành ngân hàng (chỉ so sánh các ngân hàng thương mại) giữa hai quốc gia. Kết quả thu được khá bất ngờ. Trung bình một ngân hàng thương mại ở Mỹ phục vụ 50.500 người trong khi tại Việt Nam, con số này là 2,25 triệu người.

Quy mô của một ngân hàng Việt Nam cũng không hề nhỏ. Theo Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), tính trung bình, tổng tài sản của một ngân hàng thương mại ở Việt Nam lớn hơn gấp 2,5 lần một ngân hàng thương mại ở Mỹ. Một số liệu thống kê khác của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỉ lệ số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại trên 100.000 người trưởng thành ở Việt Nam năm 2010 là 3,3, trong khi con số này ở Mỹ là 35,7.

Những kết quả trên cho thấy các ngân hàng thương mại ở Việt Nam không nhiều và nhỏ như nhiều người vẫn nghĩ, ít nhất là so với Mỹ một cách tương đối theo quy mô nền kinh tế và dân số.

Cũng có lập luận cho rằng khó có thể so sánh giữa Mỹ và Việt Nam vì sự chênh lệch quá lớn giữa thu nhập bình quân đầu người (Mỹ gấp Việt Nam tới hơn 34 lần), trình độ phát triển và số lượng sản phẩm, dịch vụ. Về vấn đề này, Tiến sĩ Kinh tế Lê Hồng Giang nhận xét: “Lý ra với nhu cầu về dịch vụ tài chính - ngân hàng của người dân và doanh nghiệp Việt Nam còn thấp so với Mỹ thì quy mô ngân hàng phải nhỏ hơn nữa mới đúng”.

Thực ra, những so sánh ở trên về số lượng và quy mô ngân hàng chỉ là một câu chuyện vui mang tính tương đối. Nhưng sâu xa hơn, nó phản ánh sự khác biệt trong chính sách quản lý ngành ngân hàng của 2 nước.

Trên thực tế, số ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam đang có xu hướng giảm. Nếu như năm 1997, khi khủng hoảng tài chính Đông Á nổ ra, có tới 56 ngân hàng thương mại thì đến năm 2005 chỉ còn 38 và năm 2012 là 39 ngân hàng. Nhưng có một điểm đáng chú ý là mô hình ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn đã biến mất.

Mô hình ngân hàng nông thôn được hiểu theo nghĩa là ngân hàng chỉ hoạt động trong một phạm vi nhất định, có vốn ít và cổ đông không mạnh. Theo báo cáo kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội hồi tháng 9.2012, Ngân hàng Hải Hưng là ngân hàng nông thôn đầu tiên được phép chuyển đổi sang mô hình ngân hàng thương mại cổ phần đô thị từ tháng 1.2007 và đổi tên thành Ngân hàng Đại Dương. Ngay sau đó, ngân hàng này liên tục tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỉ đồng vào tháng 6.2007, gấp 5,6 lần năm 2006. Đến năm 2011, vốn điều lệ đã là 5.000 tỉ đồng.

Thời điểm đó, việc ngân hàng muốn chuyển từ nông thôn lên thành thị đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Năm 2005, có 12 ngân hàng thương mại nông thôn và đến năm 2007, hầu hết đều nối gót Hải Hưng. Vốn điều lệ của các ngân hàng này liên tục phình to để đáp ứng với các yêu cầu tăng vốn của Nhà nước như Nghị định 141/2006 (yêu cầu tăng vốn lên 1.000 tỉ đồng vào năm 2008) và Thông tư 13/2010 (tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng). Trong khi đó, năm 2005, tổng số vốn của 12 ngân hàng thương mại nông thôn chỉ là 164 tỉ đồng.

Về nguyên tắc, việc tăng vốn điều lệ cho phép các ngân hàng đầu tư thêm về công nghệ, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, mở rộng thêm mạng lưới và quy mô hoạt động. Nghĩa là kỳ vọng về doanh thu và lợi nhuận sẽ lớn hơn. Nhưng tăng vốn không có nghĩa là an toàn. Tương tự, mở rộng quy mô hoạt động cũng không đồng nghĩa với việc sẽ kinh doanh hiệu quả hơn. Trong một số trường hợp, việc duy trì quy mô nhỏ sẽ bền vững hơn, chẳng hạn như ở Mỹ.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết Ngân hàng First Vietnamese American mà ông lập ra vào năm 2005 ở Mỹ chỉ có số vốn 15 triệu USD nhưng vẫn cạnh tranh được với Bank of America hay Wells Fargo ở địa phương. Đó là nhờ có Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC). Cơ quan này bảo hiểm cho tất cả các ngân hàng hoạt động ở Mỹ. “Thành ra người dân bỏ tiền vào một ngân hàng nhỏ xíu trong một cái làng cũng được bảo hiểm y như khi gửi ở một ngân hàng lớn tại New York”, ông nói.

Theo Tiến sĩ Giang, sự hỗ trợ công bằng cho cả ngân hàng nhỏ còn là vì Mỹ có thị trường vốn rất tốt. Do đó, các ngân hàng địa phương không hề lo thiếu vốn. Một điểm khác biệt lớn khác là chính sách quản lý ngân hàng. Mỹ khuyến khích ngân hàng đi vào cộng đồng nhỏ để phục vụ, tăng hiệu quả nhờ cạnh tranh. Các ngân hàng lớn thường chỉ quan tâm đến khách hàng lớn. “Bởi vậy mà có lẽ các ngân hàng ở Mỹ phục vụ đến 80% dân cư, còn ngân hàng ở Việt Nam chỉ phục vụ được khoảng 20%”, ông Hiếu nói. Theo FDIC, trung bình từ 2007-2011, có hơn 78,2% số ngân hàng thương mại tại Mỹ chỉ hoạt động ở một địa phương nhất định.

Quay trở lại với các ngân hàng Việt Nam, ông Giang nhận xét: “Thật sai lầm khi cho rằng ngân hàng sẽ mạnh lên nếu có vốn điều lệ lớn hơn. Muốn các ngân hàng nội địa mạnh thì cần phát triển thị trường tài chính, chứ không đơn giản là yêu cầu họ tăng vốn”. Ở Việt Nam, hậu quả của cuộc chạy đua tăng vốn ngân hàng có thể thấy rõ hơn bao giờ hết: sở hữu chéo, vốn ảo, cho vay theo nhóm lợi ích.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Phong (Nhịp cầu đầu tư)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN